07/08/2024

Khơi dòng tài chính xanh, hiện thực hóa mục tiêu lớn

World Bank ước tính để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 như đã cam kết tại các Hội nghị COP 26, 27 và 28, Việt Nam cần huy động khoảng 368-380 tỷ USD, tương đương 6,8% GDP hàng năm cho đến năm 2040. Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng tốc phát triển kinh tế xanh, tài chính xanh đóng vai trò là kênh dẫn vốn và điều tiết nguồn lực quan trọng.

Cần 20 tỷ USD mỗi năm để phát triển kinh tế xanh

Trong bối cảnh mô hình phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế bao trùm thế giới, tại Việt Nam, định hướng tăng trưởng xanh đã được Đảng, Nhà nước đề ra từ sớm với những chính sách liên tục được cập nhật và hoàn thiện.

Từ năm 2012, Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/09/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được ban hành với các nhiệm vụ chiến lược là giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững. Tiếp đến, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh mục tiêu giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Từ đó, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021) đã ra đời, cụ thể hoá các chỉ tiêu trong từng lĩnh vực.

Mục tiêu kế hoạch trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Nguồn: TTXVN)

Với chiến lược này, theo ADB, Việt Nam cần tập trung đầu tư vào 5 lĩnh vực ưu tiên, bao gồm: (i) Nông nghiệp xanh, sạch và ứng dụng công nghệ cao; (ii) Phát triển đô thị và phương thức vận tải bền vững; (iii) Chuyển đổi năng lượng sạch; (iv) Áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn; (v) Gìn giữ đại dương sạch và hiệu quả. World Bank đánh giá, để có nguồn vốn đầu tư cho các lĩnh vực nói trên, Việt Nam từ nay đến năm 2040 cần huy động khoảng 368-380 tỷ USD, tương đương 20 tỷ USD/năm.

Trong nỗ lực thực hiện tăng trưởng xanh, Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã được phê duyệt theo Quyết định 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022, nhằm hiện thực hóa các cam kết tại COP26 với tiêu chí giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Đề án cũng hướng tới đẩy mạnh ứng dụng KTTH, thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế.

Nhiều kênh dẫn vốn xanh vào doanh nghiệp

Trong bối cảnh định hướng phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam đã được xác định, cơ chế, chính sách cho tài chính xanh cũng được hình thành từ khá sớm.

Khuôn khổ chính sách cho tài chính xanh (Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV tổng hợp)

Về phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhà điều hành tiền tệ đã đưa ra định hướng và yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) chú trọng vào việc phát triển bền vững, triển khai ngân hàng xanh, tín dụng xanh trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng, Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD… NHNN đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% số TCTD tham gia hoạt động cấp tín dụng xanh và tỷ trọng tín dụng xanh trong nền kinh tế đạt 10%.

Trong khi đó, Bộ Tài chính đã cũng ban hành các quy định về phát triển thị trường vốn xanh như phát hành trái phiếu xanh, hướng dẫn báo cáo phát thải khí nhà kính… cùng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và các sở giao dịch chứng khoán thường xuyên phối hợp với các đối tác tổ chức các chương trình đào tạo về phát triển bền vững và tài chính bền vững cho cán bộ cơ quan quản lý và nhà đầu tư…

Với những chính sách khuyến khích nêu trên, đến nay, tài chính xanh tại Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng, trở thành kênh dẫn vốn và điều tiết nguồn lực cho phát triển nền kinh tế xanh và hướng tới sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Đến nay, các doanh nghiệp có thể huy động vốn để hỗ trợ các mục tiêu bền vững của mình thông qua trái phiếu xanh, các khoản vay gắn liền với tính bền vững (tín dụng xanh) và các công cụ tài chính khác.

Cụ thể, đối với phát triển tín dụng xanh, ngành ngân hàng – với vai trò là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, luôn xác định rõ trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có yêu cầu về áp dụng các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Trong giai đoạn 2017-2023, tín dụng xanh tăng trưởng liên tục với tốc độ bình quân hơn 22%/năm.

Theo NHNN, tính đến cuối tháng 3/2024, đã có 47 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh với tổng dư nợ đạt 636.964 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%). Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21% tổng dư nợ hệ thống TCTD và tăng hơn 20% so với 2023. Bên cạnh đó, theo thống kê về xây dựng hệ thống quản lý rủi ro (QLRR) môi trường tại các ngân hàng thương mại (NHTM), đến nay có đến 47,4% NHTM đã xây dựng quy định nội bộ về QLRR môi trường và xã hội; 90% các TCTD đánh giá rủi ro môi trường với một phần hoặc toàn bộ khoản vay.

Dư nợ tín dụng xanh hệ thống TCTD giai đoạn 2017-T3/2024 (Nguồn: NHNN, BIDV tổng hợp)

Về trái phiếu xanh, kể từ khi manh nha vào năm 2016, thị trường này gần đây đã dần khởi sắc. Năm 2021, các doanh nghiệp bắt đầu phát hành trái phiếu xanh và trái phiếu bền vững tại thị trường trong và ngoài nước, tham chiếu theo Nguyên tắc trái phiếu xanh ban hành bởi các tổ chức quốc tế như Hiệp hội thị trường vốn quốc tế (ICMA).

Năm 2021, Công ty Cổ phần Bất động sản BIM (BIM Land) phát hành 200 triệu USD trái phiếu xanh và Công ty Cổ phần Vinpearl phát hành 425 triệu USD trái phiếu bền vững tại thị trường quốc tế. Năm 2022, Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance) phát hành 1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh tại Việt Nam với kỳ hạn 10 năm. Gần đây nhất, trong năm 2023, BIDV trở thành ngân hàng đầu tiên phát hành 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh, kỳ hạn 5 năm, không có bảo đảm theo Nguyên tắc trái phiếu xanh của ICMA.

Có thể thấy, thị trường trái phiếu tại Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển với sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các công ty bảo hiểm, công ty quản lý quỹ đang tích cực đầu tư vào trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2020–2023, IFC đã đầu tư gần 5.000 tỷ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) với những giao dịch tiêu biểu như Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long, HDBank… Các công ty bảo hiểm quốc tế như AIA, Prudential, Manulife và các tổ chức quốc tế như WB, ADB, IFC… đều có định hướng ưu tiên phát triển các dự án có ích lợi cho môi trường như năng lượng tái tạo, vận tải xanh, bất động sản xanh…

Đối với thị trường cổ phiếu xanh, Việt Nam đang từng bước thực hiện theo Sáng kiến Sở giao dịch chứng khoán bền vững (Sustainable Stock Exchanges Initiative – SSE) được thành lập vào năm 2009. Theo khung hoạt động của SSE, UBCKNN đã thực hiện đào tạo về các yếu tố xã hội, môi trường và quản trị (ESG) trong quản trị công ty. Năm 2012, UBCKNN đã phối hợp với IFC, Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI), HNX và HoSE triển khai nhiều chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho các công ty niêm yết về công bố các thông tin liên quan đến ESG. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện báo cáo ESG và yêu cầu các công ty niêm yết phải công bố phát triển bền vững từ năm 2016.

Năm 2017, chỉ số phát triển bền vững (VNSI) đã được đưa vào vận hành. Đây là bộ chỉ số bao gồm 20 công ty niêm yết có điểm bền vững cao nhất trên HoSE, được chọn từ 100 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất và được đánh giá toàn diện trên 3 khía cạnh của ESG. Đến nay, tăng trưởng về lợi nhuận của các doanh nghiệp trong bộ chỉ số VNSI cho thấy hiệu quả cao hơn so với bình quân của VN-Index.

Diễn biến chỉ số VN-Index và VNSI giai đoạn 2017- tháng 6/2024 (Nguồn: FiinProX, Bloomberg)

Dưới yêu cầu của UBCKNN, các công ty niêm yết đang dần đưa ESG vào định hướng kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Theo PwC, 44% doanh nghiệp Việt Nam đã bắt tay thực hiện một phần ESG, 80% doanh nghiệp đã có kế hoạch để xác định/thực hiện các cam kết ESG, 36% đang trong giai đoạn lập kế hoạch ESG cho 2-4 năm tới. Bên cạnh đó, 96% doanh nghiệp niêm yết xác định việc thực hiện ESG là mục tiêu bền vững quan trọng, giúp định hướng phát triển cho tương lai, trong đó, phần lớn các công ty được nghiên cứu đã thiết lập các mục tiêu ESG ngắn hạn và trung hạn (lần lượt là 84% và 70%).

Còn nhiều điểm nghẽn lớn

Mặc dù sự phát triển của thị trường tài chính xanh tại Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước khởi động tích cực, nhưng quá trình phát triển này vẫn còn một số rào cản.

Đối với thị trường tín dụng xanh, vẫn còn một số tồn tại, thách thức khiến nguồn vốn bị “nghẽn”.

Một là, trong khi các nguồn vốn nhận uỷ thác từ các quỹ tài chính quốc tế như ADB, IFC, JICA, JBIC… phải tuân theo Khung yêu cầu đối tượng vay vốn với tiêu chí rõ ràng về bền vững, các TCTD trong nước chưa thiết kế sản phẩm tín dụng xanh đặc thùmà chủ yếu chỉ căn cứ vào mục đích sử dụng vốn và ngành nghề theo hướng dẫn của NHNN để phân loại tín dụng xanh.

Hai là, Việt Nam hiện chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể, thống nhất liên quan đến việc triển khai tín dụng xanh như: danh mục phân loại xanh, chưa có quy định/hướng dẫn về đánh giá tác động xã hội đối với dự án.

Ba là, về nhân sự, việc thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường, xã hội còn gặp nhiều khó khăn do đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực tài chính xanh, kỹ thuật môi trường tại Việt Nam còn khá hạn chế.

Bốn là, thiếu cơ chế phối hợp và hỗ trợ giữa Chính phủ, các cơ quan quản lý với các tổ chức, doanh nghiệp cũng như các chính sách hỗ trợ về tài chính cho các hoạt động ngân hàng xanh, phát triển bền vững (ưu đãi thuế, phí, về hạn mức tín dụng cho các tổ chức cho vay…).

Năm là, về cân đối nguồn vốn, các dự án xanh thường có kỳ hạn dài (có thể lên đến 20 năm), chi phí đầu tư lớn… trong khi các nguồn vốn cho vay của các TCTD thường là vốn huy động ngắn, trung hạn; gây khó khăn cho các TCTD trong việc cân đối nguồn vốn cho vay các dự án xanh, chương trình xanh…

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV

Đối với thị trường trái phiếu xanh, có 5 hạn chế, khó khăn chính cần khắc phục:

Thứ nhất, mặc dù đã có một số quy định về trái phiếu xanh nhưng quy định về phân loại xanh và xác nhận dự án được phát hành trái phiếu xanh vẫn chưa được ban hành.

Thứ hai, tương tự vấn đề của tín dụng xanh, đội ngũ chuyên gia kỹ thuật môi trường tại Việt Nam còn khá hạn chế. Các dự án xanh/bền vững có các yêu cầu rất khắt khe về thông số kỹ thuật, đa dạng về ngành nghề và cần có đội ngũ chuyên gia để thực hiện đánh giá và thẩm định.

Thứ ba, chi phí đầu tư dự án xanh thường cao nên việc đánh giá, thẩm định dự án cũng đặt ra bài toán lớn cho cả doanh nghiệp và ngân hàng. Các công nghệ áp dụng cho mỗi loại hình dự án cũng rất đa dạng và thay đổi/cải tiến liên tục nên hiện chưa có nhiều cơ sở tham chiếu để xác định mức chi phí đầu tư phù hợp.

Thứ tư, nhận thức của thị trường đối với trái phiếu xanh và bền vững chưa đồng đều. Bên cạnh một số doanh nghiệp, nhà đầu tư có định hướng và tiêu chí rõ ràng, vẫn còn nhiều tổ chức chưa thực sự quan tâm và dành nguồn lực cho các sản phẩm xanh/bền vững.

Thứ năm, các chính sách hỗ trợ về tài chính cho các hoạt động phát triển xanh và bền vững chưa đáng kể (chưa có ưu đãi thuế, lợi suất đầu tư…) cũng như chưa có quy định về phân loại và xác nhận dự án xanh để làm cơ sở để xác định đối tượng nhận ưu đãi.

Đối với thị trường cổ phiếu xanh, trên bình diện chung, đa phần các công ty niêm yết chưa có sự chủ động trong đưa ESG vào định hướng kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Việc công bố các thông tin về phát triển bền vững chủ yếu mới nhằm mục đích tuân thủ. Cụ thể, mới có 8% doanh nghiệp niêm yết công bố các mục tiêu giảm phát thải và mới có 35% thực hiện các cam kết và kế hoạch ESG.

Việc phát hành cổ phiếu xanh cũng hầu như chưa có, một phần nguyên nhân đến từ lượng vốn huy động qua kênh thị trường cổ phiếu nói chung bị suy giảm trong 3 năm qua (bình quân mỗi năm khoảng 80-100 nghìn tỷ đồng), chỉ chiếm khoảng 2,5-3% tổng lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế.

Làm gì để khơi dòng tài chính xanh?

Để “khơi dòng” tài chính xanh, từ đó giúp thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, Việt Nam cần xem xét triển khai một số chính sách, giải pháp sau:

Một là, Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể để phát triển thị trường tài chính xanh một cách hài hòa, hiệu quả giữa các kênh dẫn vốn, gắn với các định hướng, mục tiêu phát triển KTXH đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Hai là, hoàn thiện khung chính sách cho phát triển thị trường tài chính xanh. Các chính sách liên quan đến thị trường tài chính xanh cần sớm được ban hành cụ thể song song hoặc lồng ghép với những chính sách về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng và ứng phó biến đổi khí hậu… Trong đó, cần xác định các lĩnh vực ưu tiên trước (như năng lượng, giao thông – vận tải, sản xuất công nghiệp – nông nghiệp, du lịch…).

Tiếp đến là xem xét xây dựng dữ liệu về môi trường làm cơ sở cho việc theo dõi, đánh giá “tiêu chuẩn xanh/bền vững” của các tổ chức phát hành cũng như nhà đầu tư trái phiếu xanh/bền vững. Theo đó, cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất… khi địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi xanh.

Ba là, có cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn (cả Nhà nước và tư nhân) cho đầu tư xanh bằng cách ban hành các chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí, lãi suất và hỗ trợ các chi phí liên quan đến phát hành trái phiếu xanh, cung cấp tín dụng xanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quá trình phát hành trái phiếu xanh, cấp tín dụng xanh như nêu trên. Ngoài ra, nên nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển xanh; nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ Khoa học công nghệ…

Bốn là, Chính phủ cần sớm ban hành Quy định phân loại và xác nhận dự án xanh (taxonomy), trong đó, cần có sự tương đồng giữa các tiêu chí xanh của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế cùng với các chính sách ưu đãi tương ứng với các mức độ đáp ứng tiêu chí xanh từ thấp đến cao. Khi đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh/bền vững có thể tiếp cận dần với các chính sách ưu đãi cũng như tạo lập được các mục tiêu/động lực để đạt tới sự tăng trưởng bền vững. Đồng thời, trong trường hợp nếu dự án hoặc hạng mục dự án không đảm bảo được tính xanh sau mỗi kỳ đánh giá thì cần khắc phục vi phạm, công bố thông tin về vi phạm, xét duyệt lại sau khi hoàn thiện khắc phục…

Năm là, cần hoàn thiện chính sách, đơn giản hóa thủ tục và khuyến khích các tổ chức trong nước tham gia vào quá trình xác nhận, chứng nhận khung dự án xanh, trái phiếu xanh và dán nhãn dự án xanh, trái phiếu xanh theo các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, xây dựng bộ tài liệu mẫu (công bố thông tin trước phát hành, công bố thông tin định kỳ, báo cáo…) về việc hướng dẫn hoạt động phát hành trái phiếu xanh trong nước và quốc tế làm cơ sở để các đơn vị tham gia thống nhất thực hiện.

Sáu là, kiên định, nhất quán triển khai thành công Quy hoạch điện VIII (ban hành ngày 5/5/2023) đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 theo hướng tăng nguồn năng lượng tái tạo với cơ chế tài chính, tín dụng, mua – bán điện phù hợp; sớm hoàn thành, nâng cấp hệ thống truyền tải điện quốc gia; tăng tính cạnh tranh của thị trường điện với sự tham gia mạnh mẽ hơn của khu vực tư nhân…v.v.

Bảy là, Chính phủ, các bộ ngành có chính sách, giải pháp để trực tiếp hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp và các tổ chức tài chính tiếp cận các nguồn tài chính xanh quốc tế, các chương trình đào tạo, trao đổi kinh nghiệm quốc tế về tăng trưởng xanh và tài chính xanh (thông qua tiết giảm qui trình, thủ tục hành chính trong khâu lập, phê duyệt và giải ngân đề án, chương trình; ban hành bộ tiêu chí dự án xanh, công trình xanh và quy trình liên quan một cách kịp thời, dễ hiểu, dễ áp dụng…).

Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục – đào tạo, tập huấn, chương trình phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, năng lực chuyên môn về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, tài chính xanh, đầu tư và kể cả tiêu dùng xanh cho các bên liên quan. Cùng với đó thúc đẩy công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện chuyển dịch hoạt động sang phát triển bền vững.

Cuối cùng, bản thân doanh nghiệp, tổ chức tài chính cần có kế hoạch, chiến lược phát triển xanh, xây dựng văn hóa xanh, đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực liên quan, nhất là các bộ phận liên quan đến tài chính xanh, tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường – xã hội…

Theo Tạp Chí Đầu Tư Tài Chính – VietNamFinance

 

Bài viết liên quan