31/08/2024

Phát triển bền vững TPHCM “nhìn từ tương lai”

TPHCM vừa tổ chức hội thảo tham vấn định hướng phát triển kinh tế – xã hội TPHCM giai đoạn 2026-2030. Trong nhiều diễn đàn trước đó, từ nghị trường Quốc hội, các phiên họp của các cấp lãnh đạo cho tới các hội thảo, hội nghị học thuật khác đều quan tâm đến việc giải quyết các vấn đề, điểm nghẽn và tìm kiếm các giải pháp phát triển bền vững, toàn diện TPHCM.

TPHCM cần thêm nhiều cơ chế để phát triển đột phá Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới

TPHCM mang sứ mệnh là đầu tàu kinh tế của cả nước, song với độ nhạy cảm cao với tình hình kinh tế thế giới, TPHCM đối mặt nhiều rủi ro, thách thức trước những tác động từ các vấn đề kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh đó, chính quyền TPHCM đã nỗ lực đưa ra những chính sách kịp thời, hiệu quả, nhưng thực tế vẫn còn những bức bách, chật hẹp trong không gian pháp lý để quản lý và phát triển.

Nguyên nhân đã được chỉ ra, nhưng đặc biệt cần thẳng thắn nhìn nhận là, cũng như các địa phương khác, quá trình quản lý, phát triển TPHCM đang trong giai đoạn đòi hỏi chuyển đổi về mọi mặt, kể cả đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu của bối cảnh phát triển. Cùng với đó là cần đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng; đổi mới trong quy hoạch, tổ chức phát triển kinh tế – xã hội… để phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong tư duy và phương thức vận hành còn chậm chuyển đổi, thậm chí xuất hiện những xung đột cục bộ, nhất là trong tổ chức chính quyền đô thị.

Ngoài ra, những xung đột pháp lý, xung đột trách nhiệm và đảm bảo nguồn lực thực hiện vẫn chưa được giải quyết triệt để. Có thể nhận thấy thực tế này ở các dự án, chiến lược phát triển lớn của thành phố, như Khu đô thị Thủ Thiêm, thu hút FDI thế hệ mới, Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM, Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…

Mặc dù đã có nhiều quan tâm về mặt cơ chế, chính sách cùng với những chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức, hoạt động của chính quyền TPHCM, nhưng không gian chính sách cùng các quy trình thực thi công vụ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới thực chất, đồng bộ, toàn diện hoạt động, để kết quả đó trở thành nguồn lực quan trọng, hòa chung các nguồn lực khác thúc đẩy sự phát triển bền vững TPHCM.

Tích hợp, hình thành khung pháp lý bền vững

Như quan điểm của TS Trần Du Lịch (Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia), TPHCM không thể phát triển được nếu tiếp tục tư duy theo lối cũ. Có lẽ, phát triển đồng bộ, toàn diện TPHCM trong thời gian tới cần sự đổi mới đồng bộ, quyết liệt hơn nữa, với cách tiếp cận khác. Từ sứ mệnh, mục tiêu và vai trò của TPHCM như đã nêu ở trên, cần định hình thể chế, chính sách quản lý, tổ chức phát triển TPHCM. Bên cạnh đó, tư duy và phương thức vận hành cũng cần được đổi mới, thực tiễn hơn.

Nên chăng, cần nhìn nhận TPHCM là lực lượng nhận lãnh sứ mệnh tiên phong thí điểm các cơ chế, chính sách cho cả nước. Nhiệm vụ này tựa như đặt ra yêu cầu TPHCM đột phá trong đổi mới mô hình tăng trưởng, “tích cực tạo ra và định hình thị trường mới”, tận dụng các cơ hội của thời đại để phát triển, tiên phong mở cửa cùng với cả nước tiến vào tương lai. Trên quan điểm đó, TPHCM cần được quan tâm, đầu tư với sự khác biệt, khác với cách tiếp cận, nhìn nhận như một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cụ thể là, cần đảm bảo cho TPHCM không gian pháp lý phù hợp hơn, trong đó, đảm bảo những quyền cốt lõi của chính quyền và cư dân thành phố trong tổ chức phát triển đô thị, huy động nguồn lực phát triển đô thị; thẩm quyền của chính quyền thành phố trong ban hành, thực hiện các cơ chế, chính sách, mô hình quản lý để kịp thời quản lý, phát triển đô thị.

TPHCM cũng cần một khung pháp lý toàn diện hơn, thay vì hàng loạt cơ chế, chính sách mang tính xin – cho, “cơi nới”, thiếu đồng bộ, ổn định và bền vững như hiện nay. Đã đến lúc cần một văn bản luật (Luật Đô thị TPHCM) để tích hợp các cơ chế, chính sách phát triển thành phố hiện nay cùng với các cơ chế, chính sách khác hình thành khung pháp lý bền vững; hình thành cơ chế nội sinh để bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách trên cơ sở phát huy vai trò, tính chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trong quản lý, phát triển đô thị.

Nền công vụ thành phố cũng nhận lãnh những nhiệm vụ, sứ mệnh mới, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức, viên chức có những phẩm chất, năng lực và kỹ năng tác nghiệp phù hợp. Các tiếp cận này đòi hỏi phải đổi mới đồng bộ từ tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ và chuẩn hóa phương thức tác nghiệp của toàn hệ thống. Đồng bộ trong triển khai quy hoạch phát triển với phát triển không gian đô thị; ưu tiên và thực hiện quyết liệt các giải pháp để đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng, trong đó chú trọng hai lợi thế của thành phố là vị trí trung tâm và nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với việc đảm bảo kết nối thị trường; huy động và khai thác các nguồn lực xã hội để phát triển. TPHCM nên có cơ chế, nguồn lực (quỹ riêng) và các giải pháp mạnh để đầu tư, hỗ trợ đầu tư phát triển các lĩnh vực mới, tiềm ẩn rủi ro cao…

Theo Sài Gòn Giải phóng

Bài viết liên quan

Tác động xanh 3P
Doanh nghiệp bất kể mô hình đều bắt đầu từ yếu tố con người và cuối cùng là phục vụ...