Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp tập hợp và đại diện cho các doanh nghiệp, các tổ chức, và các cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nghiên cứu, đào tạo về lĩnh vực sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, qua đó góp phần nâng cao nhận thức xã hội trong các vấn đề bảo vệ môi trường, vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì Việt Nam xanh.
Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam (viết tắt tiếng Anh là “EPMA”) là tổ chức xã hội – nghề nghiệp tự nguyện, hoạt động không vụ lợi của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, đầu tư, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, sinh học, tái tạo, tái chế thân thiện, không gây ảnh hưởng tới môi trường. Với tôn chỉ thành lập Hiệp hội nhằm hợp tác, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các hội viên, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các sản phẩm thân thiện với môi trường, Hiệp hội mong muốn góp phần bảo vệ môi trường để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững. Trải qua hơn một năm chuẩn bị hồ sơ và vận động các doanh nghiệp, cá nhân liên quan tham gia, Ban Vận động thành lập Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường chính thức công nhận vào ngày 02 tháng 07 năm 2020 theo Quyết định số 1454/QĐ-BTNMT. Ban Vận động bao gồm 11 tổ chức kinh tế có hoạt động kinh doanh, sản xuất phù hợp với tôn chỉ và phương hướng hoạt động của Hiệp hội, với Trưởng ban là Ông Phạm Ánh Dương – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần tập đoàn An Phát Holdings.
Sau quá trình hoàn thiện hồ sơ theo hướng dẫn từ cơ quan có thẩm quyền, Bộ Nội vụ đã chính thức ban hành Quyết định cho phép thành lập Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam (Quyết định số 1148/QĐ-BNV, ngày 01 tháng 11 năm 2021).
Với định hướng phát triển Hiệp hội gắn liền với phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học – sản xuất bền vững, và hoạt động thương mại hóa các sản phẩm thân thiện, không ảnh hưởng tới môi trường, Hiệp hội kỳ vọng sẽ trở thành nơi tập trung của giới trí thức khoa học công nghệ, cùng chung tay bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Hiện nay, trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam có khoảng hơn 2000 doanh nghiệp sản xuất và chế tạo, cung cấp vật liệu trong đó tập trung chủ yếu vào nhóm vật liệu bao bì, tiêu dùng, xây dựng và ứng dụng trong kỹ thuật cao. Theo số liệu khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bình quân mỗi hộ gia đình ở Việt Nam sử dụng 223 túi nylon/tháng, tương đương 1kg túi nilon/hộ/ tháng. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ riêng trên trục chính 4 con kênh lưu thông trong nội đô thành phố là kênh Đôi, kênh Tẻ, kênh Tàu Hũ, kênh Bến Nghé, trung bình một ngày các nhân viên vệ sinh môi trường vớt được từ 10-40 tấn rác thải, cao điểm có thể lên tới 80 tấn rác thải mỗi ngày. Trong số này, hầu hết là các loại rác thải nhựa, hộp xốp, túi nylon được xả thẳng xuống kênh dẫn, gây ra các vấn đề nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường. Không chỉ xảy ra ở các thành phố lớn, với đường bờ biển dài hơn 3.444 km, Việt Nam là một đất nước có tiềm năng du lịch sinh thái, đặc biệt là sinh thái biển đảo vô cùng lớn lao, nhưng đi liền với những lợi thế này, là ảnh hưởng về ô nhiễm sinh thái, đặc biệt là sinh thái biển cũng gây ra nhiều nguy cơ không kém. Một trong những nguyên nhân gây ra các vấn đề về ô nhiễm biển ở Việt Nam là tình trạng xả rác bừa bãi tại các bờ biển, đặc biệt là các loại rác thải có nguồn gốc từ nhựa, rất khó phân hủy, có thể gây tác động đến môi trường biển trong hàng thập kỷ. Để giải quyết các vấn đề này, song song với chế tài, quy định pháp luật tuyên truyền giáo dục người dân về các hiểm họa ô nhiễm môi trường, còn cần có sự đồng hành của các tổ chức hiệp hội bảo vệ môi trường, trong đó, việc thay đổi nhận thức của xã hội về việc sử dụng các sản phẩm xanh, có lợi ích cho môi trường sống là rất cần thiết. Vì vậy, sự ra đời của một tổ chức gồm các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp các sản phẩm tiêu dùng xanh, thân thiện với môi trường, góp phần nâng cao nhận thức xã hội trong các vấn đề bảo vệ môi trường là một tín hiệu tích cực, rất có ý nghĩa.
Theo các nhà khoa học, các sản phẩm, vật liệu từ nhựa thông thường, nguyên sinh hay tái sinh như PE, PP, PET, PVC… khi thải ra môi trường phải mất từ hàng trăm năm cho tới một vài thế kỷ mới được phân hủy hoàn toàn trong tự nhiên. Sự tồn tại của nhựa trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước bởi khi các sản phẩm này lẫn vào đất sẽ ngăn cản ôxy đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng. Nghiêm trọng hơn, môi trường đất và nước bị ô nhiễm bởi sản phẩm nhựa sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người. Trong thực tế, nhiều loại sản phẩm được làm từ polyme nguồn gốc dầu mỏ khi ngấm vào nguồn nước sẽ xâm nhập vào cơ thể người gây rối loạn chức năng và dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ. Các sản phẩm này làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng dẫn đến sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh. Ô nhiễm môi trường do chất thải bao bì từ nhựa truyền thống hiện được các nhà môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”. Các vấn đề về ô nhiễm trắng này hiện nay, đang trở thành một vấn nạn môi trường, không chỉ xảy ra ở một vài đất nước mà còn gây ảnh hưởng toàn cầu.
Gần đây, ở Việt Nam đã xuất hiện một số doanh nghiệp bắt đầu chuyển hướng sang nghiên cứu, phát triển sản xuất các vật liệu và sản phẩm thân thiện với môi trường như các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên hay các sản phẩm có tính năng tự phân hủy sinh học, còn được coi là loại vật liệu có khả năng phân hủy hiếu khí hay yếm khí trong môi trường tự nhiên. Sự phân hủy vật liệu có thể đạt được khi các vi sinh vật trong môi trường tiếp xúc và chuyển hóa thành các chất mùn trơ, ít gây hại cho môi trường. Vật liệu này được coi là vật liệu có khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn và thường được sản xuất một phần hoặc toàn phần từ nguồn tài nguyên tái tạo được. Khác hoàn toàn với các sản phẩm từ nhựa thông thường, phải mất một vài thập kỷ đến vài thế kỷ để phân hủy, sản phẩm đi từ các vật liệu phân hủy sinh học hoàn toàn này, khi tiếp xúc với môi trường tự nhiên, như đất, nước và môi trường biển, tùy vào tính chất có thể phân hủy hoàn toàn thành nước, khí CO2, sinh khối và mùn đất. Vi sinh vật giúp chuyển hóa hoàn toàn các sản phẩm xanh này thành dưỡng chất nuôi cây trồng, và các sản phẩm thu hoạch từ cây trông như tinh bột, đường mía…được chuyển hóa lại thành nguồn nguyên liệu sản sinh ra các vật liệu xanh trên. Chu trình khép kín này tạo thành chuỗi giá trị xanh, hoàn toàn thân thiện với môi trường và không gây bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào. Tuy vậy, do tính mới của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu phân hủy sinh học này nên chi phí giá thành sản xuất thường cao, nguồn nguyên liệu đầu vào đòi hỏi công nghệ khoa học hiện đại vượt trội để chế tạo, dẫn đến chi phí cho giá thành sản phẩm loại này hiện đang cao hơn hẳn so với các sản phẩm vật liệu truyền thống nên để các doanh nghiệp trong ngành phát triển ổn định, đóng góp cho môi trường sống, cho xã hội thì sự quan tâm, khuyến khích của Nhà nước và người dân là vô cùng cần thiết.
Thực trạng “ô nhiễm trắng” trên thế giới đang tác động trực tiếp không chỉ lên hệ sinh thái hành tinh, mà còn đối với sức khỏe của con người. Theo một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học trên cơ thể người ở Châu Âu, Nga và Nhật Bản, các thành phần của nhựa đã được tìm thấy trong hệ bài tiết của con người. Điều này cho thấy, có vẻ như, nhựa đang chở thành một phần trong chính bữa ăn của mỗi người chúng ta. Nhựa này tồn tại trong cơ thể dưới dạng vi nhựa, các vi nhựa này có kích thước trung bình từ 50-500 micromet và có đến 9 loại nhựa khác nhau cùng tồn tại. Các hạt vi nhựa này, với kích thước siêu nhỏ như vậy, là sản phẩm đến từ sự phân rã các sản phẩm nhựa như chai, lọ, túi nylon, các sản phẩm mỹ phẩm, bao bì đóng gói mà con người chúng ta, vô tình hoặc cố ý thải ra ngoài môi trường. Biết rằng, với một mảnh rác nhựa, trung bình phải mất hàng trăm năm đến nghìn năm để chúng có thể phân hủy hoàn toàn trong môi trường tự nhiên. Các hạt vi nhựa này, hiện nay đang xuất hiện ở khắp nơi xung quanh chúng ta, theo một nghiên cứu của của Viện 5 Gyres (Mỹ) ước tính hiện có 5.25 ngàn tỷ hạt nhựa có mặt ở biển. Nguồn chất thải này rộng khắp, bao gồm lưới đánh cá, đồ đựng thức ăn, nước giải khát, vật dụng chăm sóc cá nhân, mỹ phẩm, ống hút, túi xách… Theo đó, ô nhiễm nhựa ảnh hưởng tới ít nhất 700 loài sinh vật biển; ít nhất 100 triệu động vật có vú biển chết mỗi năm. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng, hơn 90% các sản phẩm muối ăn đang được tiêu dùng có xuất hiện hạt vi nhựa. Theo thống kê, 1 kg muối ăn có thể chứa tới 600 hạt vi nhựa, vì thế trung bình một người trưởng thành có thể đưa vào cơ thể xấp xỉ 2000 hạt vi nhựa mỗi năm. Vi nhựa còn xuất hiện trong các sản phẩm nước uống đóng chai thường ngày, các nhà khoa học thuộc Đại học New York, Fredonia, khi nghiên cứu 11 nhãn hiệu nước uống đóng chai trên thế giới, đã phát hiện ra trung bình, mỗi lít nước này chứa đến 325 hạt vi nhựa, thậm chí có những mẫu chứa đến 10.000 hạt trên 1 lít. Hiện nay, tuy chưa có đánh giá một cách chính xác nào về những ảnh hưởng trực tiếp của hạt vi nhựa lên sức khỏe của con người, nhưng việc các hạt nhựa ở mức độ nhỏ như vậy xuật hiện trong cơ thể có thể gây ra những tác dụng tiêu cực đến sức khỏe con người. Hạt vi nhựa có thể thông qua hệ tiêu hóa đến mọi nơi trong cơ thể như xâm nhập vào gan, phổi hay ảnh hưởng lên hệ miễn dịch. Các nhà khoa học trên thế giới đã chỉ ra rằng, vi nhựa gây ra các tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, đặc biệt với những người đang gặp vấn đề về đường tiêu hóa. Với các thực trạng về “ô nhiễm trắng” đã nêu trên, rất nhiều tổ chức NGO về xã hội, môi trường trên thế giới hiện nay đang kêu gọi Chính phủ các nước quan tâm hơn, và khuyến khích phát triển các giải pháp, sản phẩm thay thế dần dần các sản phẩm tiêu dùng có nguồn gốc từ nhựa. Một trong các giải pháp đó, hiện đang có được sự quan tâm của Chính phủ nhiều nước trên thế giới, là phát triển các sản phầm nguồn gốc tự nhiên, có thể phân hủy hoàn toàn không gây tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống.
Việt Nam đã chính thức gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và đang trên tiến trình hội nhập sâu, rộng với nền kinh tế toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt Nam đang và sẽ phải vận động để cạnh tranh trên một sân chơi mới với nhiều cơ hội nhưng cũng không ít những thách thức. Với tiềm lực về tài chính, về công nghệ, kinh nghiệm quản lý của các doanh nghiệp nước ngoài, họ đã đi trước và tiến bộ hơn chúng ta hàng thập kỷ, do đó năng lực cạnh tranh của họ rất lớn. Hiện nay, trên thế giới, trong ngành nguyên vật liệu phục vụ sản xuất các sản phẩm phân hủy sinh học hoàn toàn này, có thể kể đến các tập đoàn lớn có nội lực vượt trội như BASF của CHLB Đức, Novamont của Ý, KingFa của Trung Quốc, Nature Works và Corbion của Hoa Kỳ. Các tập đoàn này chi phối hầu như toàn bộ thị trường nguyên vật liệu tự hủy sinh học và gián tiếp tạo ra ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, thương mại các sản phẩm có nguồn gốc phân hủy sinh học. Chính vì vậy, trong ngành sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường này, các doanh nghiệp, tổ chức cùng lĩnh vực của Việt Nam sẽ gặp các thách thức lớn về sự cạnh tranh của các doanh nghiệp ngoài nước, không chỉ trên các thị trường quốc tế mà ngay cả tại sân chơi nội đia. Tuy vậy, đây cũng là một cơ hội để các doanh nghiệp cùng ngành nước nhà tiếp xúc và phát triển tới thị trường toàn cầu có tiềm năng vô cùng to lớn này. Trong những năm gần đây, đã có rất nhiều nước trên thế giới đã cấm một phần, hạn chế hoặc khuyến cáo trong việc sử dụng các sản phẩm gia dụng, xây dựng có nguồn gốc từ vật liệu nhựa truyền thống (PP,PE, PVC…) như Pháp, Ý, Hàn Quốc, Bangladesh, Ireland, Úc, Anh, Singapore… và đồng thời khuyến khích, ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường có nguồn gốc từ vật liệu phân hủy sinh học. Đây là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp và các tổ chức trong lĩnh vực này ở Việt Nam khi tập hợp lại, đoàn kết, phát triển cùng nhau trong Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam (EPMA).
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường ở Việt Nam đều hướng tới xuất khẩu ra thị trường thế giới. Vì vậy, Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam sẽ tổ chức hoạt động và định hướng hội viên tiếp cận công nghệ mới, chia sẻ kinh nghiệm quản lý tiên tiến và hỗ trợ nhau nhằm tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm thương hiệu Việt trong lĩnh vực này trên thị trường quốc tê. Ngoài ra, hiệp hội còn góp phần nâng cao nhận thức của xã hội, của người tiêu dùng trong sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc phân hủy sinh học, bảo vệ môi trường sống.
Trong xu thế hiện nay, ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường sẽ phát triển nhanh, mạnh và mở rộng quy mô hoạt động, nhiều nhà máy sản xuất vật liệu, nguyên liệu, chế tạo sản phẩm gia dụng, xây dựng, tiêu dùng sẽ tiếp tục ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu rất lớn cho các giải pháp về môi trường. Báo cáo đánh giá của hiệp hôi nhựa sinh học Châu Âu, hiện nay trên thế giới, ngành sản xuất các nguyên vật liệu, sản phẩm phân hủy sinh học thân thiên với môi trường đã tăng từ 600 ngàn tấn/năm từ 2013 lên đến 1300 ngàn tấn/năm vào cuối năm 2018 và còn được dự báo sẽ tăng lên gấp nhiều lần trong các năm sắp tới. Chính vì vậy, phát triển sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường đang là một xu thế mới, đang được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước ta quan tâm, phát triển. Song song với sự phát triển này, cũng có những thách thức rất lớn về mặt công nghệ chế tạo, giá thành sản xuất. Ở Việt Nam, các rào cản về thiếu các chế tài, chính sách ưu tiên phát triển của nhà nước đang là một thách thức lớn với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Vì vậy, việc thống nhất định hướng, chiến lược hoạt động chung của các doanh nghiệp này trong cùng một Hiệp hội sẽ góp phần điều hành hoạt động phân phối có tổ chức, phù hợp với quy định của pháp luật, ổn định về chất lượng, về giá cả, về vật tư đầu vào và giá bán sản phẩm đầu ra, tạo môi trường hỗ trợ và cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, giúp đời sống người lao động đảm bảo, bảo vệ hợp pháp quyền lợi cho cả nhà cung cấp và khách hàng, góp phần ổn định và phát triển nền kinh tế ngành và phục vụ nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh của đất nước theo chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhất là Luật bảo vệ môi trường 2020 đã được Quốc hội thông qua, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
Theo thông tin từ Ban Vận động thành lập Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam, Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2022-2027 sẽ chính thức diễn ra vào ngày 09/01/2022 tại Hà Nội qua hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Nhân dịp này, Ban Vận động và Ban Tổ chức Đại hội trân trọng kính mời các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hoạt động cùng lĩnh vực tham gia là thành viên EPMA và tham dự Đại hội.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ: chị Thùy Anh, Văn phòng EPMA.
Điện thoại: 097.311.8493, email: anh.ct487@gmail.com, website: epma.vn