Việc chuyển đổi các khu công nghiệp thông thường sang khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái là chìa khóa quan trọng hướng đến phát triển bền vững.
Trước xu hướng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, việc định hướng đầu tư phát triển khu công nghiệp đạt hiệu quả cao và hướng tới phát triển bền vững là một trong những yêu cầu mang tính cấp bách hiện nay. Đây không chỉ là xu hướng chung mà còn góp phần quan trọng trong hiện thực hóa các cam kết hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (NetZero) vào năm 2050, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 và nhiều chính sách quan trọng khác của Việt Nam.
Nhận định về những cơ hội và thách thức cho phát triển khu công nghiệp xanh thời gian tới, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ Trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, thế giới đang trong quá trình điều chỉnh mạnh mẽ, làm thay đổi trật tự và cấu trúc thương mại, đầu tư. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các doanh nghiệp bứt phá; đặc biệt trong thu hút đầu tư và tham gia chuỗi giá trị của những ngành công nghiệp mới như năng lượng xanh, công nghiệp bán dẫn. Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, các khu công nghiệp thời gian tới cần có những giải pháp đột phá, phù hợp với xu thế mới.
Theo đó, các khu công nghiệp cần mạnh dạn tiên phong thay đổi hướng phát triển các mô hình khu công nghiệp mới; tập trung đẩy mạnh phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh, trong đó cần quy hoạch hình thành các khu công nghệ và đổi mới sáng tạo, hướng đến xây dựng “Thung lũng Sillicon Việt Nam”; lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột cho phát triển trong tương lai.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư có chọn lọc, chủ động tiếp xúc, bám sát các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên. Phát triển sản xuất, công nghiệp, dịch vụ trên nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với liên kết phát triển vùng, hình thành cụm liên kết ngành; hạn chế phát triển khu công nghiệp trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định (đặc biệt là đất trồng lúa) và tại các khu vực khó có khả năng đền bù, giải phóng mặt bằng…
Xoay quanh vấn đề này, TS Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Liên Chi hội tài chính và khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) cho biết, trong giai đoạn phát triển mới của kinh tế toàn cầu, phát triển xanh là yêu cầu bắt buộc với mọi quốc gia, không riêng gì Việt Nam. Hành động này để đảm bảo có được sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và môi trường được bảo vệ, được gìn giữ.
Trước đòi hỏi cấp bách của việc cần thực hiện đầu tư phát triển xanh trong giai đoạn tới, nhất là đối với các khu công nghiệp hiện có và cấp mới, Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 40-50% địa phương chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới để từng bước lập kế hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư.
Theo TS Thắng, để làm được điều này, tất cả các thành phần kinh tế – xã hội, nhà cầm quyền, các địa phương, các tổ chức xã hội phải có các chương trình hành động cụ thể, thiết thực trong thực hiện trách nhiệm của từng đơn vị để đóng góp vào sự phát triển bền vững hiệu quả kinh tế – xã hội đất nước, nhất là đối với hệ thống các khu công nghiệp Việt Nam hiện nay.
“Ngoài ra, tiềm lực tài chính và năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam là rất quan trọng. Cùng với đó là công tác xúc tiến đầu tư phải thực chất, hiệu quả hơn”, ông Thắng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH nước giải khát Tân Quang Minh (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc) cho rằng, muốn chuyển đổi xanh thành công thì các bộ, ngành cần phải có giải pháp và lộ trình cụ thể cho từng ngành.
Theo ông Hiến, đây là điều là cốt yếu, bởi nếu chỉ đưa ra chủ trương, rồi yêu cầu doanh nghiệp thực hiện, trong khi đó, những điều kiện, nguồn lực cần thiết cho chuyển đổi như tài chính, cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ chuyển đổi, công nghệ, quy trình thủ tục… chưa hoàn thiện thì không chuyển đổi được.
“Chi phí để đầu tư một khu công nghiệp thế hệ mới cao hơn 30% so với các khu công nghiệp thế hệ cũ. Những khu công nghiệp đã hình thành và tồn tại ngoài khó khăn về nguồn vốn tái đầu tư công nghệ chuyển đổi xanh, còn vướng về cơ chế và giải pháp. Do vậy, cần quyết tâm rất cao doanh nghiệp mới dám chuyển đổi xanh”, ông Nguyễn Đặng Hiến bày tỏ.