Theo ước tính, ngành xây dựng đóng góp khoảng 11% lượng phát thải CO2 trên toàn cầu. Làm cách nào để giảm phát thải là thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp (DN) vật liệu xây dựng (VLXD) hiện nay.
Thách thức từ ba bài toán khó
Theo ước tính của Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), hiện Việt Nam có khoảng 150.000 nhà thầu xây dựng, trong đó có khoảng 2.000 nhà thầu cỡ lớn và vừa. Số lượng kỹ sư xây dựng ước tính khoảng 9.000 kỹ sư/ triệu dân, gấp 3 lần so với mức bình quân thế giới. Bên cạnh đó, mỗi năm có từ 40-50% nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng, ước đạt 4-5 tỷ USD/năm. Điều đó cho thấy ngành xây dựng ở nước ta đang ngày càng phát triển. Tuy nhiên, mặt trái là lượng phát thải carbon luôn ở mức cao.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tổng lượng khí thải CO2 toàn thế giới vào năm 2022 đạt mức 40,6 tỷ tấn, một con số kỷ lục và vẫn đang leo thang. Trong đó có phần “đóng góp” không hề nhỏ của ngành xây dựng, cụ thể là từ các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Nổi bật, ngành sản xuất xi măng không những thải ra CO2 mà còn tạo ra lượng chất thải rắn cao ngất ngưởng.
Thực trạng trên đã đặt ra cho các DN sản xuất vật liệu xây dựng 3 bài toán khó. Bài toán đầu tiên là làm sao đo lường chính xác lượng phát thải khí cacbon của từng nhà máy, từ đó xác lập lộ trình giảm thiểu lượng phát thải cacbon theo yêu cầu của Chính phủ. Bài toán tiếp theo là lựa chọn công nghệ, dây chuyền sản xuất phù hợp, phát triển các dải sản phẩm DN. Cuối cùng, bài toán thách thức nhất chính là theo kịp lộ trình giảm phát thải 2030 – 2050, hiện thực hóa cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 của Việt Nam, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.
Lời giải từ góc nhìn người trong cuộc
Trong cuộc cách mạng xanh hóa nền kinh tế, nhiều sáng kiến giảm phát thải carbon của DN Việt Nam đã được hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như “Chương trình Thúc đẩy tài chính khí hậu” (CFA) của Chính phủ Anh trị giá 11.8 triệu bảng Anh. 9 dự án được chọn thuộc các lĩnh vực năng lượng tái tạo, sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả, vận tải điện, AFOLU (nông nghiệp, lâm nghiệp và các hình thức sử dụng đất khác), phi cacbon hóa trong ngành xây dựng, kinh tế tuần hoàn, quản lý chất thải… Tất cả đều được đánh giá có tiềm năng mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng trên khắp cả nước.
Tổng giám đốc Sika Việt Nam, ông Jacobo Perez Polaino, cho biết: “Một trong ba giá trị cốt lõi mà công ty hướng đến chính là cam kết bền vững. Chúng tôi ý thức tầm quan trọng của mô hình sản xuất “xanh” trong bối cảnh hiện nay. Đây là một mục tiêu mang tính dài hạn, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đưa ra lộ trình cụ thể.”
Cũng theo ông Jacobo Perez Polaino, lộ trình giảm phát thải carbon của Sika Việt Nam gồm 5 cụm mục chính yếu. Đầu tiên là tập trung vào nền tảng chuyên môn, xây dựng năng lực nghiên cứu-phát triển các giải pháp giúp cải thiện hiệu quả, tăng tính tuần hoàn của vật liệu. Hai là tăng cường thay thế bằng các nguyên liệu cung cấp carbon thấp. Ba là tiếp tục duy trì hiệu suất hoạt động của vật liệu, đảm bảo đầu ra các giải pháp chất lượng. Bốn là tập trung xây dựng mối quan hệ với các nhà cung cấp, đối tác có cùng mục tiêu giảm phát thải cacbon. Cuối cùng là tiếp tục phát huy tiềm năng, phát triển các giải pháp sáng tạo mới cho xây dựng và công nghiệp. Trong tương lai, với mô hình 5 mục tiêu này, doanh nghiệp có thể sẵn sàng tâm thế chuyển đổi từ “sản xuất nâu” sang “sản xuất xanh”.
Ngoài việc đề ra mục tiêu, DN còn cần lên kế hoạch thực tế qua những hành động, sản phẩm cụ thể. Đơn cử, Sika đã giới thiệu ra thị trường các sản phẩm Sika MonoTop® R, Sikadur®-31+, Sikagard®-5500, SikaGrout-800,… với những đặc tính nổi bật như giảm lượng khí thải carbon, giảm hàm lượng OPC, lượng khí thải VOC rất thấp,… Nhờ đó đã gặt hái nhiều kết quả cụ thể như: Giảm 6.9% lượng khí CO2 trên mỗi tấn bán ra, giảm 3.3% chất thải trên mỗi tấn bán ra, giảm 6.1% lượng nước tiêu thụ trên mỗi tấn bán ra, 53.666 người hưởng lợi trực tiếp từ chương trình Gắn kết cộng đồng,…
“Phát triển xanh đặt ra nhiều thách thức cho cả DN và Chính phủ. Nhưng với một số DN có đâu tư bài bản và tầm nhìn như Sika Việt Nam thì đây là cơ hội để tạo lợi thế cạnh tranh và hướng đến mục tiêu ý nghĩa. Nếu các DN khác cũng có chung tầm nhìn, ngành xây dựng có thể hỗ trợ đắc lực cho chiến lược tăng trưởng xanh của Chính phủ Việt Nam”, ông Jacobo chia sẻ.
Theo Tạp chí TTV