Nhằm phát triển kinh tế xanh và bền vững, hàng loạt các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đã được ứng dụng nhanh, rộng rãi, có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Trước những tác động của biến đổi khí hậu và các nguồn tài nguyên dần cạn kiệt, chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh đang là xu hướng tất yếu của sự phát triển. Thời gian qua, các cấp, ngành và các doanh nghiệp trong tỉnh Nam Định đã quan tâm phát triển theo hướng kinh tế xanh, gắn cơ cấu lại nền kinh tế với các mô hình tăng trưởng xanh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo. Đây được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu trong việc bảo vệ môi trường sống, tiến tới mục tiêu phát triển bền vững.
Ngày 16/8/2023, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch số 113/KH-UBND “Hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 trên địa bàn tỉnh Nam Định”. Theo đó, mục tiêu được xác định là “Hành động về tăng trưởng xanh góp phần vào mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội trên địa bàn tỉnh; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu”.
Cuối tháng 6/2024, Tỉnh ủy Nam Định đã phối hợp với Báo Nhân Dân, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển kinh tế xanh – Lý luận và thực tiễn”.
Qua đó đã góp phần cung cấp cơ sở khoa học khẳng định quan điểm, định hướng, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xanh; đồng thời đánh giá những kết quả đạt được, những vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng; dự báo những yếu tố tác động, đề xuất phương hướng, giải pháp thực hiện có hiệu quả mô hình kinh tế xanh và thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong thời gian tới.
Những năm qua, các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ được ứng dụng nhanh, rộng rãi, có hiệu quả và bền vững với các công nghệ mới, công nghệ xanh, sạch vào các lĩnh vực của tỉnh; ngăn chặn công nghệ lạc hậu, công nghệ có hại đến sức khỏe con người và tài nguyên môi trường, phục vụ phát triển kinh tế xanh của tỉnh.
Trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp và nông thôn, các nghiên cứu, ứng dụng để hướng tới sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị; thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
Điển hình là một số nhiệm vụ KHCN: “Xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng hữu cơ, sử dụng công nghệ sinh học thay thế thuốc kháng sinh và hóa chất”; “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất rau theo hướng hữu cơ và tổ chức sản xuất liên kết tại tỉnh Nam Định”; “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất probiotic – đa enzyme và ứng dụng bổ sung trong thức ăn nuôi thủy sản, xử lý môi trường nuôi nhằm tăng hiệu quả kinh tế và đảm bảo tính bền vững tại tỉnh Nam Định”.
Các nhiệm vụ KHCN trong lĩnh vực tài nguyên và bảo vệ môi trường tập trung vào các vấn đề cấp thiết nhằm ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường do hoạt động của con người và tác động của tự nhiên gây ra, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học. Tiêu biểu như các nhiệm vụ xây dựng mô hình khôi phục rừng ngập mặn bằng các loại cây có khả năng thích nghi tốt hơn (bần chua, bần không cánh) tại Vườn quốc gia Xuân Thủy; nghiên cứu đánh giá ô nhiễm làng nghề cơ khí và xây dựng mô hình thí điểm hệ thống xử lý nước thải làng nghề tại xã Xuân Tiến (Xuân Trường).
Công tác thẩm định công nghệ của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm túc theo quy định, góp phần hạn chế tình trạng sử dụng các công nghệ lạc hậu, công nghệ cấm chuyển giao và hệ thống thiết bị máy móc lỗi thời, lạc hậu trong các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, phòng ngừa tình trạng nhập “rác công nghệ”, gây thiệt hại nhiều mặt cho kinh tế – xã hội của tỉnh.
Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ cho 47 lượt dự án đầu tư; trong đó có các dự án có sử dụng công nghệ phức tạp. Trong đó, tổ chức thẩm định công nghệ của 3 dự án ngay trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư (Nhà máy điện rác Greenity Nam Định; Dự án Nhà máy Thép Xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định; Nhà máy Thép Xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng).
Đồng thời tham gia ý kiến về công nghệ cho các dự án đầu tư: Dự án Tổng kho xăng dầu Trường An của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư phát triển Trường An; Dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp làng nghề Hải Vân (Hải Hậu); Dự án xây dựng Nhà máy thực phẩm công nghệ cao tại xã Hiển Khánh (Vụ Bản); phương án xử lý nước thải dự án mở rộng công suất của nhà máy xử lý nước thải Khu công nghiệp Bảo Minh; phương án xử lý trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp Hòa Xá.
Hiện nay, các thiết bị bức xạ ngày càng được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực công nghiệp, y tế nhằm nâng cao hiệu quả song cũng tiềm ẩn những nguy hại cho sức khỏe con người nếu không được sử dụng đúng cách, thực hiện đúng các quy tắc về đảm bảo an toàn bức xạ. Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức quản lý chặt chẽ 81 cơ sở có sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế.
Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ 36 doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, chứng nhận sản xuất phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn quốc gia; hướng dẫn 60 doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, 15 doanh nghiệp công bố sản phẩm phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, 10 sản phẩm phù hợp Tiêu chuẩn quốc gia. Việc xây dựng và thực hiện các tiêu chuẩn “xanh”, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh.