Tốc độ xử lý nhanh, khả năng phân loại thành phần đầu vào chính xác, máy tái chế chai nhựa BOTOL được kỳ vọng góp phần thúc đẩy ngành xử lý và tái chế rác thải nhựa ở Việt Nam.
Sáng 18/10 tại số 41 Thảo Điền (TP. Thủ Đức, TP.HCM), Công Ty TNHH Botol Việt Nam (BOTOL VIETNAM) chính thức đưa vào hoạt động máy BOTOL. Tham dự sự kiện này có EPMA – Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam. Tại đây, đại diện EPMA đã có buổi trao đổi, tìm hiểu thông tin và trải nghiệm sử dụng máy BOTOL.
BOTOL còn gọi là thiết bị Reverse Vending Machine (RVM). Đây là loại máy chuyên dùng để xử lý chai PET, là loại chai làm từ nhựa nguyên sinh, phổ biến ở các sản phẩm nước uống và nước ngọt. Công nghệ Máy tái chế của BOTOL được thiết kế và bảo hộ tại Singapore.
Ưu điểm của máy BOTOL là rút ngắn quá trình phân hủy và chuyển đổi từ chai nhựa thải bỏ thành chai mới còn 3 bước, so với 11 bước như phương pháp truyền thống. Công nghệ của BOTOL còn giảm thiểu đáng kể việc vận chuyển, từ 10 xe xuống còn 1 xe với cùng một khối lượng chai nhựa. Đồng thời, BOTOL còn tạo ra được chất liệu đạt tiêu chuẩn FDA cũng như thúc đẩy hệ thống tuần hoàn.
Ông Max Craipeau – CEO của Green Core Resources đồng thời cũng là nhà sáng lập BOTOL cho biết BOTOL giúp đơn giản hóa chuỗi tái chế, chống ô nhiễm nhựa và khí thải CO2 và củng cố mục tiêu Việt Nam không có rác thải. “BOTOL hướng đến việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc khuyến khích tái chế, đồng thời tạo ra việc làm cho địa phương mà không cạnh tranh với các ngành thu gom không chính thức”.
Tiếp theo sau đó, đại diện EPMA, bà Trương Ngọc Mai cùng tham gia lễ cắt băng chính thức đưa máy BOTOL đi vào hoạt động. Qua trao đổi và tìm hiểu thông tin về EPMA, đại diện BOTOL Việt Nam cũng cho biết về lâu dài công ty sẽ có hướng hợp tác sâu rộng hơn với EPMA trong những dự án liên quan đến môi trường và phát triển bền vững.
BOTOL là công ty đầu tiên và là thành viên duy nhất của Hiệp hội Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO VN). Theo số liệu do công ty cung cấp, hiện nay ở Việt Nam ngành thu gom không chính thức chỉ thu được 3 trong tổng số 10 chai PET thải ra môi trường. Việc phân loại xử lý và tái chế rác thải nhựa là vẫn còn là vấn đề nan giải. Với kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực tái chế, công ty hi vọng BOTOL sẽ mang lại giải pháp đột phá, đáp ứng nhu cầu xử lý và tái chế rác thải nhựa tại Việt Nam hiện nay.
Bà Trương Ngọc Mai, đại diện EPMA cho biết: “Với tôn chỉ thành lập, Hiệp hội nhằm hợp tác, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các hội viên, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các sản phẩm thân thiện với môi trường, EPMA mong muốn góp phần bảo vệ môi trường để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững. Thay mặt Hiệp hội tôi xin chúc cho BOTOL ngày càng phát triển, thành công và thực hiện tốt sứ mệnh của mình tại Việt Nam!”.
Công Ty TNHH Botol Việt Nam cho biết sẽ có kế hoạch sẽ lắp 200 máy mỗi tháng trên cả nước từ nay đến đầu năm 2024. Cũng theo lãnh đạo BOTOL Việt Nam, trong thời gian tới công ty sẵn sàng lắp máy miễn phí cho các trường Đại học và các siêu thị trong cả nước.
Một số hình ảnh của EPMA tại Lễ giới thiệu máy BOTOL:
(Nhóm phóng viên)