Sáng 26/11, tại Hà Nội, báo Điện tử VOV đã phối hợp với các đơn vị tổ chức “Diễn đàn kinh tế xanh: phát triển kinh tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu”.
Chương trình có sự đồng hành của các đơn vị: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex, Tổng Công ty điện lực thành phố Hồ Chí Minh (EVNHCMC), Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (Pjico).
Diễn đàn được tổ chức với mong muốn là nơi để các nhà lãnh đạo, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng cùng thảo luận, trao đổi thông tin và đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân dân, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa cũng như những thách thức khó khăn, vướng mắc, đồng thời đưa ra những cơ hội, chính sách mới trong phát triển kinh tế xanh bền vững gắn với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: VOV |
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Tổng giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng cho rằng, trong thời gian gần đây cả hệ thống chính trị đang bàn rất nhiều về những công việc cần chuẩn bị cho kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam – kỷ nguyên vươn mình, được tính từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14.
Phó Tổng Giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: VOV |
“Chúng tôi hiểu rằng, để đạt được những thành tựu phát triển xứng đáng với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đòi hỏi mỗi cá nhân, tổ chức cần có những cố gắng vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực, cũng như cần những ý kiến góp ý rất trí tuệ, tâm huyết với sự phát triển của đất nước để giúp các nhà quản lý có các chính sách đúng đắn đóng góp vào sự phát triển mới.
Khái niệm về kinh tế xanh không còn quá mới, đã được nói đến rất nhiều, nhưng trong xã hội, dư luận, hiểu thế nào về kinh tế xanh cũng là một câu hỏi hay quan hệ giữa kinh tế xanh với phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn ra sao cũng là vấn đề đáng bàn”, ông Phạm Mạnh Hùng nói.
Theo ông Phạm Mạnh Hùng, để phát triển một nền kinh tế hiện đại cần dựa vào rất nhiều các yếu tố trong đó có quản trị hiện đại, hạ tầng hiện đại thông minh, nền kinh tế sử dụng bền vững tiết kiệm tài nguyên, không ảnh hưởng đến môi trường. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản về phát triển kinh tế chính sách về phát triển kinh tế xanh, nhưng để thực hiện hiệu quả cần những hành động cụ thể, rất quyết liệt, cũng như những chính sách hoàn toàn mới, mang tính đột phá.
Theo UNEP (Chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc), kinh tế xanh được định nghĩa là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái. Một nền kinh tế xanh có thể được coi là một nền kinh tế có lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bao trùm xã hội.
Các diễn giả trình bày tại diễn đàn. Ảnh: VOV |
Ở Việt Nam, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm trong thời gian qua, đang là hướng đi tích cực nhằm giảm thiểu những tác động rủi ro của biến đổi khí hậu.
Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó khẳng định: “Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu”.
Ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, đề ra mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hoà các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế xanh hướng đến sự ổn định, bền vững, thịnh vượng của đất nước, trong đó nêu rõ: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.