18/10/2023

Động lực mới trong quan hệ asean-gcc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và thăm Vương quốc Saudi Arabia từ ngày 18 đến 20/10 theo lời mời của Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud.

Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi đi thông điệp về những cam kết mạnh mẽ và đóng góp trách nhiệm của Việt Nam trong việc cùng các nước thành viên của Hiệp hội đẩy mạnh hợp tác và tạo động lực mới cho quan hệ giữa ASEAN và GCC.

Chuyến công tác cũng tiếp tục góp phần củng cố tin cậy chính trị, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam với các nước vùng Vịnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN

Nâng cao hiệu quả hợp tác với các nước vùng vịnh

Hội nghị cấp cao ASEAN-GCC sẽ diễn ra vào ngày 20/10 tới tại Riyadh, Saudi Arabia. Đây là lần đầu tiên các lãnh đạo cấp cao của các nước thành viên ASEAN và GCC gặp nhau kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ năm 1990. Hội nghị này có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cả hai bên về đối thoại và hợp tác, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có những chuyển động nhanh chóng, phức tạp.

Nâng tầm quan hệ ASEAN-GCC

Được thành lập năm 1981, GCC gồm sáu quốc gia vùng Vịnh là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Kuwait, Bahrain và Oman. GCC là một tổ chức khu vực quan trọng hàng đầu ở Trung Đông.

Quan hệ ASEAN-GCC bắt đầu năm 1990 khi Bộ trưởng Ngoại giao Oman, trong vai trò Chủ tịch Hội đồng các Bộ trưởng GCC, bày tỏ GCC mong muốn thiết lập quan hệ chính thức với ASEAN. Cùng năm đó, các Bộ trưởng Ngoại giao của ASEAN và GCC đã gặp lần đầu bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York. Hai Ban Thư ký ASEAN và GCC chính thức thiết lập quan hệ từ năm 2009.

Hai bên duy trì tiếp xúc, gặp gỡ chủ yếu thông qua các cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-GCC bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc và các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-GCC chính thức được tổ chức tại một nước thành viên của GCC hoặc ASEAN. Bên cạnh đó, hai bên cũng tổ chức cuộc họp quan chức cấp cao và các cuộc họp tham vấn cấp làm việc về hợp tác giáo dục, an ninh lương thực và đầu tư nông nghiệp, du lịch.

Đến nay, hai bên đã tổ chức được ba Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-GCC chính thức vào các năm 2009, 2010 và 2013. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-GCC lần thứ nhất đã ra Tuyên bố báo chí chung và thông qua Tầm nhìn chung, đề ra những định hướng phát triển quan hệ ASEAN-GCC, trong đó tập trung nghiên cứu khả năng hình thành khu vực mậu dịch tự do, thúc đẩy hợp tác kinh tế và hợp tác phát triển, tăng cường hợp tác văn hóa, giáo dục, thông tin.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao GCC diễn ra tại Riyadh, Saudi Arabia, ngày 16/6/2021. Ảnh REUTERS

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-GCC lần thứ hai đã thông qua Kế hoạch hành động ASEAN-GCC giai đoạn 2010-2012, xác định các biện pháp nhằm đẩy mạnh hợp tác hơn nữa, tập trung các lĩnh vực trọng tâm là thương mại-đầu tư, kinh tế-phát triển, giáo dục-đào tạo, văn hóa-thông tin, phối hợp tham vấn lẫn nhau trong các vấn đề quốc tế. Tại Cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-GCC bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York năm 2012, hai bên nhất trí gia hạn Kế hoạch hành động này, đồng thời xây dựng kế hoạch hành động trong giai đoạn tiếp theo.

Các nước thành viên GCC quan tâm tăng cường hợp tác với ASEAN, đều đã cử Đại sứ tại ASEAN và tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác tại Đông Nam Á (TAC). ASEAN cũng đã thiết lập các Ủy ban ASEAN tại thủ đô của tất cả các nước thành viên GCC. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 tại Campuchia tháng 8/2022, ASEAN đã trao quy chế đối tác đối thoại theo lĩnh vực của ASEAN cho UAE.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan, ngày 14/6/2023. Ảnh TRẦN HẢI

Trong bối cảnh hiện nay, ASEAN chủ trương làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước lớn, mở rộng quan hệ với các nước, các tổ chức khu vực trên thế giới nhằm tranh thủ nguồn lực xây dựng Cộng đồng, thúc đẩy phục hồi, phát triển bền vững, đồng thời mở rộng tầm ảnh hưởng, xây dựng môi trường thuận lợi cho đối thoại và hợp tác. Trong khi đó, GCC chủ trương đối ngoại ôn hòa, đẩy mạnh chính sách Hướng Đông và quan tâm hợp tác với khu vực Đông Nam Á.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN-GCC sắp tới, các lãnh đạo cấp cao hai bên dự kiến thảo luận, đánh giá tổng thể hợp tác thời gian qua; đề ra những định hướng quan trọng, tạo thêm động lực mới nhằm phát triển hơn nữa quan hệ ASEAN-GCC thời gian tới, đồng thời trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hai bên dự kiến sẽ thông qua Tuyên bố chung sau khi kết thúc Hội nghị cấp cao.

Cam kết mạnh mẽ và đóng góp trách nhiệm

Sáu nước thành viên GCC đều là đối tác hợp tác ưu tiên tại Trung Đông-châu Phi của Việt Nam với quan hệ trải rộng trong nhiều lĩnh vực. Việt Nam đã mở Đại sứ quán tại Saudi Arabia, Kuwait, Qatar, UAE. Bốn nước vùng Vịnh này cũng đã mở Đại sứ quán tại Việt Nam. Thời gian qua, quan hệ giữa Việt Nam và các nước thành viên GCC phát triển rất tích cực. Việt Nam và GCC thường xuyên duy trì các hoạt động trao đổi đoàn các cấp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani đến chào xã giao, ngày 15/8/2022. Ảnh TTXVN

UAE, Saudi Arabia và Kuwait là các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở khu vực. Việt Nam đang triển khai đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện với UAE. Tổng vốn đầu tư trực tiếp của các nước GCC vào Việt Nam hiện đạt khoảng 1 tỷ USD. Việt Nam đang tăng cường thu hút các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, khách du lịch các nước GCC; thúc đẩy đưa lao động tay nghề cao sang các nước này. Hiện có khoảng 11.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại các nước GCC.

Là thành viên nòng cốt của ASEAN, Việt Nam luôn phát huy tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm, đóng góp hiệu quả vào tăng cường quan hệ giữa ASEAN và GCC, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam-GCC và quan hệ song phương giữa Việt Nam và từng nước thành viên GCC.

Đảm nhận vai trò điều phối quan hệ ASEAN-GCC năm 2018, Việt Nam đã cùng Kuwait, nước Chủ tịch GCC năm đó, đồng chủ trì thành công Cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-GCC vào ngày 27/9/2018 tại New York bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 73. Tại cuộc họp này, hai bên khẳng định cam kết mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm, như thương mại, đầu tư, an ninh năng lượng và lương thực, chống khủng bố, kết nối, du lịch, thúc đẩy và bảo vệ quyền của lao động di cư, và giao lưu nhân dân.

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận “Tiềm năng thúc đẩy hợp tác du lịch Việt Nam – GCC”. Ảnh Dangcongsan.vn

Tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-GCC sắp tới, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ có những thông điệp, đóng góp quan trọng vào các chủ đề trọng tâm của Hội nghị, cũng như các nội dung hợp tác giữa hai khu vực. Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có các hoạt động tiếp xúc song phương với Trưởng đoàn một số nước tham dự hội nghị, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước vùng Vịnh đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn.

Đưa quan hệ việt nam-saudi arabia đi vào thực chất, hiệu quả hơn

Việt Nam và Saudi Arabia thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/10/1999. Việt Nam mở Đại sứ quán tại Riyadh vào năm 2007. Một năm sau đó, Saudi Arabia cũng mở Đại sứ quán tại Hà Nội.

Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam quan tâm và mong muốn tăng cường hợp tác với các nước Trung Đông. Saudi Arabia thể hiện coi trọng và mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam; coi Việt Nam là đối tác ưu tiên trong triển khai chính sách đối ngoại Hướng Đông.

Đây là cơ sở để hai bên hợp tác chặt chẽ nhằm đưa quan hệ đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn. Theo đó, hai bên duy trì trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao, đồng thời phát huy hơn nữa vai trò của các cơ chế hợp tác song phương. Việt Nam và Saudi Arabia đã tiến hành họp Tham vấn chính trị lần thứ nhất tại Riyadh tháng 2 vừa qua và có kế hoạch họp Ủy ban liên Chính phủ lần thứ 5 tại Hà Nội trong năm 2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Saudi Arabia tại Việt Nam Mohammed Ismaeil A. Dahlwy tới chào xã giao, ngày 29/3/2023. Ảnh TTXVN

Thời gian qua, hợp tác kinh tế giữa hai nước tiếp tục ghi nhận những bước phát triển tích cực. Saudi Arabia là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở khu vực Trung Đông. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 2,7 tỷ USD, tăng 32,4% so với năm 2021. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Saudi Arabia là điện thoại và linh kiện, hàng dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều, gạo, máy móc… Việt Nam nhập các sản phẩm chủ yếu như chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, khí đốt hóa lỏng…

Nhiều tập đoàn, công ty lớn của Saudi Arabia đã triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực bất động sản, năng lượng và thép. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Saudi Arabia quan tâm và mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực cảng biển, du lịch, đổi mới sáng tạo…

Tiềm năng hợp tác giữa hai nước, đặc biệt về kinh tế, thương mại và đầu tư còn rất lớn. Việt Nam đang được các doanh nghiệp khu vực Trung Đông đánh giá là điểm sáng tại khu vực Đông Nam Á, với nhiều loại sản phẩm, hàng hóa mà khu vực có nhu cầu và sức tiêu thụ lớn. Các công ty Saudi Arabia đánh giá cao tiềm năng hợp tác với các đối tác Việt Nam và các cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam-Saudi Arabia, ngày 11/9/2023. Ảnh Dangcongsan.vn

Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” được Việt Nam ban hành nhằm đưa ra các định hướng lớn để khai thác thị trường Halal giàu tiềm năng. Saudi Arabia là một trong những thị trường Halal lớn ở khu vực Trung Đông. Điều này cho thấy tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này là rất lớn.

Về hợp tác phát triển giữa hai nước, Quỹ Phát triển Saudi Arabia cấp vốn vay ưu đãi cho 13 dự án với tổng trị giá hơn 181 triệu USD. Trung tâm Cứu trợ và Nhân đạo Quốc vương Salman (KSrelief) đã trao tặng các khoản hỗ trợ người dân khó khăn tại các tỉnh An Giang, Ninh Thuận và Bình Thuận; hỗ trợ nhân dân chịu thiệt hại do lũ lụt tại các tỉnh miền Trung; tặng vật tư y tế giúp Việt Nam phòng, chống dịch Covid-19.

Việt Nam và Saudi Arabia phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương. Việt Nam ủng hộ Saudi Arabia tăng cường hợp tác với ASEAN, cũng như đẩy mạnh quan hệ giữa ASEAN và GCC, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên và theo nguyên tắc hai bên cùng có lợi.

Chuyến thăm Saudi Arabia của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam diễn ra vào thời điểm hai nước chuẩn bị kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2024. Đây là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được và nỗ lực thúc đẩy hợp tác, trong đó có chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính lần này, quan hệ hai nước tiếp tục được củng cố và phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở hai khu vực và trên thế giới.

Chuyến công tác của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu tiếp tục thể hiện hình ảnh một Việt Nam hòa hiếu, chân thành, tin cậy, sẵn sàng tăng cường đối thoại và hợp tác cùng có lợi với các nước, các tổ chức khu vực, góp phần xây dựng môi trường quốc tế hòa bình, ổn định và phát triển.

Theo Báo Nhân Dân

Bài viết liên quan