Trong 30 năm qua, nhiều vùng ở ĐBSCL mực nước dưới đất hạ xuống hơn 5m, gây nên sụt lún đất trung bình cho toàn khu vực, cao gấp 10 lần so với tốc độ nước biển dâng. Đó mà một trong những cảnh báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL lần thứ 4 được tổ chức tại Cà Mau chiều 1.7.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL cho rằng đây là hội nghị quan trọng, nhằm kiểm lại những việc làm được, chưa được từ khi Hội đồng điều phối vùng ra đời.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đối với ngành nông nghiệp của cả nước, vùng ĐBSCL được coi là sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, là một thành phần quan trọng trong an ninh quốc gia.
ĐBSCL là vùng sản xuất lương thực, trái cây và thủy sản lớn nhất Việt Nam, sản lượng lúa và trái cây cũng chiếm tỉ lệ lớn trên toàn quốc, lần lượt là 56% và 60%; tương tự sản lượng tôm và sản lượng cá tra chiếm tỉ lệ lần lượt là 70% và 95%. ĐBSCL cần phát triển nông nghiệp để thực hiện sứ mệnh quốc gia này, chứ không chỉ như một ngành kinh tế mũi nhọn.
Tuy nhiên, những năm gần đây, vùng ĐBSCL luôn phải đối mặt với nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn vào mùa khô; tình trạng khô hạn xuất hiện ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là hạn nặng trong mùa khô. Xâm nhập mặn gây ra những hậu quả hết sức nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của cả vùng ĐBSCL.
Bên cạnh đó, vùng ĐBSCL còn đối mặt với sạt lở bờ sông, bờ biển. Ước tính mỗi năm, vùng ĐBSCL mất từ 300 đến 500ha đất và hàng chục nghìn hộ dân có nguy cơ phải di dời khỏi vùng nguy hiểm do sạt lở.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sạt lở tại ĐBSCL, gồm tác động của việc giữ phù sa của các đập thượng nguồn, lượng phù sa về ĐBSCL sẽ giảm. Theo một nghiên cứu của Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) dự báo đến năm 2040, lượng phù sa sẽ chỉ còn 3% đến 5%.
Một trong những hậu quả của suy giảm phù sa là gia tăng sạt lở bờ sông, bờ biển; việc khai thác cát quá mức trên các sông ở ĐBSCL, gây mất ổn định lòng và bờ sông, gây sạt trượt bờ sông; việc các khu dân cư được hình thành và phát triển ở sát sông, chất thải của các công trình xây dựng ngày càng lớn lên bờ sông là đất phù sa yếu, sẽ gây nên sạt lở. Việc khai thác nước dưới đất quá mức cũng là nguyên nhân đang gây sụt lún đất trong những năm qua.
Trong 30 năm qua, nhiều vùng ở ĐBSCL mực nước dưới đất hạ xuống hơn 5m, gây nên sụt lún đất trung bình cho toàn khu vực, cao gấp 10 lần so với tốc độ nước biển dâng.
Nhằm giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17.11.2017 về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghị quyết đã đề cập khá toàn diện các vấn đề mang tính chiến lược, căn bản, lâu dài đối với phát triển vùng ĐBSCL.
Những năm gần đây, ĐBSCL đã được đầu tư về hạ tầng, nhất là giao thông, thuỷ lợi, quy hoạch đô thị… Các đại biểu cho rằng vùng ĐBSCL cần có cơ chế, chính sách riêng mang tính đặc thù bởi vùng này có đặc điểm riêng, dễ bị tổn thương khi biến đổi khí hậu, hạ tầng còn yếu so với các vùng khác.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, vùng ĐBSCL thời gian qua có bước phát triển khá. Tuy nhiên cũng nhìn nhận việc liên kết chưa chặt, phát triển chưa bền vững; vùng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hạ tầng còn nhiều khó khăn… Chính vì vậy cần phải quan tâm, đầu tư theo thứ tự ưu tiên; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề bức xúc, cấp bách của vùng…
Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng để vùng ĐBSCL phát triển cần sự chung tay, giúp sức của các bộ, ngành trung ương, bên cạnh sự nỗ lực của từng địa phương. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các địa phương phấn đấu nhiều hơn nữa để thực hiện các chỉ tiêu mà đại hội Đảng đã đề ra, trước mắt là thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng cuối năm 2024…
(Theo Báo Lao động)