18/11/2024

Phát triển ngành chế biến thực phẩm theo hướng bền vững

Ngành sản xuất chế biến thực phẩm chiếm 19,1% trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thể hiện tiềm năng phát triển lớn. Tuy nhiên, ngành vẫn đối mặt thách thức về chất lượng nguyên liệu, thiếu liên kết trong chuỗi giá trị. Muốn phát triển bền vững, theo các chuyên gia, ngành nên chú trọng đầu tư công nghệ tự động hóa, hệ thống quản lý chất lượng và nguồn nhân lực…

Cộng đồng doanh nghiệp chế biến thực phẩm vẫn chủ yếu ở quy mô nhỏ, chưa phát triển chuỗi, hạn chế về công nghệ số.

Ông Đặng Trần Thọ, Viện Khoa học và Công nghệ nhiệt lạnh, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho rằng công nghiệp thực phẩm có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Đảm nhiệm nhiều chức năng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người và sự phát triển kinh tế – xã hội.

Chỉ trong 8 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm 2024 tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023, đạt khoảng 3,2 triệu tỷ đồng, với nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,2%.

Ngành công nghiệp thực phẩm cung cấp nguồn thực phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng; nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông lâm, thủy, hải sản; cung cấp mặt hàng xuất khẩu (nông lâm, thủy hải sản…) đem nguồn thu ngoại tệ cho đất nước; đẩy mạnh sự phát triển các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, chăn nuôi, trồng trọt…

Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có lượng sản phẩm nông nghiệp và nguồn nguyên liệu dồi dào, rất thuận lợi cho việc cung ứng đầu vào cho hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm.

NHIỀU ĐIỂM NGHẼN TRONG PHÁT TRIỂN

Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam hơn 53 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 12 tỷ USD, tăng 43%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản đạt hơn 29 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ. Việt Nam đang trở thành một trong những nước có số mặt hàng xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới.

Song, số liệu thống kê cho thấy có đến 70-85% nông sản của Việt Nam xuất khẩu dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến thấp. Tình trạng được mùa mất giá vẫn diễn ra phổ biến, sản xuất manh mún, chất lượng của hàng nông sản chưa được đồng đều. Công nghệ chế biến lạc hậu, không đồng bộ, mẫu mã chưa hấp dẫn, giá thành sản xuất cao, dẫn đến cạnh tranh kém và bị ép giá trên thị trường quốc tế.

Cộng đồng doanh nghiệp chế biến thực phẩm vẫn chủ yếu ở quy mô nhỏ, chưa phát triển chuỗi, hạn chế về công nghệ số… Không những thế, các doanh nghiệp này còn gặp nhiều thách thức về phát triển thị trường và tiếp cận người tiêu dùng, cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Nguyên nhân được xác định là do ảnh hưởng từ lạm phát, xung đột quân sự kéo dài ở một số khu vực trên thế giới. Xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm tại một số thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU… đã khiến đơn hàng xuất khẩu giảm, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các doanh nghiệp. Ở thị trường nội địa, mặc dù doanh nghiệp đã triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, kết nối xúc tiến thương mại nhưng sức mua vẫn còn yếu, chỉ số tiêu thụ lương thực thực phẩm giảm.

Điểm nghẽn của ngành chế biến thực phẩm xoay quanh các vấn đề như: thiếu tự chủ về nguồn nguyên liệu và liên kết vùng nguyên liệu; thiếu hụt về số lượng và chất lượng người lao động; hạn chế về phát triển công nghệ và thiết bị. Bên cạnh đó, hệ thống logistics chưa hoàn thiện và hiệu quả. Các vấn đề về môi trường chưa được quan tâm. Rào cản về vốn, xu hướng dịch chuyển sang các tỉnh lân cận do diện tích đất thu hẹp và giá thuê đất.

Hơn nữa, 60% công nghệ bảo quản sau thu hoạch ở mức đơn giản, việc chế tạo máy móc, ứng dụng công nghệ bảo quản chưa có nhiều đơn vị đầu tư công nghệ. Việc ứng dụng các hệ thống bảo quản, quản lý nông sản phục vụ xuất khẩu công nghệ cao vẫn chưa nhiều.

Thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy, tổng sản lượng phế, phụ phẩm ngành nông nghiệp của nước ta là 156,8 triệu tấn; trong đó, phụ phẩm trồng trọt hơn 80 triệu tấn, chăn nuôi trên 60 triệu tấn, lâm nghiệp trên 5 triệu tấn, thủy sản hơn 1 triệu tấn… Trong khi đó, nghiên cứu của WWF (Quỹ Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên) đưa ra con số đáng chú ý, hệ thống lương thực, thực phẩm đã có những tác động đáng kể tới khí hậu và đa dạng sinh học, phát thải từ 27- 30% lượng khí thải nhà kính trên thế giới và 70% lượng nước ngọt được khai thác.

LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN VÙNG NGUYÊN LIỆU BỀN VỮNG

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, với xu hướng người tiêu dùng đề cao các sản phẩm có tính xanh bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam cũng liên tục chuyển mình theo hướng bền vững trên toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất.

Các xu hướng phát triển bền vững trong ngành cũng liên tục được cập nhật và phát triển, bao gồm các khía cạnh về an toàn thực phẩm, đảm bảo tính xanh bền vững trong việc sử dụng các nguồn nguyên liệu hữu cơ, tái sử dụng, tái chế chất thải hoặc sản phẩm dư thừa từ quá trình sản xuất cho đến những biện pháp hạn chế sử dụng nhựa và giảm bao bì nói chung.

“Đây rõ ràng là thách thức nhưng cũng nên nhìn nhận như cơ hội cho các nhà sản xuất, xuất khẩu thực phẩm của Việt Nam để thay đổi và phát triển”, bà Thắng nhấn mạnh. Đồng thời, bà Thắng cho rằng các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội để kết nối, tiếp cận khoa học và công nghệ tiên tiến từ các đối tác nước ngoài, từ đó thu hút đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm và đồ uống đầy tiềm năng.

Để phát triển bền vững ngành chế biến thực phẩm, đại diện Viện Khoa học và Công nghệ nhiệt lạnh nhấn mạnh đến việc tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, áp dụng công nghệ hiện đại trong chế biến và xây dựng chuỗi cung ứng bền vững; đồng thời, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nhà nước và các tổ chức nghiên cứu…

Phải đồng hành cùng nhau trong phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn tập trung trên cơ sở liên kết bền vững với cộng đồng doanh nghiệp ngành chế biến lương thực – thực phẩm. Bởi vùng nguyên liệu là điểm khởi đầu và nền tảng phát triển chuỗi cung ứng bền vững, đây cũng là khâu quan trọng đảm bảo chất lượng sản phẩm bằng sự minh bạch thông tin dữ liệu dựa trên cơ sở truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Mô hình nông nghiệp tuần hoàn là giải pháp hữu hiệu trong phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường và tái sử dụng chất thải chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả. Vì vậy ông Thọ khuyến nghị cần xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao hiện đại, bền vững thông qua đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ vào nuôi, trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp.

IoT – một thành tố đóng vai trò chủ chốt trong sản xuất, chế biến và thương mại. Các dự án IoT trong nông nghiệp công nghệ cao là vô cùng cấp thiết và Việt Nam cần phải có quy hoạch, điều chỉnh kịp thời, nếu thực sự muốn theo kịp thế giới về nông nghiệp nói chung, nông nghiệp công nghệ cao nói riêng, nhất là trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp công nghệ cao… có thể học hỏi kinh nghiệm từ Nhật Bản. Nước này đã có sự chuẩn bị cho công tác đào tạo nguồn nhân lực có năng lực quy hoạch, triển khai, thực hiện những dự án IoT cho mọi lĩnh vực bằng cách tạo ra một chuỗi văn bằng và chứng chỉ xác nhận năng lực của những chuyên gia IoT.

Từ góc độ chính sách, cần hoàn thiện thể chế hóa khung pháp lý, tạo thuận lợi cho việc kinh doanh, sản xuất trong điều kiện mới và những thay đổi trong thời đại công nghệ hóa, hiện đại hóa. Cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp về tín dụng, xúc tiến thương mại, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Mặt khác, xây dựng khu vực, trung tâm tập trung phát triển khoa học công nghệ làm đầu tàu, tăng cường đầu tư hợp tác nghiên cứu phát triển giữa doanh nghiệp và các trung tâm nghiên cứu, làm đầu mối chuyển giao công nghệ nhằm phát triển nguồn lực để phát triển sản phẩm và công nghệ trong sản xuất. Hỗ trợ nông nghiệp để đảm bảo nguồn cung theo hướng phát triển xanh và bền vững. Cải thiện các quy định, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo kịp với các tiêu chuẩn thế giới. Thiết kế hệ thống quản lý và kiểm soát chất lượng hiệu quả; tăng cường thúc đẩy thu hút đầu tư, các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, nguồn vốn…

Theo VnEconomy.

Bài viết liên quan