01/08/2024

‘Mắt xích’ quan trọng của kinh tế xanh

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 vừa chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 7/2024. Đây là lần đầu tiên quy định về sản xuất, tiêu dùng bền vững được đề cập chính thức, cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc mở rộng phạm vi triển khai các hoạt động thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững tại Việt Nam.

Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, Chính phủ, các bộ ban ngành hiện đã có nhiều Nghị quyết, Thông tư, chỉ thị hướng dẫn, trong đó đều đưa ra những giải pháp hết sức cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh.

“Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi rất tích cực. Một là đã áp dụng công nghệ sản xuất xanh, đầu tư nhiều dây chuyền sản xuất hiện đại. Thứ hai, các doanh nghiệp đã sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện áp mái, điện gió. Thứ ba là phát triển sản phẩm, dịch vụ xanh, chẳng hạn các sản phẩm tái chế…Thứ tư, nhiều doanh nghiệp đã đạt được những chứng nhận quốc tế bền vững về môi trường như Chứng nhận ISO 14001 về hệ thống quản lý môi trường hoặc Chứng nhận quốc tế. Thứ năm, không chỉ các siêu thị, chuỗi bán lẻ mà bản thân các doanh nghiệp đã xây dựng chuỗi cung ứng của mình để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và môi trường. Thứ sáu, các doanh nghiệp cũng đang ứng dụng các công nghệ digital và IoT; sử dụng công nghệ số để theo dõi và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên nhằm tránh lãng phí nguồn lực con người và tài chính. Thứ bảy, doanh nghiệp cũng tập trung để đào tạo nhân viên nhằm tăng cường ý thức, thay đổi tư duy và hành động. Cuối cùng, nhiều doanh nghiệp đã tập trung cho đổi mới phát triển, đặc biệt là công tác nghiên cứu. Rất nhiều doanh nghiệp có thể thành lập các viện tư nhân hoặc phối hợp với các trường đại học, vụ, viện nghiên cứu để có nhiều sản phẩm xanh, sạch cung ứng ra thị trường”.

Hiện đã có nhiều Nghị quyết, Thông tư, chỉ thị hướng dẫn đưa ra những giải pháp hết sức cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh.

Ông David Payne, Cố vấn cao cấp của UNDP tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam hiện đã có những bước đi mạnh mẽ trong việc thực hiện các cam kết tại COP26. Việt Nam đã hiện thực hóa các chương trình hành động bảo vệ môi trường, đặc biệt là giải bài toán trong việc khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng khoa học, công nghệ và thay đổi phương thức quản lý nhằm hướng đến sản xuất sạch hơn mà còn định hướng và thay đổi hành vi tiêu dùng hướng đến tiêu dùng bền vững.

“Chương trình quốc gia sản xuất và tiêu dùng bền vững là chương trình rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam. Tôi cho rằng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đã đưa ra những quy định rất cụ thể trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững. Điều này sẽ tạo ra động lực rất tốt cho quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế từ nâu sang xanh. Tôi cũng nhận thấy, từ Trung ương tới địa phương đã có sự phối hợp, hỗ trợ với nhau rất chặt chẽ để tạo sự lan tỏa trên cả nước đối với hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững tại Việt Nam”.

Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi từ kinh tế nâu sang xanh là chặng đường dài và rất nhiều thách thức. Để thành công, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách về phát triển kinh tế xanh nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia và hưởng lợi từ mô hình này. Thứ hai, đầu tư nguồn lực nhiều hơn vào phát triển công nghệ cao, năng lượng sạch. Thứ ba, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về phát triển xanh đối với tương lai dài hạn. Cuối cùng là thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước vào quá trình chuyển dịch sang tăng trưởng xanh.

Theo Báo Điện tử Chính Phủ

 

 

Bài viết liên quan