05/08/2024

Khu Công Nghiệp sinh thái: Hoàn thiện chính sách để đón sóng đầu tư

Hiện nay, xu hướng của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước khi tìm vị trí đặt nhà máy sản xuất, họ không chỉ ưu tiên những khu công nghiệp có lợi thế về quy mô, về vị trí địa lý mà còn phải có khả năng đáp ứng được các tiêu chí phát triển bền vững.

Có như vậy, các sản phẩm của họ khi sản xuất ra mới đạt các tiêu chuẩn xanh, đủ yêu cầu xuất khẩu sang những thị trường khó tính.

Mặc dù, Việt Nam đã có Nghị định 35/2022 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Tuy nhiên, theo bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quá trình thực hiện khu công nghiệp sinh thái cũng như chuyển đổi xanh vẫn tồn tại khó khăn, vướng mắc phải tháo gỡ.

Không chỉ dòng vốn đầu tư FDI thế hệ mới mà cả những tập đoàn lớn trong nước cũng đang ưu tiên vào các khu công nghiệp xanh.

“Thứ nhất là một số văn bản hướng dẫn tại các quy định của pháp luật khác nhau ví dụ như tái sử dụng nước, tái sử dụng năng lượng và những hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến những lĩnh vực chuyên ngành hiện giờ vẫn đang thiếu. Do đó, việc thực hiện cộng sinh công nghiệp, kết nối giữa các doanh nghiệp để thực hiện khu công nghiệp sinh thái còn khó khăn. Thứ hai, khi các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đã tốn tương đối chi phí để thực hiện quá trình chuyển đổi xanh nhưng những cơ chế chính sách ưu đãi dành cho hoạt động này vẫn còn chưa tương xứng”.

Về giải pháp trước mắt, bà Hiếu cho biết, Bộ KH&ĐT đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh việc ban hành các văn bản hướng dẫn giúp thúc đẩy hiện thực hóa mạng lưới cộng sinh; thực hiện kinh tế tuần hoàn cũng như chuyển đổi các khu công nghiệp sang khu công nghiệp sinh thái. Ngoài ra, Bộ KH&ĐT cũng nỗ lực kết nối cộng đồng, các quỹ đầu tư, các đối tác chuyển dịch năng lượng, các đối tác tài chính để huy động nguồn vốn dành riêng cho việc thực hiện các sáng kiến, giải pháp xanh, giải pháp kinh tế tuần hoàn, hiện thực hóa khu công nghiệp kinh tế xanh.

“Trong dài hạn, Bộ KH&ĐT đang báo cáo Chính phủ Đề cương xây dựng Luật Khu công nghiệp, Khu kinh tế. Trong Đề cương, chúng tôi tiếp tục thể hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế cũng như đóng góp chính trong việc thúc đẩy kinh tế xã hội tại các địa phương. Thứ hai là quy định nâng tầm văn bản pháp quy điều chỉnh quy định khu công nghiệp, khu kinh tế lên văn bản tầm luật để bổ sung cơ chế chính sách dành riêng cho mô hình mà Chính phủ muốn khuyến khích trong thời gian tới ví dụ như các khu công nghiệp sinh thái, những khu kinh tế mới, khu chuyên biệt…Tiếp nữa là trong Luật Khu công nghiệp, Khu kinh tế thì chúng tôi đẩy mạnh phân quyền cho các địa phương trong việc thể hiện là cơ quan một cửa tại chỗ cũng như là có đủ bộ máy, thẩm quyền để quản trị và kiểm tra, giám sát, thúc đẩy khu công nghiệp phát triển theo đúng định hướng của Chính phủ”.

Không chỉ dòng vốn đầu tư FDI thế hệ mới mà ngay cả những tập đoàn lớn trong nước cũng đang ưu tiên vào các khu công nghiệp xanh. Đây là xu thế phát triển bền vững toàn cầu. Việc sớm hoàn thiện, bổ sung các cơ chế chính sách mới trong việc hỗ trợ phát triển khu công nghiệp sinh thái sẽ là “điểm cộng”, góp phần gia tăng khả năng cạnh tranh, sức hút của các khu công nghiệp tại Việt Nam đối với những nhà đầu tư, tập đoàn lớn trong và ngoài nước.

Bài viết liên quan