Các tuyến xe buýt mở mới ở TP Hồ Chí Minh từ năm 2025 trở đi 100% sử dụng điện. Từ năm 2030, 100% xe buýt sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh.
Sở Giao thông vận tải thành phố đang soạn thảo tờ trình về việc xây dựng nghị quyết ban hành quy định lộ trình thực hiện chuyển đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện năng lượng xanh tại TP Hồ Chí Minh để UBND TP trình HĐND trong kỳ họp sắp tới.
Theo đề xuất, về chuyển đổi phương tiện giai đoạn 2025-2029 như sau:
Đối với các tuyến xe buýt có trợ giá như các xe vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt khí CNG, nhiên liệu diesel, sẽ tiếp tục hoạt động đến khi hết hợp đồng đã ký kết. Sau khi hết hợp đồng, việc chuyển đổi sẽ theo các bước:
Xe buýt sử dụng khí CNG, nhiên liệu diesel có thời gian sử dụng trên 15 năm sẽ được thay thế và đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.
Xe buýt sử dụng khí CNG có thời gian sử dụng dưới 15 năm sẽ tiếp tục tham gia cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, nhưng phải đảm bảo không quá 15 năm sử dụng.
Xe buýt sử dụng nhiên liệu diesel được tiếp tục tham gia cung ứng dịch vụ đến năm 2029, nhưng phải đảm bảo không quá 15 năm sử dụng. Lộ trình cụ thể:
Năm 2025: 32 tuyến xe buýt sử dụng diesel (572 xe, trong đó 148 xe có thời gian sử dụng từ 10 – 15 năm) tiếp tục hoạt động đến hết năm 2026. Từ năm 2027, chuyển sang sử dụng xe buýt điện.
Năm 2026: 15 tuyến xe buýt sử dụng diesel (310 xe, trong đó 41 xe có thời gian sử dụng từ 10 – 15 năm) sẽ tiếp tục đến hết năm 2027, và chuyển sang xe buýt điện vào năm 2028.
Năm 2029: 19 tuyến xe buýt (268 xe) hết thời gian hợp đồng vào cuối năm 2028, chuyển sang xe buýt điện vào năm 2029.
Năm 2030: 17 tuyến xe buýt (138 xe) hết thời gian hợp đồng vào cuối năm 2029, chuyển sang xe buýt điện vào năm 2030.
Đối với các tuyến xe buýt không trợ giá (bao gồm các tuyến nội đô và liên tỉnh): 100% xe buýt sẽ được thay thế và đầu tư mới sử dụng điện.
Các tuyến xe buýt mở mới từ năm 2025 trở đi: 100% sẽ sử dụng điện.
Từ năm 2030, 100% xe buýt sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh. Trong quá trình thực hiện lộ trình chuyển đổi, các đơn vị vận tải công cộng sẽ được khuyến khích thực hiện chuyển đổi sớm hơn.
Ngoài ra, tờ trình cũng đề xuất lộ trình đầu tư các trạm sạc điện và trạm nạp khí CNG. Giai đoạn 2025-2030, TP Hồ Chí Minh sẽ đầu tư 25 trạm sạc điện, 269 trụ sạc tại các bến xe và bãi đỗ xe của các đơn vị nhà nước quản lý, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi phương tiện. Giai đoạn 2025-2026 TP Hồ Chí Minh sẽ đầu tư 3 trạm nạp khí CNG tại bến xe Ngã tư Ga, bến xe buýt quận 8 và bến xe Miền Đông mới.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ hỗ trợ lãi suất vay đối với các đơn vị vay vốn từ Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP Hồ Chí Minh để thực hiện dự án đầu tư chuyển đổi phương tiện.
Hiện thành phố đang thí điểm một tuyến buýt điện D4 với 13 xe, có sức chứa từ 65-70 chỗ, do Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Sinh thái VinBus triển khai. Sản lượng 9 tháng đầu năm 2024 đạt 681.037 hành khách, trung bình hàng ngày là 29 hành khách/xe, cao gấp 2,5 lần so với xe buýt thông thường.
Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, tuyến buýt điện D4 mang lại những tín hiệu tích cực. Khối lượng vận chuyển của tuyến ghi nhận tăng; đồng thời được người dân đánh giá cao và ủng hộ lựa chọn làm phương tiện đi lại.