Các khoản thu nhập từ tín chỉ carbon và trái phiếu xanh cần được đưa vào diện miễn thuế nhằm khuyến khích đầu tư vào các hoạt động bảo vệ môi trường.
Trong Dự thảo tờ trình Chính phủ về xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính đã bổ sung quy định miễn thuế thu nhập cá nhân đối với 3 khoản thu nhập của cá nhân.
Thứ nhất, thu nhập từ lợi tức cổ phần của thành viên hợp tác xã nông nghiệp, cá nhân là nông dân ký kết hợp đồng với doanh nghiệp tham gia “Cánh đồng lớn”.
Thứ hai, thu nhập do Quỹ hưu trí tự nguyện, Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung chi trả;
Thứ ba, thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải, chuyển nhượng tín chỉ carbon lần đầu sau khi phát hành của cá nhân được cấp chứng chỉ giảm phát thải, tín chỉ carbon; thu nhập từ tiền lãi từ trái phiếu xanh; thu nhập từ chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau khi phát hành.
Theo cơ quan soạn thảo, việc phát triển thị trường tín chỉ carbon là giải pháp quan trọng để thực hiện các mục tiêu về bảo vệ môi trường. Tại Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội thông qua năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2022) đã có các quy định về tín chỉ carbon, cơ chế trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon cũng như đề ra chủ trương Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích phát triển.
Vì vậy, các khoản thu nhập từ tín chỉ giảm phát thải, tín chỉ carbon và trái phiếu xanh cần được đưa vào diện miễn thuế nhằm khuyến khích đầu tư vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Việc miễn thuế này, nếu được thông qua, sẽ góp phần đưa Việt Nam đến gần hơn với mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường.
Ông Phạm Đăng An – Giám đốc Công Ty VP Carbon phân tích, tín chỉ carbon là một cơ chế tài chính thúc đẩy phát triển xanh, tương đương với việc một đơn vị cụ thể giảm được lượng phát thải ra ngoài môi trường. Hiện nay các nước đều đồng ý rằng biến đổi khí hậu là câu chuyện toàn cầu và cần được thúc đẩy. Trong khi đó Việt Nam được đánh giá là quốc gia tiềm năng về tín chỉ carbon, đặc biệt nông – lâm nghiệp là hai lĩnh vực chúng ta có lợi thế.
Vừa qua, Việt Nam đã được nhận khoản tài chính đáng kể từ Ngân hàng Thế giới cho hai hoạt động gồm: Một là trồng rừng, giữ rừng và dư ra một khoản giảm phát thải so với cam kết để có thể giao dịch, buôn bán bằng các hiệp định song phương với các nước hoặc các tổ chức.
Hai là về nông nghiệp, trồng trọt chăn nuôi cũng gây ra nguồn phát thải khí nhà kính lớn, tiêu biểu là khí metal. Gần đây chúng ta nhắc nhiều đến câu chuyện 1 triệu ha lúa phát thải thấp, từ việc cải thiện phương pháp trồng, có thể có cơ may vừa đạt hiệu quả năng suất tốt mà vừa giảm phát thải so với phương pháp truyền thống. Khi đó, các nhãn hãng, doanh nghiệp sẽ rất quan tâm đến khoản phát thải đã giảm đi này.
Tuy nhiên, làm sao để phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam ngày càng sôi động, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên môi trường, cho rằng chúng ta đang bị chậm do điểm nghẽn lớn nằm ở chính sách và thiếu khung pháp lý rõ ràng.
Để thị trường tín chỉ carbon vận hành hiệu quả và tiến ra quốc tế, cần có quy trình công nhận rõ ràng. Trước mắt, phát triển thị trường tín chỉ carbon nội địa vẫn là hướng đi khả thi. Các doanh nghiệp có thể đầu tư vào công nghệ để vừa giảm phát thải, vừa tạo nguồn lực tài chính bổ sung, thúc đẩy nông nghiệp bền vững và phát triển xanh.
“Việt Nam đã có kinh nghiệm qua hai chương trình phát triển lâm nghiệp quốc gia, đủ năng lực và đội ngũ để tiếp tục triển khai các vấn đề liên quan đến tín chỉ carbon. Trong đó, vai trò của Nhà nước là rất quan trọng đối với việc xây dựng niềm tin và đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường này”, vị PGS nhấn mạnh.