12/08/2024

Phát triển khu công nghiệp sinh thái: Cần thêm “cú hích” về cơ chế

Trước thực tế còn nhiều thách thức, theo chuyên gia, cần có thêm “cú hích” về cơ chế để thúc đẩy quá trình “chuyển hóa”, cũng như phát triển khu công nghiệp sinh thái.

Tại Việt Nam, xu thế phát triển khu công nghiệp xanh hoặc khu công nghiệp sinh thái và thúc đẩy sản xuất sạch hơn đang trên đà phát triển. Một chuyển biến khá rõ nét thời gian qua đó là Việt Nam ngày càng có nhiều dự án khu công nghiệp xanh. Cụ thể, Việt Nam đang có khoảng 150 dự án nhận được chứng chỉ LEED, trong đó 67% là các dự án bất động sản công nghiệp, tập trung tại phân khúc kho xưởng xây sẵn và nhà máy sản xuất.

Việt Nam đang có khoảng 150 dự án nhận được chứng chỉ LEED, trong đó 67% là các dự án bất động sản công nghiệp – Ảnh minh họa: ITN

Mô hình khu công nghiệp sinh thái được coi là giải pháp không chỉ khắc phục được những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, giảm chất thải, giảm lãng phí tài nguyên, giảm thiểu rủi ro, mà còn thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tăng khả năng cạnh tranh. Các lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường thu được từ khu công nghiệp sinh thái là đáng kể, đa dạng và vượt xa các lợi ích kinh doanh thông thường.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển các khu công nghiệp sinh thái, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Nghị định số 35/2022/ND-CP quy định việc quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế. Nghị định này đưa ra các hướng dẫn về phát triển khu công nghiệp sinh thái trên phạm vi cả nước.

Nhìn chung, định hướng phát triển các khu công nghiệp sinh thái và sản xuất sạch hơn phù hợp với các mục tiêu bền vững toàn cầu đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia có trách nhiệm và có tư duy tiến bộ trong phát triển công nghiệp.

Dù đang được quan tâm phát triển, nhưng quá trình chuyển hóa này còn tồn tại không ít khó khăn, thách thức, theo các chuyên gia, vẫn cần có thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, đột phá hơn để có thể “chuyển hóa” từ mong muốn trở thành những dự án khu công nghiệp xanh hiện hữu.

Theo chuyên gia, cần có những cú huých về cơ chế để thúc đẩy quá trình “chuyển hóa”, cũng như phát triển khu công nghiệp sinh thái – Ảnh minh họa: ITN

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Tiếp thị kinh doanh Công ty cổ phần Long Hậu cho biết, tại Việt Nam, việc phát triển khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái mới chỉ ở giai đoạn đầu. Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn quản lý môi trường và phát thải, yếu tố quyết định thành công cho công cuộc xanh hóa phụ thuộc vào sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp.

“Hiện nay, xuất phát từ yêu cầu của khách hàng và yêu cầu của thị trường mục tiêu, một số doanh nghiệp sản xuất bắt đầu đầu tư để xanh hóa. Tuy vậy, đa phần các doanh nghiệp đều bối rối vì không biết phải thực hiện theo tiêu chuẩn nào, thực hiện ra sao, hiệu quả chuyển đổi xanh như thế nào. Do vậy, rất cần có thêm những chuẩn mực, hướng dẫn, khung tài chính phù hợp để sự chuyển đổi xanh được diễn ra rộng rãi và hiệu quả hơn”, ông Hiếu chia sẻ.

Bên cạnh đó, đại diện Long Hậu cho rằng, việc đầu tư phát triển khu công nghiệp hiện nay đòi hỏi nguồn vốn lớn và thời gian phát triển khá dài. Hơn nữa, khác với các loại hình bất động sản khác, tại giai đoạn phát triển dự án, nhà phát triển rất khó xác định trước khách thuê khu công nghiệp là ai.

Do đó, để có thể cổ vũ hơn nữa phong trào “xanh hóa” các khu công nghiệp, các nhà phát triển khu công nghiệp cần cơ chế thuận lợi để rút ngắn thời gian chuẩn bị và phát triển dự án, bên cạnh khung tài chính có tính hỗ trợ cho việc hình thành khu công nghiệp xanh.

Đồng quan điểm, ông Trương Khắc Nguyên Minh, Phó Tổng Giám đốc Khu công nghiệp Việt Nam nhận định, còn nhiều khía cạnh cần hoàn thiện, bổ sung để việc phát triển khu công nghiệp sinh thái được nhân rộng tại Việt Nam. Chẳng hạn cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ khung pháp lý, các văn bản hướng dẫn, đo lường và đánh giá hiệu quả. Đồng thời, các đơn vị phát triển bất động sản công nghiệp cũng cần thay đổi tư duy, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm và phân bổ nguồn lực, đầu tư nghiêm túc cho khía cạnh bền vững trong hoạt động sản xuất – kinh doanh.

“Nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp còn gặp khó khăn về pháp lý do sự thiếu đồng bộ giữa các văn bản pháp luật, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến môi trường. Các doanh nghiệp mong muốn có những văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng dành riêng cho khu công nghiệp sinh thái để làm căn cứ thực hiện, vận hành. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu cơ chế hỗ trợ riêng về tiền thuê đất, vốn tín dụng… để hỗ trợ các doanh nghiệp tự tin phát triển các khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái”, ông Minh nhấn mạnh.

Bên cạnh những vấn đề đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, để thực hiện các khu công nghiệp xanh, vai trò then chốt nằm ở hệ thống chính sách. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp là tiền đề để có được các khu công nghiệp xanh trong tương lai.

Những định hướng của Việt Nam về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, kinh tế số, cách mạng công nghiệp lần thứ 4… đang là cơ sở vững vàng cho phát triển khu công nghiệp xanh. Mục tiêu chiến lược quốc gia cũng như những cam kết của Việt Nam với quốc tế trong các vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững sẽ là động lực mạnh mẽ của phát triển hạ tầng công nghiệp xanh tại Việt Nam trong thời gian tới.

Theo Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Bài viết liên quan

Tác động xanh 3P
Doanh nghiệp bất kể mô hình đều bắt đầu từ yếu tố con người và cuối cùng là phục vụ...