16/12/2024

Gỡ khó cho kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn, nhất là tại các khu công nghiệp nhưng quá trình này đang có rào cản.

Trong quá trình thúc đẩy nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn trong các ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế hướng đến mục tiêu chung là giảm phát thải, thực hiện Netzero vào năm 2030, các chuyên gia nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của mô hình khu công nghiệp sinh thái (EIP). Ông Jerome Stucki – Trưởng bộ phận Kinh tế tuần hoàn và tài nguyên của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) nhấn mạnh, khu vực này cần được xác định là một trong những trọng tâm trong chiến lược xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.

Amata là một trong những khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam

Khu công nghiệp tập trung rất đông các nhà máy, cơ sở sản xuất nên thích hợp và có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi sản xuất theo hướng sạch hơn và sử dụng hiệu quả năng lượng. Không chỉ vậy, ông Jerome Stucki cho rằng, có thể tạo ra kết nối và chia sẻ nguồn lực tuần hoàn giữa khu công nghiệp với các cộng đồng dân cư xung quanh.

Theo đó, trong khu công nghiệp phụ phẩm sản xuất của nhà máy này có thể trở thành nguyên liệu đầu vào cho nhà máy khác. Các doanh nghiệp cũng có thể chia sẻ các dịch vụ như logistic, năng lượng. Đối với các cộng đồng xung quanh, những tài nguyên và năng lực của EIP như khả năng xử lý nước thải, rác thải hay phát điện từ các nguồn tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời đều có thể được dùng để phục vụ cho người dân.

Tại Việt Nam, theo ông Stucki, các khu công nghiệp như Deep C, Amata và Hiệp Phước IPC là những điển hình đã áp dụng mô hình EIP và bước đầu mang lại kết quả. Theo tính toán, nhờ áp dụng các mô hình chuyển đổi tuần hoàn, 3 khu công nghiệp này đã giảm lượng nước thải trong quá trình sản xuất lên tới gần 1,1 triệu m3/năm; lượng điện tiêu thụ giảm 1,367 triệu kWh/năm trong khi lượng phát thải khí nhà kính CO2 giảm 106.577 tấn mỗi năm.

Những nỗ lực ban đầu này là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ông Stucki cũng chỉ ra một số khó khăn khi chuyển đổi sang mô hình sản xuất mới mà các doanh nghiệp gặp phải khiến cho việc lan toả, nhân rộng mô hình này còn chưa mạnh mẽ.

Thứ nhất, các khu công nghiệp có nhu cầu lớn trong việc áp dụng các giải pháp tuần hoàn như tái sử dụng nước thải, tái sử dụng nước và phát triển năng lượng tái tạo để sử dụng nội bộ và chia sẻ. Thế nhưng, hiện nay rào cản pháp lý vẫn đang cản trở việc thực hiện những giải pháp này trong các khu công nghiệp.

Thứ hai, thiếu lòng tin giữa các bên trong việc chia sẻ cơ sở hạ tầng để thực hiện cộng sinh công nghiệp như chia sẻ hệ thống xử lý chất thải, nước thải đã cản trở việc thu hút nhà đầu tư mới và hợp tác thực hiện các cơ hội cộng sinh công nghiệp.

Rào cản pháp lý đang cản trở việc thực hiện những giải pháp tuần hoàn trong các khu công nghiệp

Cuối cùng, việc huy động nguồn tài chính xanh cần thiết để chuyển đổi sang mô hình tuần hoàn nhưng các khoản vay có lãi suất cao và thời hạn ngắn khiến doanh nghiệp chần chừ khi tiếp cận nguồn vốn này.

Liên quan đến nguồn lực tài chính, bà Vương Thị Minh Hiếu – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đồng quan điểm khi cho biết, nhiều ngân hàng, định chế tài chính đã có chương trình hỗ trợ vốn cho phát triển bền vững, các doanh nghiệp quan tâm và chuyển động nhận thức, hành động với phát triển bền vững, chuyển đổi xanh nhưng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thể đáp ứng được quy trình, thủ tục, luồng tiếp cận vốn.

Bên cạnh đó, khó khăn còn đến từ công nghệ. Chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn liên quan đến chuyển đổi công nghệ, doanh nghiệp mong chờ có các công nghệ được công nhận, chứng nhận và trở thành giải pháp áp dụng chính trên quy mô rộng.

Những khó khăn trên trở thành rào cản hạn chế đổi mới sáng tạo, thử nghiệm giải pháp mới vốn là nền tảng thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Vì vậy, đại diện UNIDO cho rằng, Chính phủ sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 35/NĐ-CP để làm cơ sở đo lường tiến độ chuyển đổi sang EIP, chính thức công nhận các EIP và doanh nghiệp sinh thái.

Cùng với đó, tích hợp các cách tiếp cận EIP vào các chính sách phát triển khu công nghiệp và chiến lược chuyển đổi cấp tỉnh, thành; thực hiện các chương trình đào tạo về kinh tế tuần hoàn, hỗ trợ thúc đẩy thiết kế sinh thái trong triển khai kinh tế tuần hoàn theo Kế hoạch Hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn; tăng cường ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tài chính xanh để huy động nguồn lực cần thiết cho quá trình chuyển đổi.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp.

Bài viết liên quan