15/12/2024

Kinh nghiệm quốc tế về bảo hiểm xanh – Việt Nam đã sẵn sàng?

Trong bối cảnh hiện nay, khi các hiện tượng thiên tai ngày càng trở nên khó lường và gây hậu quả nghiêm trọng thì tính cấp thiết của các giải pháp bảo hiểm và quản lý rủi ro thiên tai lại càng được quan tâm.

Năm 2024, siêu bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đến con người và nền kinh tế. Trong bối cảnh khắc nghiệt này, tính cấp thiết của các giải pháp bảo hiểm và quản lý rủi ro thiên tai trở nên nổi bật. Nhiều quốc gia đã áp dụng bảo hiểm xanh như một giải pháp sáng tạo, giúp tăng cường khả năng chống chịu thiên tai. Tiên phong là bảo hiểm trách nhiệm môi trường ở Trung Quốc, trái phiếu thảm họa tại Singapore, hay hợp tác hai khối công – tư tại Hàn Quốc. Việt Nam có thể học hỏi điều gì từ những thành công này?

Công cụ tài chính tạo đà phát triển

Bảo hiểm xanh không chỉ là một sản phẩm bảo hiểm mà còn là một công cụ tài chính quan trọng giúp quản lý rủi ro môi trường như ô nhiễm, thiên tai và biến đổi khí hậu. Thông qua việc hỗ trợ tài chính để khắc phục hậu quả thiên tai, bảo vệ ngân sách quốc gia, và đảm bảo sự ổn định cho các hoạt động kinh tế – xã hội, bảo hiểm xanh thúc đẩy phát triển bền vững. Đồng thời, nó khuyến khích thay đổi hành vi theo hướng thân thiện với môi trường, tạo điều kiện cho việc áp dụng các công nghệ xanh và cải tiến quản lý rủi ro.

Các sản phẩm điển hình bao gồm: bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thiên tai giúp các cộng đồng phục hồi nhanh chóng sau thảm họa hay các sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm ô nhiễm môi trường khuyến khích người dân thay đổi hành vi và doanh nghiệp phải khắc phục hậu quả.

Bảo hiểm xanh giúp hỗ trợ phục hồi sau thiên tai và giảm tác động trước biến đổi khí hậu. Ảnh: Envat

Bảo hiểm xanh tại Việt Nam – Khoảng trống và tiềm năng

Luật Bảo vệ môi trường và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn đã góp phần hình thành nền tảng cho hoạt động bảo hiểm xanh của các công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu các văn bản pháp luật rõ ràng làm hành lang pháp lý cho việc phát triển bảo hiểm xanh ở Việt Nam. Những chính sách khuyến khích như giảm thuế hoặc phí cho các sản phẩm bảo hiểm xanh đã được đưa ra, song quá trình triển khai vẫn còn nhiều thách thức.

Trước áp lực ngày càng gia tăng về bảo vệ môi trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững, nhiều công ty bảo hiểm tại Việt Nam đã bắt đầu chú trọng đến việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm xanh. Một số công ty tiên phong trong lĩnh vực này bao gồm Tập đoàn Bảo Việt, Công ty Cổ phần PVI và Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI).

Tuy nhiên, các sản phẩm bảo hiểm xanh hiện nay chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm cho các dự án năng lượng tái tạo, bảo hiểm trách nhiệm môi trường, bảo hiểm cho công trình xây dựng xanh và quỹ bảo hiểm rủi ro thiên tai.

Dù vậy, đây là thời điểm vàng để phát triển bảo hiểm xanh tại Việt Nam khi các doanh nghiệp còn nhiều cơ hội sáng tạo sản phẩm mới đồng thời tận dụng sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng.

Để hỗ trợ Việt Nam, Dự án Tăng cường quản lý tài chính công tại Việt Nam, đồng tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và chính phủ Đức thông qua GIZ đã nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ nhiều quốc gia trên thế giới. Nhìn vào những quốc gia tiên phong như Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc chúng ta thấy rõ sức mạnh của một hệ sinh thái bảo hiểm xanh được xây dựng bài bản.

Singapore: Lá chắn thảm họa – Cat bonds

Singapore là một trong những quốc gia tiên phong trong lĩnh vực bảo hiểm xanh ở châu Á. Năm 2018, Singapore phát hành trái phiếu thảm họa (Cat bonds) giúp bảo vệ cả quốc gia trước các thiệt hại do thiên tai. Ngoài ra, chính phủ còn hỗ trợ toàn bộ chi phí phát hành để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia. Đồng thời, họ yêu cầu các công ty bảo hiểm thực hiện các bài kiểm tra sức chịu đựng nhằm đánh giá tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão hay lũ lụt.

Kết quả? Ngành bảo hiểm của Singapore ngày càng mạnh mẽ và chuẩn bị tốt hơn trước các kịch bản BĐKH.

Trung Quốc: Ràng buộc trách nhiệm của người gây ô nhiễm

Trung Quốc xây dựng hệ thống bảo hiểm xanh thông qua đưa bảo hiểm trách nhiệm môi trường vào khung pháp lý từ thập niên 1990. Các ngành công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm cao buộc phải tham gia bảo hiểm này, đảm bảo khả năng khắc phục hậu quả môi trường. Đến năm 2021, hệ thống bảo hiểm xanh của Trung Quốc đã đạt giá trị 2.000 tỷ nhân dân tệ, bao gồm bảo hiểm cho năng lượng tái tạo và các dự án xanh. Đặc biệt, các công ty bảo hiểm tại Trung Quốc phải đánh giá tác động của biến đổi khí hậu trong báo cáo thường niên (ORSA), giúp tăng hiệu quả quản lý rủi ro và hỗ trợ sự phát triển bền vững.

Hàn Quốc: Hợp tác công- tư để thúc đẩy tăng trưởng xanh

Hàn Quốc cũng là một quốc gia đáng chú ý với Chiến lược Tăng trưởng xanh Quốc gia công bố năm 2009. Chính phủ Hàn Quốc đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tài chính và doanh nghiệp tư nhân để thúc đẩy các sản phẩm bảo hiểm hỗ trợ năng lượng tái tạo, xe điện và công trình xanh. Mô hình hợp tác công – tư này không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính cho Chính phủ mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào các sáng kiến bảo vệ môi trường.

Hướng đi nào cho Việt Nam?

Những bài học quốc tế cho thấy, bảo hiểm xanh là một sự đầu tư thông minh cho tương lai. Để bắt đầu, Việt Nam cần sớm xây dựng một chiến lược toàn diện và cụ thể với việc hoàn thiện khung pháp lý là điều kiện tiên quyết.

Chính phủ cần ban hành các quy định chi tiết về bảo hiểm trách nhiệm môi trường và rủi ro thiên tai, yêu cầu các doanh nghiệp đánh giá rủi ro khí hậu thường niên, đồng thời áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như ORSA để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý rủi ro.

Cùng với đó, phát triển các sản phẩm bảo hiểm sáng tạo, như như trái phiếu thảm họa, bảo hiểm dựa trên chỉ số khí hậu… là bước đi cần thiết để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường. Hỗ trợ tài chính và công nghệ cũng là yếu tố then chốt. Nhà nước có thể giảm thuế, trợ giá phí bảo hiểm xanh và đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin nhằm xây dựng hệ thống dữ liệu quản lý rủi ro.

Đây là bài học quý giá từ Singapore, nơi các doanh nghiệp được hỗ trợ toàn bộ chi phí để tham gia vào thị trường bảo hiểm xanh.

Bảo hiểm xanh – Chìa khóa cho phát triển bền vững. Ảnh: Envato

Cuối cùng, việc nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua các chiến dịch truyền thông và giáo dục là cần thiết để tạo sự đồng thuận và tham gia tích cực từ người dân và doanh nghiệp. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành và tổ chức tài chính cũng sẽ đảm bảo tính đồng bộ trong việc triển khai các chính sách bảo hiểm xanh

Bảo hiểm xanh không chỉ là một công cụ tài chính mà còn là một bước tiến lớn hướng tới phát triển bền vững. Bằng cách học hỏi từ các quốc gia tiên phong và tận dụng thế mạnh riêng, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng một thị trường bảo hiểm xanh vững mạnh.

Trong quá trình này, Dự án Tăng cường quản lý tài chính công sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tài chính để triển khai các hoạt động, góp phần nền kinh tế xanh và thịnh vượng.

Theo Thời báo Tài chính.

Bài viết liên quan