Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) với lợi thế về kinh nghiệm xây dựng các công trình trên biển sẽ có những đóng góp rất lớn trong việc phát triển các dự án về điện gió ngoài khơi, góp phần đa dạng hóa nguồn năng lượng tái tạo, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong tương lai.
Với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính để giảm thiểu các tác động biến đổi khí hậu trên toàn cầu đang cho thấy những chuyển biến rõ nét từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh, sạch hơn. Cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam tại COP26 là cơ hội chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững, nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với các tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam, trong đó có Petrovietnam.
Để có thể phát triển điện gió ngoài khơi quy mô lớn, các doanh nghiệp dầu khí đóng vai trò hết sức quan trọng. Với kinh nghiệm triển khai các dự án dầu khí ngoài khơi (chia sẻ chuỗi cung ứng và công nghệ), sự hợp lực giữa 2 ngành công nghiệp (dầu khí và điện gió ngoài khơi) sẽ đóng góp rất lớn cho các nhà phát triển nguồn điện tái tạo này.
Từ năm 2019, Petrovietnam đã tập trung đánh giá, nghiên cứu vấn đề dịch chuyển năng lượng để điều chỉnh, bắt kịp các xu hướng, tận dụng tối đa thế mạnh, trong đó định hướng xu hướng dịch chuyển sang năng lượng xanh thông qua nâng cao tỷ trọng khí, sản xuất Hydrogen và phát triển điện gió ngoài khơi.
Đón sóng dịch chuyển năng lượng
Là doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực khai thác dầu khí với địa điểm hoạt động trên biển là chính, Petrovietnam và các đơn vị thành viên được cho là có lợi thế nhất tại Việt Nam khi thực hiện các công trình trên biển từ nhiều khía cạnh, như nhân lực, chế tạo, vận hành và cả an ninh – quốc phòng.
Bởi vậy, phát huy lợi thế sẵn có để tham gia chuỗi cung ứng và phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thiết bị, giảm giá thành sản xuất điện nhằm tạo tiền đề phát triển năng lượng hydro trong tương lai mà Petrovietnam đặt ra được cho là hướng đi tích cực và phù hợp.
Trong nhiều năm qua, Petrovietnam đã chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống năng lượng quốc gia. Cụ thể, trong giai đoạn 2010 – 2020, nguồn cung năng lượng sơ cấp của Petrovietnam chiếm trung bình 25 – 27% trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp Việt Nam, tỷ trọng nguồn năng lượng cuối cùng của Petrovietnam trong tổng nguồn năng lượng cuối cùng Việt Nam chiếm trung bình 18 – 27%.
Đặc biệt, cùng với lịch sử phát triển ngành dầu khí, Petrovietnam đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại, với đội ngũ nhân lực chất lượng rất cao để có thể làm chủ đầu tư, tổng thầu tư vấn, thiết kế, mua sắm thiết bị, xây dựng, lắp đặt (EPCI), nhà thầu cung cấp các dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao, phục vụ các dự án ngoài khơi tại Việt Nam, cũng như trên thế giới.
Với hệ thống hạ tầng, nhà xưởng, kho bãi, thiết bị vận chuyển, thi công được trang bị đầy đủ, có tính tự động hóa cao. Petrovietnam và các đơn vị thành viên luôn được các khách hàng tin tưởng lựa chọn, giao tổng thầu EPC cho các dự án lớn ngoài khơi và cả trên bờ.
Với hạ tầng, cơ sở vật chất cho các dự án dầu khí ngoài khơi đã có, có thể coi đây là thế mạnh của Việt Nam trong việc phát triển điện gió ngoài khơi, cũng như thế mạnh của Petrovietnam nói riêng đóng góp cho ngành công nghiệp này, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa, tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có của các đơn vị trong nước, tránh lãng phí đầu tư nguồn lực, thậm chí còn có thể xuất khẩu dịch vụ sang các nước trong khu vực. Cụ thể như:
Thứ nhất: Cảng và khu vực bãi chế tạo: Petrovietnam đang quản lý và vận hành hệ thống gồm các cảng dịch vụ trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam với tổng diện tích gần 400 ha như: Cảng PTSC Đình Vũ (15,2 ha), cảng Nghi Sơn (35 ha), cảng Hòn La (8,8 ha), cảng Sơn Trà (10 ha), cảng Dung Quất (4,2 ha), cảng tổng hợp Phú Mỹ (26,5 ha), cảng Sao Mai – Bến Đình (163 ha), cảng Vietsovpetro (32ha), cảng hạ lưu Vũng Tàu (82,2 ha), cảng PVShipyard (23ha)… và các cảng chuyên dụng khác.
Trong đó, một số cảng có khả năng tiếp nhận tàu lên đến 70.000 DWT (như cảng Dung Quất, cảng Nghi Sơn), công suất mỗi bãi chế tạo mỗi năm từ 20 – 50 nghìn tấn kết cấu (như cảng Vietsovpetro, cảng PTSC, cảng PVC-MS). Do đó, việc PVN tham gia vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi của Việt Nam sẽ tận dụng tối đa hạ tầng công nghiệp đã đầu tư, tránh lãng phí nguồn lực của đất nước.
Thứ hai: Nhà xưởng và trang thiết bị chế tạo trên bờ: Dịch vụ cơ khí chế tạo và xây lắp công trình biển là một trong số những loại hình dịch vụ quan trọng đối với các dự án ngoài khơi. Petrovietnam hiện đang sở hữu các khu căn cứ thi công chế tạo công trình dầu khí tại Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Thanh Hóa với điều kiện cơ sở vật chất, cảng bãi, kho hàng, thiết bị cẩu kéo, thiết bị nâng hạ và các máy móc thiết bị cơ sở khác… Các cơ sở này hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu cho các dự án điện gió ngoài khơi.
Thứ ba: Phương tiện thi công biển: Các đơn vị của Petrovietnamnhư: PTSC, Vietsovpetro, PVTrans… hiện đang sở hữu, quản lý đội tàu dịch vụ gần 100 chiếc, đa dạng về công suất và chủng loại (như tàu cẩu 1200/600 tấn, tàu kéo, thả neo, xà lan vận chuyển, tàu định vị động học DP, tàu hỗ trợ lặn khảo sát, tàu chống cháy, tàu trực mỏ, tàu bảo vệ…) được vận hành hoàn toàn bởi đội ngũ thuyền viên Việt Nam có năng lực, giàu kinh nghiệm có thể đáp ứng tốt các dự án điện gió ngoài khơi.
Thế mạnh của Petrovietnam trong chuỗi cung ứng cho điện gió ngoài khơi ở Việt Nam
Thứ nhất, trong giai đoạn khởi động, khảo sát, Petrovietnam là doanh nghiệp duy nhất ở Việt Nam có các dữ liệu địa chất đáy biển quốc gia được thu thập và lưu trữ trong quá trình khảo sát, tìm kiếm, thăm dò dầu khí. Petrovietnam có năng lực cần thiết để cung cấp các dịch vụ khảo sát (khảo sát đáy biển, khảo sát kỹ thuật vật lý…) là các hạng mục công việc thực hiện thường xuyên trong hoạt động dầu khí và nghiên cứu tiền khả thi dự án điện gió ngoài khơi.
Thứ hai trong giai đoạn xây dựng, lắp đặt nhà máy điện gió ngoài khơi. Petrovietnam với đội ngũ thiết kế dồi dào, chuyên nghiệp được đào tạo chính quy thuộc các lĩnh vực kết cấu công trình, điện… được trang bị các phần mềm chuyên dụng có bản quyền, Petrovietnam đã và đang thực hiện toàn bộ các giai đoạn thiết kế từ công tác soạn thảo phương án, thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết, thiết kế thi công cho các công trình khai thác trên biển và hoàn toàn có thể đảm nhận các hạng mục thiết kế cho các dự án điện gió ngoài khơi.
Với năng lực về phương tiện nổi, trang thiết bị thi công và đội ngũ nhân lực giàu kinh nghiệm, Petrovietnam đã khẳng định được vị trí hàng đầu của mình trong lĩnh vực vận chuyển, lắp đặt các kết cấu, công trình ngoài khơi.
Thứ ba trong giai đoạn vận hành và bảo dưỡng (O&M) nhà máy điện gió. Petrovietnam có thế mạnh về cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực và bề dày kinh nghiệm, gần 40 năm trong vận hành, bảo dưỡng các công trình điện, cũng như dầu khí biển như: Cơ sở cảng dịch vụ dầu khí, đội ngũ tàu hỗ trợ vận hành trên biển, cơ sở sửa chữa bảo dưỡng trên bờ và nhân lực chất lượng cao đã phục vụ O&M cho các công trình dầu khí có tính chất tương đương điện gió ngoài khơi.
Điện gió là một lĩnh vực hết sức mới và là xu thế của thế giới về phát triển năng lượng tái tạo. Ngành Dầu khí Việt Nam có những chiến lược cụ thể hơn về phát triển nguồn năng lượng này, không nên chậm trễ khai thác mà bỏ lỡ một nguồn năng lượng vô cùng tiềm năng.
Theo Môi trường & Cuộc sống