02/08/2024

Lần đầu nông dân được thưởng tiền khi trồng lúa giảm phát thải

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT Cần Thơ vừa phối hợp với Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) tổ chức sơ kết thực nghiệm thí điểm “Khuyến khích kinh tế đối với nông dân thực hành sản xuất lúa theo gói canh tác ‘1 phải 5 giảm’ và giảm phát thải khí nhà kính”.

Nghiên cứu này nằm trong khuôn khổ dự án “Chuyển đổi nông nghiệp sinh thái để xây dựng hệ thống nông nghiệp và thực phẩm bao trùm và có khả năng phục hồi”. Có 4 hợp tác xã (mỗi hợp tác xã 50 nông dân) được lựa chọn tham gia thực hiện nghiên cứu từ tháng 12/2023 – 4/2024.

Theo kết quả sơ kết nghiên cứu thực nghiệm, có 38 nông hộ ở xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ lần đầu tiên nhận được tiền thưởng nhờ thực hành sản xuất lúa theo gói canh tác ‘1 phải 5 giảm’ và giảm phát thải khí nhà kính. Đây cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam, nông dân canh tác lúa giảm phát thải khí CO2 được nhận thưởng chính thức bằng tiền mặt.

Cụ thể, 30 hộ nông dân đã đạt mức giảm phát thải dưới 1 tấn CO2 tương đương/ha và 8 hộ đạt mức giảm phát thải trên 1 tấn CO2 tương đương/ha, tổng số tiền thưởng trên 20 triệu đồng. Đây là nguồn động viên, khích lệ các nông dân trực tiếp tham gia canh tác lúa hướng đến sản xuất lúa chất lượng, giảm phát thải, giảm ô nhiễm môi trường.

Lần đầu nông dân được thưởng tiền khi trồng lúa giảm phát thải ảnh 1
Trao thưởng cho các nông dân tham gia thí điểm.

Hoạt động nghiên cứu bao gồm tập huấn cho 200 nông dân các hợp tác xã về các kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng bền vững, phát thải thấp; tiến hành khảo sát đầu kỳ (vụ Đông Xuân 2022-2023) và khảo sát cuối kỳ (vụ Đông Xuân 2023-2024), nhằm so sánh mức độ áp dụng kỹ thuật và giảm phát thải của nông dân.

Đồng thời, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp thuộc Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Thạnh và bà con nông dân tham gia nghiên cứu được giới thiệu về công cụ FarMoRe (một công cụ số, phục vụ ghi chép dữ liệu và đánh giá kết quả canh tác lúa theo hướng bền vững và phát thải thấp).

Thông qua công cụ FarMoRe, nông dân hiểu rõ hơn về các thực hành canh tác tác động đến phát thải khí nhà kính ở mức độ nào. Qua đó, bà con có thêm kiến thức, kinh nghiệm áp dụng các thực hành canh tác lúa tiên tiến, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương nhưng vẫn đảm bảo năng suất.

Công cụ FarMoRe cũng giúp cán bộ kỹ thuật theo dõi, nắm được chi tiết thực hành canh tác của nông dân qua mỗi vụ, từ đó đưa ra tư vấn kỹ thuật phù hợp hơn. Hơn nữa, việc ghi chép thực hành và đánh giá kết quả sản xuất lúa bằng công cụ số, tiềm năng mở ra cánh cửa đến các thị trường gạo giá trị cao, đòi hỏi dữ liệu theo dõi và chứng minh cho việc đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao cho nông dân.

Lần đầu nông dân được thưởng tiền khi trồng lúa giảm phát thải ảnh 2

Lần đầu tiên nông dân nhận thưởng từ việc trồng lúa giảm phát thải.

Theo ông Nguyễn Ngọc Huấn – Giám đốc Hợp tác xã Khiết Tâm (trực tiếp canh tác theo quy trình giảm phát thải), lượng giống gieo sạ của xã viên đã giảm từ 150-180kg/ha xuống còn 80kg/ha, giảm 10-15% lượng phân bón hóa học và khoảng 20% lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Đặc biệt, quy trình góp phần thay đổi nhận thức của bà con nông dân trong việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Thay vì đốt rơm trên ruộng, bà con cuộn rơm đưa ra khỏi đồng, bán với giá 400.000 đồng/ha, vừa giúp cây lúa giảm ngộ độc hữu cơ, vừa tăng thêm thu nhập hoặc tái sử dụng rơm để ủ làm phân bón, trồng nấm.

Từ đó, việc canh tác theo quy trình giảm phát thải giúp xã viên Hợp tác xã Khiết Tâm tăng lợi nhuận từ 15-20% so với canh tác truyền thống.

Theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI), kết quả giảm phát thải chủ yếu đạt được từ việc giảm sử dụng phân đạm, đốt rơm và áp dụng kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ.

Qua thí điểm thực nghiệm lần này, giúp bà con nông dân làm quen dần với phương thức canh tác lúa bền vững, thân thiện với môi trường. Qua đó, góp phần tích cực vào việc thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL…

Theo Tiền phong.

Bài viết liên quan