15/12/2024

Gìn giữ di sản văn hóa là nền tảng cho phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới

Chiều 14-12, tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH-TT-DL) đã tổ chức Hội nghị – Hội thảo “65 năm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa”, thu hút sự tham gia của lãnh đạo ngành, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các tỉnh, thành phố.

Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, từ Sắc lệnh số 65/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1945 đến Luật Di sản Văn hóa 2024, hệ thống pháp lý về bảo vệ di sản đã không ngừng hoàn thiện. Gìn giữ di sản văn hóa không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là nền tảng cho phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới…

Nhờ những nỗ lực đó, ngành di sản văn hóa đã bảo vệ hơn 40.000 di tích và gần 70.000 di sản phi vật thể trên toàn quốc. Trên trường quốc tế, Việt Nam đã khẳng định vai trò tích cực khi phê chuẩn 4/6 Công ước UNESCO, góp phần bảo tồn di sản văn hóa của nhân loại.

 

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương phát biểu tại hội nghị

 

Theo Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền, di sản văn hóa không chỉ là biểu tượng tinh thần mà còn góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng tự hào, ngành vẫn phải đối mặt với thách thức như cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, hay huy động sự tham gia của cộng đồng vào việc bảo vệ di sản.

PGS-TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, tự hào khi nhấn mạnh rằng hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện đã giúp giảm thiểu các hiện tượng xâm phạm di tích, đồng thời nâng cao nhận thức xã hội về giá trị di sản. Ông hy vọng, trong tương lai, ngành sẽ huy động thêm nguồn lực đa dạng, thúc đẩy hợp tác công tư để di sản thực sự có vị trí trong đời sống cộng đồng và mang lại sinh kế bền vững.

Để tiếp tục phát huy giá trị di sản văn hóa, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đưa ra nhiều định hướng trọng tâm. Trước tiên, ngành cần hoàn thiện cơ chế pháp lý, đặc biệt là xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Di sản Văn hóa 2024 để tạo hành lang pháp lý thuận lợi. Cùng với đó, chương trình số hóa di sản giai đoạn 2021–2030 sẽ được đẩy mạnh, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm quản lý và bảo tồn hiệu quả hơn.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khai thác giá trị kinh tế từ di sản thông qua mô hình hợp tác công tư, biến di sản thành nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, cần tích cực hội nhập quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia và theo kịp xu hướng bảo tồn gắn liền với phát triển bền vững. Bên cạnh đó, công tác đào tạo đội ngũ chuyên môn đa ngành cũng là ưu tiên hàng đầu để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong bảo tồn.

 

Đông đảo lãnh đạo ngành, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các tỉnh, thành phố tham dự hội nghị

 

Hội nghị – hội thảo lần này còn là dịp để nhìn lại hành trình 65 năm, tổng kết những bài học và kinh nghiệm. Các tham luận tiêu biểu đã phân tích sâu sắc nhiều khía cạnh như quản lý di tích, chính sách di sản, vai trò của di sản phi vật thể và đổi mới hệ thống bảo tàng.

Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết của việc cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và ứng dụng công nghệ để di sản thực sự sống động trong đời sống hiện đại.

Hội nghị – Hội thảo “65 năm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa” không chỉ là cột mốc kỷ niệm mà còn khẳng định vai trò trung tâm của di sản trong phát triển bền vững và giữ gìn bản sắc dân tộc. Với những định hướng rõ ràng, ngành di sản văn hóa hứa hẹn tiếp tục là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo Sài Gòn giải phóng.

Bài viết liên quan