Một dự án điện gió ngoài khơi cần từ 6 – 7 năm thực hiện, trong khi Quy hoạch Điện VIII chỉ mới phân bổ công suất điện gió ngoài khơi theo vùng, chưa có theo địa phương. Nhiều vướng mắc đang rất cần được tháo gỡ để thúc đẩy triển khai dự án đạt mục tiêu theo quy hoạch đề ra.
Thiếu quy định chính sách, hạ tầng phụ trợ chưa đảm bảo
Theo Báo cáo về tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các vùng biển có khả năng khai thác tiềm năng năng lượng gió tốt nhất là từ Bình Định đến Ninh Thuận, Bình Thuận đến Cà Mau, và một phần vùng biển trung tâm vịnh Bắc Bộ. Đây cũng là các khu vực biển sẽ phát triển ĐGNK theo Quy hoạch Điện VIII. Hiện nay, Bộ Công thương đang trong quá trình xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch, làm cơ sở để xác định quy mô công suất các dự án phân theo từng địa phương, tiếp đó mới đến công tác lựa chọn nhà đầu tư.
Một dự án ĐGNK sẽ cần hoàn thành các khâu khảo sát, đánh giá tác động môi trường, đo gió, nghiên cứu địa chất, thiết kế trang trại điện gió, sản xuất các cấu phần, xây dựng và lắp đặt. Trong đó, chỉ tính riêng quá trình xác định khu vực triển khai dự án có thể mất tới 5 năm.
Với đặc điểm thời gian đầu tư xây dựng dài, các địa phương và nhà đầu tư kỳ vọng khung pháp lý cho việc đăng ký dự án cần được hoàn thiện để có thể bắt tay vào thực hiện ngay khi Kế hoạch được phê duyệt. Trước mắt, căn cứ quan trọng để phê duyệt hồ sơ khảo sát là Quy hoạch không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 vẫn chưa được phê duyệt nên việc cấp phép khảo sát cho các dự án điện gió ngoài khơi đang chưa được như kỳ vọng.
Các nhà đầu tư băn khoăn khi chưa có quy định về thủ tục, trình tự, hồ sơ, quản lý hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển, gió của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chưa có quy định công suất điện gió tối đa cho một dự án để vừa bảo đảm khuyến khích nhà đầu tư tham gia dự án, vừa bảo đảm cân đối hệ thống truyền tải điện.
Hiện nay, Luật Đầu tư cũng chưa xác định được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với loại hình ĐGNK; chưa có các quy định về trình tự, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án ĐGNK. Các chính sách, cơ chế giá hay quy định đầu tư xây dựng cho loại hình ĐGNK (định mức, đơn giá, năng lực hành nghề, PCCC, cấp công trình, quản lý của cơ quan nhà nước,…) cũng chưa cụ thể.
Một vấn đề nữa đặt ra là hệ thống cơ sở hạ tầng như cảng biển, tàu biển, phương tiện phụ trợ hiện nay đa phần chưa đáp ứng được các yêu cầu về thi công, vận hành. Bên cạnh đó, hạ tầng truyền tải, nối lưới điện ngoài khơi còn chưa được xác định rõ ràng.
ĐGNK được đánh giá là “cuộc chơi lớn” bởi tại Việt Nam, ước tính giá thành đầu tư ĐGNK hiện đang ở mức khoảng 3 triệu USD/MW. Dù vậy, số lượng dự án ĐGNK đăng ký lên tới hàng chục, đa phần thuộc về các tập đoàn nước ngoài có nhiều kinh nghiệm phát triển điện gió trên thế giới. Nhà đầu tư trong nước do thiếu tiềm lực về tài chính nên nếu muốn tham gia cũng đối mặt với nhiều rủi ro.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng – Phó Chủ tịch HĐQT Halcom Việt Nam, trong nước hiện chỉ có 3 – 4 ngân hàng cho vay phát triển điện gió nên khi có nhu cầu, doanh nghiệp hầu như không được đàm phán điều khoản hợp đồng. Dự án yêu cầu vốn chủ sở hữu cao (30 – 35%), lãi suất vay cao, quy trình cấp vốn lâu. Quá trình đàm phán vốn vay các dự án năng lượng tái tạo có công suất lớn, thời gian xây dựng dài trong khi chênh lệch lãi suất vay ngắn hạn và vay dài hạn không đáng kể nên ngân hàng không có động lực cho vay.
Cần có cơ chế đầu tư đặc thù
Các nhà đầu tư nhận định, chi chí ban đầu về đầu tư thiết bị, máy móc, nhân sự của dự án ĐGNK cao; đơn vị nhà thầu thi công cũng như dịch vụ như cung cấp thiết bị thay thế, sửa chữa, vận hành và bảo dưỡng hệ thống bị phụ thuộc vào quốc tế. Điều này kéo theo mức dự báo giá bán điện cũng cao. Trong khi đó, doanh thu từ dự án chưa xác định được để cân đối nguồn trả nợ do chưa có khung giá điện cụ thể.
Theo ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương), đối với các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió trong tương lai, Bộ Công Thương hiện đang xây dựng Thông tư quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện. Hiện nay, với sự tiến bộ nhanh của khoa học kỹ thuật, tua bin điện gió có hiệu suất ngày càng cao, đồng thời, chi phí đầu tư xây dựng các nhà máy điện gió cũng có xu hướng giảm. Bởi vậy, việc ban hành khung giá hằng năm có nhiều khó khăn trong việc thu thập, đánh giá số liệu để tính toán khung giá. Việt Nam cũng chưa có dự án ĐGNK nào phát điện nên số liệu tính toán chỉ có thể tham khảo từ quốc tế.
Các chuyên gia quốc tế nhận định, thách thức chung của các dự án quy mô lớn là quá trình phê duyệt ở cấp nhà nước và địa phương, không chắc chắn về kế hoạch thời gian, cũng như rủi ro do sự trì hoãn và thay đổi chính sách. Đây là vấn đề của nhiều quốc gia chứ không riêng Việt Nam.
Ông Sven Ernedal – Tổ trưởng Tổ chuyên trách về ĐGNK thuộc Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) chia sẻ, Việt Nam cần lưu ý thiết lập một cơ chế chuyển dịch đặc thù để phát triển 6GW điện gió đầu tiên vào năm 2030 như đề ra trong Quy hoạch điện VIII. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng đưa ra các chính sách và cơ chế ưu đãi khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng lưới điện cho ĐGNK, đặc biệt là quy định về nối lưới ĐGNK; tìm kiếm các mô hình thành công từ các quốc gia khác có thể áp dụng cho Việt Nam.
Theo ông Morten Dillner – Trưởng bộ phận Pháp lý, chính sách và thị trường cấp khu vực, Tập đoàn Equinor, việc có một bộ chính sách về ĐGNK sẽ giúp tạo niềm tin cho các nhà phát triển thị trường ĐGNK và chuỗi cung ứng dự án, bao gồm chính sách tạo điều kiện cần và chính sách hỗ trợ.
Do độ phức tạp kỹ thuật và giá thành cao, hầu hết các quốc gia phát triển ĐNNK đều đặt ra các tiêu chuẩn tối thiểu mà các công ty cần phải đáp ứng khi cấp phép cho thuê biển thực hiện dự án ĐGNK. Điều này đặc biệt quan trọng trong Với thị trường điện gió ngoài khơi mới nổi như Việt Nam, điều này càng đặc biệt quan trọng. Tiêu chí sơ tuyển cần đưa vào ít nhất là 3 hạng mục về: Kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi, năng lực tài chính và kinh nghiệm phát triển các dự án điện tại Việt Nam.
Theo Môi trường & Đô thị