08/09/2024

Phát triển kinh tế xanh, ứng phó biến đổi khí hậu: Tín chỉ carbon là xu thế tất yếu

Việt Nam quyết tâm mạnh mẽ trong công cuộc ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới một tương lai phát triển bền vững. (Ảnh minh họa)

Tín chỉ carbon là xu thế tất yếu trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những thách thức khắc nghiệt từ biến đổi khí hậu. Việc áp dụng tín chỉ carbon không chỉ giúp các quốc gia giảm thiểu tác động tiêu cực của khí nhà kính mà còn tạo ra cơ hội phát triển kinh tế xanh, nâng cao vị thế quốc gia trong thực hiện các cam kết quốc tế.

Công cụ chiến lược cho tăng trưởng xanh

Các chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam trong thập kỷ qua chú trọng đến các vấn đề trọng tâm như thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Theo đó, cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 đã góp phần nâng tầm vị thế quốc gia trên trường quốc tế, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam đối với công cuộc ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới một tương lai phát triển bền vững.

Để hiện thực hoá những mục tiêu này, một trong những giải pháp quan trọng được Đảng và Nhà nước quan tâm trong những năm gần đây là thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển thị trường giao dịch tín chỉ carbon. Việc phát triển thị trường tín chỉ carbon không chỉ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính mà còn mở ra cơ hội hợp tác quốc tế. Việt Nam có thể tham gia các thị trường tín chỉ carbon quốc tế như EU ETS (Hệ thống Giao dịch Phát thải của Liên minh Châu Âu) và thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài vào các dự án giảm phát thải tại Việt Nam.

Từ năm 2013, tại Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã đề cập tới việc “phát triển thị trường trao đổi tín chỉ carbon trong nước và tham gia thị trường carbon toàn cầu”. Tiếp đến, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng nêu rõ “nghiên cứu, xây dựng chính sách thuế carbon thích hợp đối với việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch”.

Về mặt pháp luật, năm 2014, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường đã có quy định phát triển thị trường carbon. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tiếp tục kế thừa, quy định cụ thể hơn về vấn đề này. Đặc biệt, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính tối thiểu của cả nước đến năm 2030 là 563,8 triệu tấn khí CO2 tương đương, nằm trong 10 lĩnh vực trọng tâm do 5 Bộ, ngành quản lý (Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg về danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, nêu rõ các ngành và doanh nghiệp cần kiểm kê và giảm phát thải. Danh mục này mới đây đã được cập nhật trong Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg ngày 13/08/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021, cũng nêu rõ mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, giảm phát thải khí nhà kính và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Theo đó, Chiến lược cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải “thành lập thị trường carbon hướng tới phát triển đồng bộ cơ chế trao đổi quyền phát thải theo cơ chế thị trường”.

Có thể thấy, thị trường tín chỉ carbon đã nổi lên như một giải pháp hiệu quả trong các chiến lược phát triển kinh tế xanh, bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu của nước ta. Dựa trên cơ sở của các văn bản và chính sách hiện hành, đến nay Việt Nam đã thiết lập nhiều quy định liên quan đến thị trường tín chỉ carbon, bao gồm định nghĩa về tín chỉ carbon, quy trình trao đổi, danh sách đối tượng tham gia, kế hoạch phát triển và thời gian triển khai thị trường carbon trong nước, cũng như cách xác nhận tín chỉ và hạn ngạch phát thải khí nhà kính có thể giao dịch.

Theo kế hoạch, việc thí điểm thị trường tín chỉ carbon sẽ bắt đầu từ năm 2025, việc hoàn thiện khung pháp lý được dự kiến vào năm 2027 và sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ chính thức đi vào hoạt động từ năm 2028. Hiện nay, Việt Nam đã chính thức triển khai các chính sách liên quan đến tín chỉ carbon, trong đó có việc thiết lập hệ thống quản lý và đăng ký tín chỉ carbon quốc gia.

Ứng phó biến đổi khí hậu bằng tín chỉ carbon

Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt và hạn hán ngày càng gia tăng về cường độ và tần suất, gây thiệt hại lớn về kinh tế và đời sống của người dân. Đáng chú ý, Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, đã khẳng định tín chỉ carbon có thể đóng góp không nhỏ trong cuộc chiến giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Chiến lược này nhấn mạnh phải hoàn thiện các quy định, quy trình, hướng dẫn kỹ thuật về giảm phát thải khí nhà kính, kiểm kê khí nhà kính, hệ thống đo đạc – báo cáo – thẩm định hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia, cấp ngành và cấp cơ sở. Đồng thời, Chiến lược cũng nêu rõ phải thể chế hóa mô hình phát triển carbon thấp, kinh tế tuần hoàn; áp dụng hiệu quả các công cụ định giá carbon, bao gồm thuế carbon, sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon, kết nối với thị trường khu vực và thế giới.

Trên thực tế nhiều năm qua, Việt Nam đã chứng kiến sự xuất hiện của tín chỉ carbon thông qua việc thực hiện các dự án Cơ chế Phát triển Sạch (CDM) theo Nghị định Thư Kyoto, khởi đầu từ năm 2008. Gần đây, nhiều dự án hợp tác với đối tác quốc tế đã được triển khai nhằm trao đổi tín chỉ phát thải. Một ví dụ cụ thể là việc Việt Nam đã thành công trong việc bán tín chỉ carbon từ rừng tại khu vực Bắc Trung Bộ (dự án (ERPA), thu về hơn 51 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới.

Khoản tiền này không chỉ góp phần bảo vệ rừng mà còn cải thiện sinh kế cho các cộng đồng dân cư sống gần rừng. Dự án này đã cho thấy rằng việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế có thể song hành nếu được thực hiện đúng cách. Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc áp dụng các phương pháp canh tác bền vững trong trồng lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long đã giúp giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính, đồng thời nâng cao năng suất và thu nhập cho nông dân. Đây cũng là một trong những ví dụ điển hình về cách tín chỉ carbon có thể đóng góp vào sự phát triển bền vững và giảm nghèo.

Nhìn chung, tín chỉ carbon không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là công cụ chiến lược giúp Việt Nam đối phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh, mở ra nhiều cơ hội kinh tế mới. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế trong việc xây dựng và triển khai các chính sách liên quan đến tín chỉ carbon. Trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và nâng cao nhận thức của doanh nghiệp để phát triển thị trường tín chỉ carbon hiệu quả và bền vững.

Thị trường tín chỉ carbon xuất hiện từ năm 1997, khi Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc được chính thức thông qua. Theo Nghị định này, các nền kinh tế còn dư thừa về quyền phát thải khí nhà kính được phép mua, bán hoặc cho các quốc gia khác quyền này. Đây là cơ sở làm xuất hiện trên thế giới một loại hàng hóa có nhu cầu giao dịch mới trên thị trường là các chứng chỉ liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính. Do CO2 là một loại khí nhà kính nên việc quy đổi tương đương liên quan đến khí nhà kính khác cho các giao dịch về phát thải khí nhà kính được gọi chung là mua/bán, trao đổi chứng chỉ carbon.

Tín chỉ carbon là một loại giấy phép cho phép các doanh nghiệp phát thải một lượng carbon nhất định và nếu họ phát thải ít hơn mức cho phép, họ có thể bán lượng tín chỉ dư thừa này trên thị trường. Ngược lại, các doanh nghiệp cần phát thải nhiều hơn mức cho phép sẽ phải mua tín chỉ từ các doanh nghiệp khác để bù đắp lượng phát thải của mình. Mục tiêu ra đời của tín chỉ carbon là để từng bước giảm phát thải khí nhà kính vào khí quyển.

Theo Báo Pháp luật.

Bài viết liên quan