04/09/2024

Giao thông kết nối, “đòn bẩy” phát triển bền vững

Với mục tiêu đến năm 2030 đưa Bắc Kạn trở thành tỉnh phát triển trung bình khá, bền vững, quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra các mục tiêu có tính chiến lược. Để thực hiện được mục tiêu đó thì hạ tầng giao thông phải đáp ứng, đồng bộ, kết nối, tạo cơ hội mở rộng giao thương, hợp tác phát triển.

Tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể là một trong những công trình giao thông trọng điểm có ý nghĩa quan trọng trong phát triển du lịch..jpg
Tuyến đường thành phố Bắc Kạn – hồ Ba Bể là một trong những công trình giao thông trọng điểm có ý nghĩa quan trọng trong phát triển du lịch.

Gỡ nút thắt, khơi thông nguồn lực

Một trong những đột phá phát triển quan trọng trong Quy hoạch tỉnh từ năm 2021 đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đó là tập trung thu hút, khơi thông nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các hành lang kinh tế thuộc vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; ưu tiên triển khai đầu tư các dự án giao thông huyết mạch. Những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã chú trọng đầu tư hệ thống giao thông kết nối đồng bộ đến các vùng kinh tế trọng điểm và các khu du lịch tiềm năng của tỉnh, trọng tâm là tuyến đường cao tốc Chợ Mới – thành phố Bắc Kạn quy mô 04 làn xe và tuyến đường từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, qua đó đã rút ngắn khoảng cách từ Hà Nội đến hồ Ba Bể chỉ còn 2 giờ 30 phút.

Bên cạnh đó, hiện nay hai tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư tuyến cao tốc kết nối Bắc Kạn – Cao Bằng và phấn đấu hoàn thành trước năm 2030. Khi đó, cùng với các tuyến đường kết nối trục ngang là Tuyên Quang – Bắc Kạn – Lạng Sơn, hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh sẽ cơ bản đồng bộ và là động lực phát triển kinh tế. Để hoàn thiện mạng lưới giao thông, trong Quy hoạch tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng sân bay chuyên dùng Quân Bình, huyện Bạch Thông phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng. Ngoài ra, để thực hiện hiệu quả chuỗi cung ứng sản phẩm, trong Quy hoạch tỉnh, Bắc Kạn cũng sẽ xây dựng 03 trung tâm logistics tại huyện Chợ Mới, Bạch Thông và thành phố Bắc Kạn.

Mục tiêu đến năm 2030, đưa Bắc Kạn trở thành địa phương phát triển trung bình khá, bền vững của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, nhiều công trình giao thông đã và đang được xây dựng mới để tạo điều kiện cho tỉnh phát triển giao thương, hợp tác làm ăn. Bắc Kạn tới đây sẽ không chỉ có con đường độc đạo Quốc lộ 3 nhỏ hẹp, xuống cấp mà hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại, kết nối, hình thành các trục động lực phát triển với hành lang kinh tế Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng và hành lang kinh tế Tuyên Quang – Bắc Kạn – Lạng Sơn. Đó chính là khâu định hướng “đi trước một bước” được tỉnh giao trọng trách cho ngành Giao thông vận tải (GTVT) trong xây dựng hạ tầng giao thông kết nối.

Đồng chí Lèng Văn Chiến, Giám đốc Sở GTVT cho biết: “Được đầu tư theo hướng là “khâu đột phá” để thu hút đầu tư, ngành GTVT Bắc Kạn đã và đang phát triển theo đúng sứ mệnh của mình. Quy hoạch ngành thống nhất trong quy hoạch chung của tỉnh. Các dự án trọng điểm của tỉnh được quan tâm bố trí đủ nguồn lực, cả hệ thống vào cuộc chỉ đạo sát sao để hoàn thành các mục tiêu đề ra”.

Phương án nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư tuyến cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng.jpg
Phương án nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư tuyến cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng.

“Đòn bẩy” phát triển kinh tế bền vững

Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tư duy đổi mới, tầm nhìn dài hạn, chiến lược khắc phục những khó khăn, vướng mắc, khai thác hiệu quả các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương. Tỉnh chú trọng triển khai thực hiện 03 đột phá chiến lược; tập trung phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo hướng mở rộng liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ và tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu; triển khai hiệu quả Chương trình OCOP với 05 nhiệm vụ trọng tâm gồm phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, huy động vốn và thực hiện công tác quy hoạch; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển kinh tế rừng với 03 trọng tâm gồm phát triển thị trường tín chỉ các bon, phát triển điện sinh khối, phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, dược phẩm, dược liệu, gỗ và sản phẩm khác; tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các đề án, nhiệm vụ khuyến công và đẩy mạnh phát triển các khu, cụm công nghiệp với quy mô phù hợp, ưu tiên phục vụ phát triển kinh tế rừng; tập trung thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với các sản phẩm du lịch đa dạng theo hướng kết nối liên vùng, lưu vực sông, lấy hồ Ba Bể làm trung tâm để tạo chuỗi giá trị “Một hành trình, nhiều điểm đến” gắn liền với quảng bá, phát huy truyền thống văn hóa, bản sắc và con người Bắc Kạn.

Sau 08 năm tuyến đường BOT Thái Nguyên – Chợ Mới chiều dài 40km được đầu tư đưa vào vận hành đã tạo ra xung lực mới cho nền kinh tế địa phương. Từ một huyện thuần nông, nay Chợ Mới đã trở thành trung tâm công nghiệp của tỉnh với nhiều khu, cụm công nghiệp đã và đang được đầu tư. Khi tuyến cao tốc Chợ Mới – thành phố Bắc Kạn chuẩn bị triển khai xây dựng thì các nhà đầu tư đã đến với Bắc Kạn ngày càng nhiều. Đồng chí Hoàng Nguyễn Việt, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới cho biết: Các dự án giao thông huyết mạch đã và đang được đầu tư tại Chợ Mới chắc chắn sẽ tạo thế và lực mới cho địa phương. Để khai thác tối đa lợi thế đó, huyện luôn tạo điều kiện tốt nhất để thu hút đầu tư.

Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là chủ trương chiến lược của tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Khi mạng lưới giao thông được hoàn thiện sẽ tạo sự bứt phá, phát triển vượt bậc về mọi mặt nhất là lĩnh vực kinh tế – xã hội./.

Theo Báo Bắc Kạn

Bài viết liên quan