Sự kết hợp giữa hệ thống quản trị tích hợp ESG, năng lực nhân sự và cơ sở hạ tầng bền vững, sẽ giúp DN không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn về ESG, mà còn tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và gia tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn xanh.
Năng lực xanh là gì?
Năng lực xanh trong phạm trù tài chính xanh, được hiểu là khả năng của DN hoặc tổ chức trong việc phát triển, áp dụng và thực thi các chiến lược, quy trình và giải pháp bền vững, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Nó bao gồm sự hiểu biết, nguồn lực, công nghệ và kỹ năng cần thiết để đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển bền vững, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các nguồn vốn và tài chính xanh.
Các yếu tố cốt lõi của năng lực xanh trong bối cảnh tài chính xanh bao gồm:
– Khả năng quản lý môi trường, theo đó DN có thể giám sát, kiểm soát và giảm thiểu tác động môi trường thông qua các hoạt động như giảm khí thải carbon, quản lý tài nguyên hiệu quả, và phát triển các sản phẩm xanh.
– Chuyển đổi công nghệ xanh, đó là áp dụng các công nghệ và giải pháp thân thiện với môi trường nhằm giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải và xử lý hiệu quả chất thải.
– Đáp ứng quy định, tiêu chuẩn, năng lực trong việc tuân thủ các quy định pháp lý, và tiêu chuẩn quốc tế về môi trường, bao gồm các yêu cầu về báo cáo khí hậu, ESG, quản lý rủi ro môi trường.
– Kỹ năng huy động vốn xanh, tức DN có năng lực tìm kiếm và khai thác các nguồn tài chính xanh, bao gồm trái phiếu xanh, tín dụng xanh, hoặc quỹ đầu tư phát triển bền vững, thông qua việc chứng minh cam kết và khả năng thực hiện các dự án xanh.
Tóm lại, năng lực xanh của một tổ chức hoặc DN, có thể được hiểu là sự tổng hợp của các yếu tố. Thứ nhất, hệ thống quản trị tích hợp ESG. Hệ thống này bao gồm các chính sách, quy trình và cấu trúc tổ chức, nhằm tích hợp các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị vào hoạt động kinh doanh.
Một hệ thống quản trị hiệu quả sẽ giúp DN xác định, đo lường và quản lý các rủi ro, cũng như cơ hội liên quan đến ESG, đồng thời thúc đẩy trách nhiệm và minh bạch trong các hoạt động của tổ chức.
Năng lực nhân sự thực thi chiến lược và hành động đạt mục tiêu ESG. Đây là khả năng của đội ngũ nhân viên trong việc thực hiện và triển khai các chiến lược ESG. Năng lực này không chỉ bao gồm kỹ năng và kiến thức chuyên môn về ESG, mà còn cần sự cam kết và trách nhiệm từ các cấp lãnh đạo đến nhân viên
Như vậy, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để nâng cao nhận thức về ESG và khả năng thực thi, là yếu tố quan trọng giúp tổ chức đạt được mục tiêu bền vững.
Cơ sở hạ tầng bền vững, bao gồm các tài sản vật chất và phi vật chất mà tổ chức sử dụng để vận hành hoạt động kinh doanh. Điều này có thể bao gồm các công nghệ xanh, hệ thống quản lý năng lượng, quản lý chất thải, và các giải pháp giảm thiểu khí thải carbon.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững không chỉ giúp tổ chức giảm thiểu tác động đến môi trường, mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm chi phí dài hạn.
Năng lực xanh giúp giảm thiểu rủi ro, gia tăng cơ hội
Năng lực xanh giúp DN giảm thiểu rủi ro trong nhiều khía cạnh, đặc biệt là những rủi ro liên quan đến môi trường, tài chính và pháp lý. Chẳng hạn DN với năng lực xanh tốt sẽ chủ động tuân thủ các quy định pháp lý về môi trường, như giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng tái tạo và quản lý chất thải. Điều này giúp tránh các khoản phạt hoặc hậu quả pháp lý do vi phạm, đặc biệt khi các quy định về môi trường ngày càng khắt khe.
Năng lực xanh giúp DN tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm tiêu thụ năng lượng và nguyên liệu, từ đó cắt giảm chi phí vận hành. Ngoài ra, việc áp dụng các công nghệ xanh giúp DN giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên không tái tạo, và giảm thiểu tác động từ sự biến động giá cả của các nguồn tài nguyên này.
Giảm rủi ro từ biến đổi khí hậu, DN phát triển năng lực xanh sẽ có khả năng thích ứng tốt hơn với các tác động của biến đổi khí hậu như thời tiết khắc nghiệt, khan hiếm tài nguyên, và gián đoạn chuỗi cung ứng. Điều này giúp duy trì hoạt động kinh doanh liên tục và giảm thiểu tổn thất.
Năng lực xanh giúp DN xây dựng hình ảnh tích cực, nâng cao lòng tin và sự tín nhiệm của các bên liên quan, từ đó giảm thiểu rủi ro liên quan đến danh tiếng. Hay có thể giúp DN giảm rủi ro thị trường và khách hàng, vì với sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng, khách hàng ngày càng ưu tiên các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường.
Giảm rủi ro đầu tư, vì các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến các yếu tố ESG, và DN với năng lực xanh sẽ hấp dẫn hơn đối với các quỹ đầu tư xanh, trái phiếu xanh hoặc các hình thức tài trợ bền vững khác.
Năng lực xanh không chỉ bảo vệ DN trước những rủi ro bên ngoài, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững lâu dài, đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng cơ hội tài chính xanh, vì nó giúp DN đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường và phát triển bền vững, từ đó tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức tài chính.
Năng lực xanh trở thành một yếu tố quyết định cho sự thành công và tồn tại lâu dài của các tổ chức, khi mà sự phát triển bền vững ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu. Do đó, đầu tư vào năng lực xanh không chỉ là một lựa chọn, mà là một yêu cầu thiết yếu cho mọi DN muốn phát triển bền vững và có trách nhiệm với xã hội.