Mặc dù ở Việt Nam đã bước đầu có những mô hình sinh thái, kinh tế tuần hoàn, nhưng còn rất khiêm tốn, nhỏ lẻ…
Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và thách thức của biến đổi khí hậu. Chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn đã trở thành ưu tiên mang tính chiến lược của Chính phủ để giải quyết các thách thức này.
Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, TS. Hà Huy Ngọc, Trưởng phòng Kinh tế vùng và địa phương, Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng để phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ về tín dụng xanh, có các dự án thành công mang tính tiên phong, dẫn dắt.
Chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu, khách quan, không thể đảo ngược và là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới nhằm phát triển thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Ông đánh giá thế nào về bức tranh nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hiện nay?
Thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2023 cho thấy trên thế giới ước tính có khoảng hơn 30 quốc gia/vùng lãnh thổ đã, đang và sẽ xây dựng các quy định, lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn dưới các tên gọi khác nhau.
Ở Việt Nam, từ nhiều năm trước đã xuất hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp như: Vườn- Ao- Chuồng (VAC), Vườn- Ao- Chuồng- Rừng (VACR), mô hình sinh khối…
Hiện nay, một số khu công nghiệp ở Việt Nam đã chuyển sang mô hình khu công nghiệp sinh thái hoặc doanh nghiệp đã áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn như: Coca Cola, La Vie, Nestlé, Unilever…
Có thể thấy, ở Việt Nam đã bước đầu có những mô hình sinh thái, kinh tế tuần hoàn, nhưng còn rất khiêm tốn, nhỏ lẻ.
Để chính sách kinh tế tuần hoàn đi vào thực tiễn cuộc sống cần thêm nhiều hơn những mẫu hình thành công, để tổng kết, đưa ra bài học kinh nghiệm cho các địa phương triển khai thực hiện.
Theo ông, đâu là những khó khăn thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn?
Điểm nghẽn trong phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hiện nay đó là nhận thức về khái niệm, nội hàm kinh tế tuần hoàn còn nhiều hạn chế, còn nhiều cách hiểu khác nhau, trong giới lãnh đạo, hoạch định chính sách và thực thi chính sách, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, hộ gia đình, người tiêu dùng.
Cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế tuần hoàn cũng còn nhiều hạn chế. Mặc dù nội dung kinh tế tuần hoàn đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, những chưa có hướng dẫn cụ thể cho địa phương, doanh nghiệp, hộ gia đình thực hiện. Cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội, thử nghiệm cho phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn chưa được ban hành.
Bên cạnh đó, còn nhiều khó khăn với các doanh nghiệp, khu công nghiệp khi thực hiện chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, khu công nghiệp sinh thái, trong việc tiếp cận các nguồn lực (đất đai, tín dụng, tài chính, hạ tầng, thuế…).
Theo tôi, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là việc chúng ta chưa có một quỹ hoặc nguồn vốn ưu đãi đối với các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.
Hiện nay, Chính phủ đang giao cho các bộ ngành phối hợp xây dựng danh mục phân loại xanh. Ttrên thế giới đã có khoảng 30 quốc gia đã ban hành danh mục phân loại xanh.
Tôi cho rằng trong thời gian tới khi danh mục phân loại xanh ở Việt Nam được ban hành sẽ tạo ra khuôn khổ, hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ được hưởng các ưu đãi về mặt tín dụng, cũng như các ưu đãi khác.
Theo ông, để thúc đẩy chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn trong các doanh nghiệp, cần tập trung những yếu tố, giải pháp gì?
Trong giai đoạn tới, muốn trở thành quốc gia tiên phong, mẫu hình trong chuyển đổi xanh, phát triển xanh, thì chủ thể thực hiện chính là doanh nghiệp và người dân. Nhà nước cần kiến tạo cơ chính sách tốt nhất, nguồn lực tốt nhất để doanh nghiệp và người dân thực hiện các dự án, mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng để các doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư quy có mô lớn, công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái. Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung ngay các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn còn chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, cần khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách cho phát triển doanh nghiệp dân tộc, vì lợi ích và sự phát triển của dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, công nghệ mới, có lợi thế cạnh tranh và khả năng dẫn dắt.
Trong đó cần tập trung vào các chính sách: Hỗ trợ tiếp cận các yếu tố đầu vào của sản xuất (như vốn, đất đai, nhân lực chất lượng cao, R&D) và các yếu tố đầu ra (như thị trường, thương hiệu); hỗ trợ xây dựng hạ tầng, chuyển đổi công nghệ, thị trường ở khu vực công (ưu tiên sản phẩm xanh, tuần hoàn)…
Cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Chính phủ cần nghiên cứu các gói chính sách hỗ trợ quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy đầu tư các động lực tăng trưởng mới của quốc gia.
Ngoài ra, theo tôi cần các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công- tư (PPP), trong đó đầu tư của nhà nước mang tính dẫn dắt, kích hoạt các nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân để cùng tham gia đầu tư vào xây dựng các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp tuần hoàn, hoặc hỗ trợ các địa phương chuyển đổi các khu công nghiệp hiện nay…
Để đưa các chính sách liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn vào dòng chảy cuộc sống, cần nhanh chóng ban hành cơ chế thử nghiệm cho ngành và lĩnh vực này nhằm thúc đẩy, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp sớm thử nghiệm các ý tưởng, sáng kiến kinh tế tuần hoàn, đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh, phục hồi xanh ở Việt Nam…
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trình Chính phủ phê duyệt. Theo ông, quy định này được ban hành sẽ góp phần thế nào cho phát triển các mô hình, dự án kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam?
Hiện nay, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) ở một số lĩnh vực đang được triển khai xây dựng như lĩnh vực tài chính ngân hàng. Việc xây dựng cơ chế thử nghiệm trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn là rất cần thiết.
Tôi cho rằng Việt Nam có thể thử nghiệm có kiểm soát ở một số ngành nghề, khu vực có tiềm năng và một số địa phương nhất định. Điều này sẽ tạo tiền đề, xây dựng các mẫu hình tốt, thành công, hiệu quả để nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn cho các doanh nghiệp và địa phương khác trên cả nước.
Thưa ông, nguồn vốn có phải là yếu tố quyết định trong triển khai nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam không, thưa ông?
Tôi cho rằng vốn là một yếu tố quan trọng nhưng trong phát triển kinh tế tuần hoàn còn cần nhiều yếu tố quan trọng khác trong đó có thị trường. Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hàng hóa theo nhu cầu của thị trường và tâm lý, hành vi người tiêu dùng. Nếu doanh nghiệp sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa mà thị trường không cần, người tiêu dùng không sử dụng thì không thể phát triển.
Trước xu hướng tiêu dùng xanh, thân thiện môi trường, khi người tiêu dùng và thị trường yêu cầu sẽ tạo thành áp lực với các doanh nghiệp phải chuyển đổi. Như vậy, bên cạnh nguồn vốn, thi thị trường là yếu tố quyết định sự sống còn với mỗi chiến lược chuyển đổi, phát triển kinh doanh của doanh nghiệp.