Sáng ngày 12/10, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng với Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo: “Mô hình tổ chức và hoạt động của Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.
Hội thảo được tổ chức với mục đích thảo luận về thực trạng, giải pháp định hướng cho việc thành lập và phát triển hệ thống các Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên cả nước. Sự kiện được đồng chủ trì bởi Ông Huỳnh Thành Đạt – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Ông Nguyễn Văn Quảng – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng; Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và có sự tham gia của Lãnh đạo một số cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc Hội, Văn phòng Chính phủ, Lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ sở đào tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng, một số địa phương trong cả nước, đại diện Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam (EPMA)…
Trong những năm vừa qua, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực. Qua sự hỗ trợ và thúc đẩy của Chính phủ, đầu tư mạo hiểm vào khởi nghiệp ở Việt Nam năm 2022 đạt 634 triệu USD. Theo Báo cáo GII 2023, Việt Nam có sự cải thiện thứ hạng, từ vị trí 48 lên 46 trên 132 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đánh giá về trình độ phát triển tương quan giữa các khu vực của Việt Nam, hiện nay đầu tàu của hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vẫn là thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Những con số trên cho thấy Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam đang trên đà phát triển, nhưng cần nhiều cú hích để phát triển mạnh mẽ hơn. Đặc biệt là việc hình thành các hệ sinh thái địa phương, vùng, chuyên ngành với chủ thể là các Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần được quan tâm và có sự liên thông, phối hợp để tạo ra sức mạnh tổng thể cho hệ sinh thái. Mô hình tổ chức hoạt động, cách thức phối hợp, vai trò, địa vị pháp lý, nguồn lực tổ chức thực hiện là những vấn đề lớn cần thảo luận để làm rõ. Tác động của những Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với bức tranh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Từ khi Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2016 tại Quyết định số 844/QĐ-TTg, sửa đổi bổ sung vào tháng 2/2021 tại Quyết định số 188/QĐ-TTg, môi trường, hạ tầng và hành lang pháp lý cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được hình thành và cải thiện theo chiều hướng hết sức tích cực.
Trên cả nước đã hình thành một số các Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), từ khu vực công lập (thuộc các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị xã hội), khu vực tư nhân (thuộc các tập đoàn, hoặc các trung tâm độc lập), khu vực nghiên cứu, đào tạo (thuộc các viện nghiên cứu, trường đại học, …) cũng như đã xuất hiện một số Trung tâm của quốc tế đặt tại Việt Nam (ví dụ như Seoul Startup Center, K-Startup Center – Hàn Quốc hay Block71 – Singapore) cho thấy mối quan tâm đặc biệt của cộng đồng đối với mô hình tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo này.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là Trung tâm của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và cần thiết có những hỗ trợ, ưu đãi về hành lang pháp lý, chính sách, nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, nguồn lực con người, chuyên gia để phát triển.
Hội tụ của các nguồn lực này là mô hình các khu tập trung dịch vụ hoặc các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên từ thực tiễn cho thấy, các Trung tâm này còn cần phát triển mạnh mẽ hơn, kết nối chặt chẽ hơn để thu hút nguồn lực đầu tư và chuyên gia trong và ngoài nước, tăng cường liên kết giữa trung ương và địa phương, giữa tư nhân và khu vực công, giữa trong nước và quốc tế. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, những Trung tâm tương tự ở các quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển thực sự trở thành bệ đỡ, nền tảng trụ cột để phát triển hệ sinh thái, thông qua cộng hưởng được nguồn lực của nhiều bên, nhiều khu vực trong xã hội cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tại hội thảo, ông Lưu Bình Nhưỡng- Phó trưởng ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ĐBQH khóa 14 nêu quan điểm: “ Vấn đề quan trọng nhất là bàn về mô hình, mà mô hình phải gắn với thực tiễn. Tôi rút ra một điều là các đại biểu khát khao chính sách. Tôi muốn lưu ý khoản 1, điều 6 Luật khoa học công nghệ là nhà nước ưu tiên mọi nguồn lực để đầu tư cho khoa học công nghệ. Các văn bản pháp luật khác cũng không đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Đầu tư vào lĩnh vực này phải có yếu tố mở đường cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển hệ sinh thái từ địa phương đến trung ương. Bộ Khoa học công nghệ cần tham mưu cho chính phủ để trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết để triển khai luật về đổi mới sáng tạo. Việc thiết kế chính sách phải gắn với việc bảo vệ người dám nghĩ dám làm trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo…”.
Vai trò của các Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạp trong hệ sinh thái Về vai trò và mối liên hệ của các Trung tâm, Ông Huỳnh Thành Đạt – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Bộ Khoa học và Công nghệ tin tưởng rằng, quy mô và hiệu quả hoạt động của Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia của Việt Nam sẽ ngày càng được mở rộng và nâng cao; thu hút ngày càng nhiều các nguồn lực trong và ngoài nước; đóng góp ngày càng thiết thực hơn cho các mục tiêu phát triển KTXH của đất nước.
Chúng tôi cũng xác định việc hình thành và phát triển hệ thống các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên cả nước là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn này”.
Theo ý kiến của các chuyên gia, để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần có sự đồng bộ từ hành lang pháp lý, chính sách, nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, nguồn lực con người. Thực hiện vai trò quản lý nhà nước ở Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng hành lang pháp lý và các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng các chính sách thử nghiệm, thí điểm phục vụ cho việc đẩy nhanh các sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp ra thị trường.
Đồng thời, thực thi công tác tổng hợp, báo cáo, đánh giá, kiểm tra, đo lường các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá về hiệu quả hoạt động của các Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ kỹ thuật, kết nối các chuyên gia quốc tế cho các địa phương; hướng dẫn, quy định về tiêu chí công nhận, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ kỹ thuật, kết nối các chuyên gia quốc tế cho các địa phương; hướng dẫn, quy định về tiêu chí công nhận, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đảm bảo các Trung tâm phát triển đồng bộ, hiệu quả.
Địa phương là chủ thể tổ chức triển khai, thành lập, vận hành các Trung tâm địa phương, với các hoạt động trọng tâm: Là đầu mối cung cấp, hướng dẫn, hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Tổ chức các sự kiện phục vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quy mô vùng, địa phương; Đặt hàng các bài toán, thách thức của chính quyền địa phương cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Truyền thông, tôn vinh, khen thưởng các hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương.
Buổi hội thảo cũng kỳ vọng từ những chia sẻ của các chuyên gia, Lãnh đạo Sở KH&CN của một số địa phương và phần thảo luận của đại diện các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương sẽ là cơ sở để đưa ra định hướng phát triển mạng lưới các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đóng vai trò hạt nhân thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương và quốc gia.
Trần Hùng