09/09/2023

Doanh nghiệp nhựa cần lộ trình để chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm xanh

Dù còn nhiều thách thức, chuyển đổi sản xuất sản phẩm xanh được cho là xu thế tất yếu của các doanh nghiệp nhựa, đặc biệt khi các chính sách quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), cấm và hạn chế sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nhựa sử dụng một lần đi vào thực tiễn.

“Sản xuất xanh sẽ là xu thế tất yếu của doanh nghiệp nhựa” – Đó là nhận định của ông Nguyễn Lê Thăng Long – Chủ tịch Hiệp hội nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường EPMA tại Hội thảo Nhựa sinh học quốc tế 2023 (International Bioplastic Conference 2023) được tổ chức vào ngày 6/9/2023 – 7/9/2023 vừa qua tại Seoul, Hàn Quốc.

Hội thảo do Thành phố Seoul và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng phối hợp tổ chức với sự tham dự của hơn 500 chuyên gia, bao gồm các chuyên gia đến từ Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam. Hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến các chính sách và thị trường nhựa sinh học của các quốc gia trên thế giới, các vấn đề môi trường do nhựa gây ra và triển vọng của nhựa phân hủy sinh học để giúp các quốc gia giảm thiểu ô nhiễm nhựa, đạt được mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh, bền vững.

Ông Nguyễn Lê Thăng Long đại diện cho các doanh nghiệp Việt Nam trình bày bài tham luận tại Hội thảo Nhựa sinh học quốc tế 2023

Trình bày tại Hội thảo bài tham luận “Thị trường nhựa sinh học Việt Nam”, ông Long đã cập nhật các chính sách mới nhất liên quan đến lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa. Trong đó, nổi bật nhất là quy định mới của Luật bảo vệ môi trường – Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Theo đó, từ ngày 01/01/2026, Việt nam sẽ không sản xuất và nhập khẩu túi nilon khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50 cm x 50 cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50 μm, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu hoặc sản xuất, nhập khẩu để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học sẽ phải thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý theo quy định. Sự ra đời của Hội đồng EPR quốc gia năm 2023 là một trong những hành động mang tính chiến lược từ Chính phủ nhằm nâng cao trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất để giảm thiểu ô nhiễm nhựa hỗ trợ điều luật này đi vào thực tiễn.

Ông Nguyễn Lê Thăng Long (thứ 3 từ phải sang) cùng Chủ tịch Hiệp hội Nhựa sinh học các quốc gia tại Hội nghị Nhựa sinh học quốc tế 2023

Cũng theo nghị định này, sau ngày 31/12/2030, các doanh nghiệp được yêu cầu dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm có chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nilon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu và trường hợp sản xuất, nhập khẩu bao bì nhựa khó phân hủy sinh học để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.

Với những quy định trên, theo ông Long, doanh nghiệp sản xuất cần sớm xây dựng lộ trình để chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm xanh hoặc phải có phương án chuẩn bị cho chi phí tái chế theo luật định. Một trong các giải pháp tiềm năng đối với các nhà sản xuất sản phẩm sử dụng một lần được ông Long nhắc đến đó là chuyển dịch cơ cấu sang sản xuất dòng sản phẩm nhựa sinh học có khả năng phân hủy. Đây là dòng sản phẩm thân thiện môi trường, có khả năng phân hủy thành nước, CO2 và mùn chỉ trong 6 – 12 tháng. Tại Việt Nam, một trong những nhà sản xuất đi đầu về sản xuất dòng sản phẩm này là Tập đoàn An Phát Holdings. Dòng sản phẩm này đã giúp An Phát Holdings gặt hái nhiều thành công như lọt top những nhà bán hàng tốt nhất trên Amazon Hoa Kỳ với doanh thu và sản phẩm bán ra năm 2023 tăng trưởng gấp 27 lần so với năm 2022. Bên cạnh đó, sản phẩm thân thiện môi trường của An Phát Holdings cũng thành công chinh phục nhiều thị trường khó tính như Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Canada…

Mặc dù chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường được cho là xu thế tất yếu, các doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức như thiếu hụt về vốn, công nghệ. Hơn nữa, do thiếu các tiêu chí cụ thể về sản phẩm xanh nên nhiều sản phẩm có giá thành rẻ, không thân thiện môi trường nhưng vẫn được gắn mác xanh và cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm thân thiện môi trường thật sự, vốn có giá thành cao hơn gấp 1,5 – 2 lần.

Sản phẩm nhựa phân hủy sinh học là giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm nhựa

“Dự đoán đến năm 2030, nhu cầu thị trường cho sản phẩm nhựa sinh học tại Việt Nam là khoảng 80.000 tấn. Do đó, đây là một thị trường rất tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác. Tuy nhiên, để có thể sản xuất ra các sản phẩm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị kĩ lưỡng về nguồn vốn, công nghệ để có thể chuyển đổi sang sản xuất các dòng sản phẩm mới, thân thiện môi trường, mang hàm lượng công nghệ cao”, ông Long chia sẻ.

Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường (EPMA), ông Long cho biết Hiệp hội sẽ thúc đẩy kết nối với nhiều nhà sản xuất hơn nữa để phát triển các dòng sản phẩm mới, thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh trong nước, góp phần giảm thiểu ô nhiễm nhựa tại Việt Nam./.

Theo Báo Tài nguyên & Môi trường

Bài viết liên quan