Vào ngày Doanh nhân, của doanh nhân và vì doanh nhân, không thể nào không chúc các bạn thật nhiều hạnh phúc, và nhất là thật nhiều may mắn. Nghề kinh doanh của chúng ta, tuy mang tính khoa học thực tiễn, vẫn rất cần chút may mắn cho dù không phải lúc nào cũng cần, và không phải cứ gọi thần May Mắn là ông ấy tới hỗ trợ hoặc cứu giải.
Chúng ta hãy bắt đầu bằng những tin xấu để chốc nữa kết luận bằng nốt lạc quan!
Tình hình thế giới không những phức tạp, nhưng càng ngày càng phức tạp và đang dần dần phản ảnh hưởng nhiều hơn trên kinh tế nước ta. Trong những yếu tố quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta, không thể quên mối quan hệ không tốt đẹp giữa các cường quốc, song song với sự yếu đi rõ rệt của Cộng đồng Châu Âu. Thế rồi đồng đô-la Mỹ ngày càng có khuynh hướng tăng giá khiến nhiều quốc gia tăng lãi suất ngân hàng, từ đó gây khó trực tiếp cho doanh trường.
Tất nhiên, các tranh chấp nóng có, nguội có, sẽ làm lộ ra những khó khăn tiềm năng của mỗi quốc gia. Những vấn đề tiềm tàng sẽ hiện rõ hơn, nặng hơn, sâu hơn, khó khắc phục hơn. Nhưng điều xấu nhất là những khó khăn đó đều có khuynh hướng kéo dài theo thời gian. Sóng vi rút Covid 19 chưa hết thì đợt sóng vi rút khác đã bắt đầu đe doạ, do người hay vạn vật tạo nên.
Sự sụp đổ của nền địa ốc tại một cường quốc gần chúng ta sẽ cần rất nhiều thời gian để khắc phục. Nói chung, những khách hàng chính của chúng ta mà gặp khó khăn thì chúng ta sẽ bán ít đi, sẽ xuất khẩu kém hơn. Nông sản và những sản phẩm chế biến từ nông nghiệp sẽ phải tìm những thị trường đa dạng hơn nữa.
Trong những tin vui, chúng ta vẫn còn một chút thời gian với thế hệ vàng, trong khi khá đông dân tộc đã vào tuổi già. Các thế hệ trẻ nhỏ của chúng ta rất năng động và nhất là hiếu học. Cả nước đang đi học, cái gì cũng muốn học, tiếng Anh và nhiều ngoại ngữ khác, công nghệ thông tin, AI. Đến nông nghiệp chúng ta cũng thấy cần đi học, thật đáng vui mừng. Song song dân tộc ta không ngừng phát triển “bản thân”, số đông không ngớt hỏi về “công dân toàn cầu” hay “công dân thuận tự nhiên”. Hàng triệu bạn già trẻ đang tu tập, tìm hiểu thêm về cuộc sống tâm linh, dành chút thời gian đề thiền. Và nhất là tư duy chất lượng đang lấy đà trở lại trong nền kinh doanh. Chỉ vài tháng vài năm nữa, dân tộc sẽ gặt hái! Nếu tôi có lời chúc, thì tôi chỉ xin có đôi lời.
Trước hết tôi chúc các doanh nghiệp lớn ý thức được vai trò đầu tàu của mình. Sau nhiều năm được ưu đãi để trở thành mũi nhọn của nền kinh tế VN, thiết tưởng lời chúc là thực tế, mẫu mực và dễ hiểu. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa của VN chúng ta sẽ không bao giờ có đủ khả năng để chủ động trong việc xuất khẩu. Rất cần các anh lớn giúp đỡ.
Xin chúc tất cả các doanh nhân ngày nay nhận rõ hơn giá trị của việc làm của mình, giá trị thực của sản phẩm của mình. Phải ý thức được rằng “giá nào cũng có người mua” miễn là giá trị được thể hiện và nhận diện rõ ràng. Thậm chí trong thế giới giàu có ngày nay, khuynh hướng còn là mua những sản phẩm chất lượng cao.
Hãy dẹp luôn và vĩnh viễn ý tưởng rằng cái gì cũng phải bán rẻ, kiểu mua một tặng một, với quà quít đi theo. Chúc các doanh nhân “nhỏ và vừa” rũ được cái lo sợ không trôi được hàng, ngày nay khách hàng nói chung khá tinh tế, họ biết đánh giá. Cứ bán giá thực những giá trị thực.
Rồi cũng xin chúc các doanh nhân nhỏ bỏ vĩnh viễn ý nghĩ rằng mình phải triệt tiêu đối thủ cạnh tranh để sinh tồn, mà ngược lại, rất cần họ ý thức được tinh thần tích cực giúp nhau bán hàng. Hãy đoàn kết trong trái tim trước khi đoàn kết ngoài chợ. Đừng bao giờ mang tư duy bán lỗ, bán điêu, bán dối, bán dởm, vì khi làm vậy chúng ta tự tay phá vỡ thị trường. Làm vậy thì thương lái nước ngoài chỉ cần nhìn mà vỗ tay sung sướng.
Xin chúc các khách hàng, các bà nội trợ bỏ vĩnh viễn thói xấu cứ mua rẻ là vui, ngày nay, nhờ phát triển kinh tế mà một số lớn gia đình đã có khả năng chọn lựa hàng tốt.
Nhưng lời chúc cuối sẽ làm các bạn ngạc nhiên. Xin chúc các bạn ý thức được rằng mình phải yêu sản phẩm của mình trước hết, trước khi mình muốn khách hàng yêu sản phẩm của mình. Bao nhiêu lần tôi được nghe du khách phê bình là chúng ta không yêu cái gì mình có, từ Anh là “love passionately”, yêu thiết tha. Hãy yêu thiết tha rượu mình bán, yêu thiết tha cảnh quan của đất nước khi bán du lịch, yêu thiết tha rau củ của ruộng đồng mình, yêu thiết tha cá tôm cua từ sông biển của mình, yêu thiết tha nhân viên của mình, yêu thiết tha món ăn mình làm cho du khách…Vì khi yêu thiết tha như vậy thì chúng ta không cần chứng minh chất lượng nữa, khách hàng sẽ cảm nhận một cách rất tự nhiên, tình yêu tuyệt diệu như thế đó. Cứ yêu thiết tha cái gì chính mình bán, cứ yêu thiết tha việc tạo giá trị là khách hàng sẽ tới và sẽ tin tưởng.
Tình yêu là một xa xỉ phẩm không cần bằng chứng. Nó sẽ biến đổi chúng ta, trước hết mỗi cá nhân, nhưng sau đó sẽ chuyển hoá cả thị trường. Có lời chúc nào mà mỗi doanh nhân khát khao mong mỏi hơn: một thị trường tốt lành cho những khách hàng vui vẻ, với những doanh nhân hạnh phúc.
GS.Phan Văn Trường