Sáng 8/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề “Mô hình kinh tế tuần hoàn trong khai thác và chế biến khoáng sản ở Việt Nam gắn liền với việc bảo vệ môi trường”
Mục tiêu Hội thảo nhằm đẩy mạnh, góp phần hỗ trợ cơ sở khoa học cho các tổ chức Khoa học và Công nghệ trong công cuộc cải thiện môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên trên Trái đất.
Hội thảo đề ra những vấn đề cấp thiết về kinh tế – môi trường
Tham dự và chủ trì Hội thảo có: PGS.TS Phạm Quang Thao, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; TS. Lê Công Lương, Trưởng ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường VUTSA; PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn chủ tịch VUSTA, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường; GS Trần Nghi, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên,Phó Chủ tịch Tổng Hội Địa chất Việt Nam.
Tham dự Hội thảo còn có các nhà khoa học đầu ngành về lĩnh vực địa chất, kinh tế, môi trường; các nhà hoạch định chính sách cùng gần 100 đại biểu trong nhiều lĩnh vực liên quan.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, cách đây 20 năm chúng ta đã nói nhiều đến kinh tế tri thức, hiện nay chúng ta tập trung vào kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
“Hội thảo sẽ bàn sâu hơn về kinh tế tuần hoàn trong khai thác và chế biến khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Chúng ta phải phân tích kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực này có quy trình chung không? Đối với từng loại mỏ khoáng sản thì có gì khác? Ngoài ra còn phải gắn liền với bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần phải bàn thêm sự tác động đến kinh tế – xã hội như thế nào?” – PGS.TS Phạm Quang Thao gợi mở.
Phát biểu đề đẫn tại hội thảo, PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn chủ tịch VUSTA, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường khẳng định, ngành địa chất là một trong những lĩnh vực quan trọng đối với kinh tế – xã hội của đất nước. Các vấn đề về kinh tế tuần hoàn đã được cụ thể hóa tại các văn bản pháp luật, các chương trình hành động của Chính phủ. Hội thảo hôm nay gợi mở vấn đề mà cả hệ thống chính trị quan tâm.
“Đối với khu vực Tây Nguyên lại rất đặc biệt, lâu nay chúng ta thường nghe về đất đỏ bazan, café… nhưng đặc biệt hơn là dòng tài nguyên khoáng sản, mà nhiều nhất là bô-xit. Do đó kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường trong khai thác và chế biến khoáng sản là rất quan trọng, như vấn đề xử lý bùn đỏ từng gây nhức nhối trong bảo vệ môi trường tại địa phương”.
Nói thêm về tiềm năng của vùng Tây Nguyên, PGS.TS Trương Mạnh Tiến cho rằng, đây là khu vực giàu tài nguyên, do đó việc khai thác và xử lý như thế nào để không ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe, giữ tài nguyên cho con cháu mai sau là vấn đề cấp bách.
“Áp dụng kinh tế tuần hoàn là rất quan trọng đối với khai thác và chế biến khoáng sản. Với hội thảo này, những vấn đề đặt ra rất rõ: Kế hoạch triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực như thế nào? Để qua hội thảo này, sẽ có những tổng kết, kiến nghị gửi tới cơ quan chức năng nhằm phát triển lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, gắn liền với bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường sống” – PGS.TS Trương Mạnh Tiến chia sẻ.
Nhiều ý kiến tâm huyết về kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều tham luận, ý kiến tâm huyết đối với lĩnh vực kinh tế tuần hoàn trong khai thác và chế biến khoáng sản gắn liền với bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
GS Trần Nghi, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên,Phó Chủ tịch Tổng Hội Địa chất Việt Nam cho rằng, kinh tế tuần hoàn là để khẳng định tri thức của một người quản lý. Khai thác khoáng sản bao giờ cũng có “cái đuôi” là phần phế thải. Do đó, đây là lĩnh vực cần quan tâm đặc biệt để có thể tối ưu nguồn lợi khoáng sản nhưng vẫn phải bảo vệ môi trường.
Tham luận tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh – Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, mô hình kinh tế tuần hoàn là cách tiếp cận mới nhằm thay đổi cách tiếp cận trước đây dạng mô hình kinh tế tuyến tính, hướng tới nền kinh tế xanh, phát triển bền vững. Để triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, từ các chủ trương lớn của Đảng cần được thực hiện thông qua các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch trong phát triển các ngành, vùng và địa phương. Bài viết tập trung vào nội dung bàn luận về việc triển khai thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn đối với các ngành kinh tế của Việt Nam từ chủ trương, chính sách đã có đến việc triển khai trong thực tế, từ đó đưa ra các nhận định và khuyến nghị cho thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn thời gian tới.
Việc xây dựng, triển khai thực hiện các chiến lược, kế hoạch ngành kinh tế đối với mô hình kinh tế tuần hoàn đến nay đã có chủ trương định hướng của Đảng trong chiến lược phát triển đất nước 10 năm 2021-2030, trong các quy hoạch ngành đã có cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có sự lồng ghép kinh tế tuần hoàn. Triển khai thực hiện có căn cứ pháp luật tại điều 142 Luật BVMT2020, cụ thể hóa bằng Nghị định 08/2022/NĐ-CP và đề án của Chính phủ. Tuy nhiên việc triển khai vẫn còn một số vướng mắc, nhất là chưa bạn hành kịp thời khung kế hoạch hành động thực hiện.
Kinh tế tuần hoàn cho các ngành kinh tế, dự kiến có 9 ngành, lĩnh vực sẽ được thực hiện sau khi ban hành khung kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn. Mặc dù vậy triển khai thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn của các ngành kinh tế vẫn đã và đang thực hiện dựa vào các Chiến lược và kế hoạch đã có, quan trọng hơn đó là hiệu quả kinh tế do thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn mang lại trong thực tiễn. Những vướng mắc về cơ chế, chính sách để triển khai sẽ phải được tháo gỡ sớm.
Ông Phạm Văn Sơn, Tổng thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS) lấy ví dụ cụ thể về các lần vỡ đập bùn thải, ô nhiễm do sự cố, rò rỉ phát sinh hàng ngày. Thậm chí có nơi, hóa chất được xả qua cống ra sông suối gây ô nhiễm môi trường.
Ông Phạm Văn Sơn đã bày tỏ băn khoăn về chống thấm ở nền đập chứa chất thải. Theo ông Sơn, làm sao để hóa chất không ngấm xuống dưới là một câu hỏi lớn, tác động với địa chất ở phía dưới ra sao?
PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường đã có tham luận trình bày quy trình khai thác và sản xuất alumina từ quặng bô-xít đá ong tại nhà máy của Tập đoàn TKV tại Bảo Lộc, Lâm Đồng và Nhân Cơ, Đăk Nông; cũng như quá trình xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất. Trên cơ sở đó, PGS.TS Lưu Đức Hải đề xuất mô hình kinh tế tuần hoàn trong khai thác bô-xít và sản xuất alumin theo hướng phục hồi đất sau khai thác mỏ, tận dụng bùn đỏ và tro xỉ để sản xuất vật liệu xây dựng. PGS.TS Lưu Đức Hải cũng phân tích lợi ích và giải pháp triển khai mô hình vào thực tế sản xuất ở Tây Nguyên Việt Nam nhằm tối ưu hóa hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường.
Chi tiết hơn, theo PGS.TS Lưu Đức Hải, đối với các nhà đầu tư khai thác và chế biến bô-xít như hiện nay; các lợi ích kinh tế khi áp dụng kinh tế tuần hoàn có thể thấy gồm: giảm chi phí đầu tư các hồ chứa chất thải (bùn đỏ và bùn đuôi quặng); giảm chi phí kiểm soát ô nhiễm phát sinh từ chất thải; giảm chi phí phục hồi và quản lý các khai trường sau khai thác. Lấy tổ hợp nhôm TKV – Lâm Đồng công suất sản xuất 650.000 tấn alumin/năm làm ví dụ: Giảm chi phí xây hồ bùn đỏ hàng năm 200 tỷ VNĐ, giảm chi phí đền bù đất để xây hồ chứa bùn đuôi quặng, giảm các chi phí kiểm soát ô nhiễm chất thải từ hồ bùn đỏ và bùn đuôi quặng, giảm các chi phí phục hồi moong, trồng và chăm sóc cây keo sau khi phục hồi. Trong khi có thể thu hồi một phần vốn từ việc chuyên giao quyền sử dụng đất moong sau khai thác.
Đối với chính quyền địa phương, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giảm sức ép đối với việc thu hồi đất và các xung đột môi trường có thể xẩy ra của những người dân bị thu hồi đất với nhà đầu tư và chính quyền. Đồng thời, có các cơ hội để hình thành những vùng nông nghiệp công nghệ cao trên các vùng đất trên các moong sau phục hồi.
Đối với người dân địa phương vùng chứa quặng bô xít, đất đai phục hồi trên các moong sau khai thác sẽ không làm cho họ mất đất canh tác. Sự phát triển quy mô khai thác và phân phối lại lợi ích kinh tế từ việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong khai thác và chế biến bauxite, như gia tăng việc làm, gia tăng dịch vụ xã hội có tác động tích cực tới việc nâng cao cuộc sống của người dân địa phương.
Do nguồn gây ô nhiễm đã được điểm soát, cảnh quan môi trường khu vực khai thác được phục hồi; các chi phí bảo vệ môi trường và kiểm soát ô nhiễm sẽ được giảm nhẹ trong khi chất lượng môi trường (đất, nước, không khí, chất thải rắn) được duy trì ổn định.
Nói về vấn đề truyền thông mô hình kinh tế tuần hoàn, T.S Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương ví von, chúng ta phải biết khoe, khoe cho đúng. Việt Nam đang bị tiếng xấu về rác thải nhựa. Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam là một trong những nước thu gom rác thải nhựa tốt, ví dụ như những người làm nghề thu gom, tái chế rác thải là một trong những lực lượng tích cực. Do đó, ông Thành cho rằng các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh truyền thông chính sách, truyền thông kiến thức về lĩnh vực kinh tế tuần hoàn.
Hội thảo cũng đã được nghe nhiều tham luận, ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học như: GS.TS Nguyễn Xuân Cự – Phó giám đốc Trung tâm Kinh tế Môi trường, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; PGS.TS Trần Văn Thụy, Khoa Môi trường, Trường ĐHKHTN – ĐHQGHN; ThS. Mai Thanh Tùng, Công ty Nhôm Đắk Nông TKV…
Kết luận Hội thảo, GS Trần Nghi nhấn mạnh, Việt Nam là đất nước có nhiều loại hình khoáng sản, với 4 loại khoáng sản có giá trị hàng nghìn tỷ USD: dầu khí, đất hiếm, ti tan và bô-xít. Việc khai thác và chế biến khoáng sản vẫn đang là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước; tuy nhiên cũng đang tiềm ẩn các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Mô hình kinh tế tuần hoàn là chủ trương và chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và Nhà nước (báo cáo của PGS.TS Nguyễn Thế Chinh), mô hình này trong khai thác và chế biến khoáng sản đã và sẽ là giải pháp tối ưu để phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, còn có rất nhiều khó khăn và rào cản để có mô hình hoàn thiện (bài viết của PGS Nguyễn Phương và TS. Phạm Văn Sơn). Là khoáng sản có trữ lượng vào loại thứ 2-3 trên thế giới, bô-xít có thể tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước; nếu biết khai thác và chế biến hợp lý. Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV (báo cáo của ThS. Mai Thanh Tùng) đã và đang cố gắng làm điều đó; tuy nhiên trong thực tế vẫn còn xa đối với mô hình kinh tế tuần hoàn trong khai thác và chế biến bô-xít như trong tham luận của PGS Lưu Đức Hải đặt ra. Trong đó, bùn đỏ – một chất thải vào loại nguy hiểm vẫn đang còn lưu giữ trong các hồ chứa chưa đông cứng, bùn đuôi quặng vẫn chứa trong các hồ ven suối; có thể gây ô nhiễm cho các vùng hạ lưu trong điều kiện biến đổi khí hậu và thiên tai đang gia tăng như hiện nay.
Giải pháp bước đầu đưa bùn đuôi quặng chứa thành phần khoáng sét và phần hạt mịn trong đất và không chứa bất kỳ hóa chất gì trở lại các moong sau khai thác bô-xít là một sáng tạo đáng trân trọng vì tiết kiệm hàng chục tỷ đồng xây hồ chứa bùn; lại làm cho các moong được bổ sung những thành phần có giá trị nhất của đất bazan kể cả các vi sinh vật, cũng như làm phẳng địa hình các moong sau khai thác (báo cáo của GS Nguyễn Xuân Cự). Trong tương lai, nếu bùn đỏ chưa sử dụng việc lấy kim loại Fe chứa trong đó, thì sử dụng để sản xuất vật liệu xây dựng (gạch, ngói), chất lượng đảm bảo cũng sẽ là giải pháp cần được quan tâm vì giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm và tạo ra sản phẩm giá thành hợp lý, có giá trị sử dụng. Nếu làm tốt hai nội dung trên thì khu vực khai thác và chế biến bô-xít, alumin, nhôm có thể trở thành một khu công nghiệp sinh thái hoàn thiện (báo cáo của PGS. Trần Văn Thụy), mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường cao cho đất nước.