13/08/2024

Phát triển nguồn điện xanh: Thách thức lớn và giải pháp

Điện gió ngoài khơi và điện khí được đánh giá là những trụ cột quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh của Việt Nam trong những năm tới. Tuy nhiên, việc phát triển các nguồn điện này đang gặp không ít thách thức, khó khăn cần được tháo gỡ…

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8), đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW và đến năm 2050 đạt 70.000 – 91.500 MW. Đối với điện khí, tổng quy mô công suất các dự án được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.424 MW, đến năm 2050 dần chuyển sang sử dụng hydrogen. Công suất tăng thêm của hai loại hình năng lượng này đến năm 2030 sẽ chiếm khoảng 50% tổng công suất cần bổ sung, có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.

Nhằm đẩy mạnh quá trình phát triển điện khí và điện gió ngoài khơi, đóng góp vào việc thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050, cùng với Quy hoạch điện 8, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1009/QĐ-TTg ngày 31/8/2023 về Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi công bằng (JETP) và Quyết định 165/QĐ-TTg ngày 7/2/2024 về Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

PHÍA TRƯỚC CÒN NHỮNG KHÓ KHĂN LỚN

Đánh giá về tình hình đầu tư xây dựng thực tế, tại hội thảo “Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh: hiện trạng và giải pháp thực hiện” mới đây, TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, cho biết hiện tại đã có nhà máy nhiệt điện Ô Môn I đi vào khai thác, nhưng vẫn đang chạy bằng dầu và đang chờ nguồn khí đốt từ dự án khí lô B để có thể chuyển sang phát điện bằng khí đốt.

Bên cạnh đó, hai nhà máy nhiệt điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 với công suất 1.624 MW đang được xây dựng với tiến độ đạt 85%, dự kiến chạy thử vào cuối năm 2024. Trong thời gian tới, Việt Nam có kế hoạch triển khai 18 dự án nhiệt điện khí, trong đó, 9 dự án sử dụng nguồn khí khai thác trong nước và 9 dự án sử dụng khí LNG. Tổng công suất tăng thêm từ các dự án trên dự kiến là 16.400 MW.

Đối với điện gió ngoài khơi, tuy được quy hoạch công suất lên đến 6.000 MW vào năm 2030, nhưng hiện có một dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu đo đạc thông số. Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, việc thực hiện chuyển đổi năng lượng theo Quy hoạch điện 8 là một trong những khâu quyết định cho chuyển đổi xanh và hiện thực hóa cam kết Net Zero của Việt Nam.

Mặc dù đã có một số bước tiến, song các chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển điện khí và điện gió ngoài khơi.

Thách thức thứ nhất là cơ cấu và công nghệ của ngành năng lượng Việt Nam. Theo đó, việc phát triển điện khí để thay thế cho nhiệt điện than đòi hỏi phải thay đổi cấu trúc ngành điện của Việt Nam trong khoảng thời gian để đạt được mục tiêu mà Chính phủ đặt ra. Tuy nhiên, thời gian không còn nhiều, trong khi các dự án đã và đang được xây dựng chỉ chiếm một phần nhỏ công suất theo quy hoạch.

Nói về thách thức này, GS. Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách Khoa, cho biết do trình độ công nghệ chưa đủ phát triển, Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc phát triển các ngành năng lượng mới như điện khí, trong đó khó nhất là khí hydrogen, được Chính phủ đặt mục tiêu chiếm 10% nhu cầu năng lượng tiêu thụ cuối cùng vào năm 2050. Bên cạnh đó, chi phí lưu trữ hydrogen cao gấp 4 lần so với chi phí sản xuất. Còn đối với các loại hình năng lượng xanh khác như điện gió, nếu không đầu tư các cơ sở lưu trữ thì sẽ không đem lại hiệu quả cao…

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 33-2024 phát hành ngày 12/8/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Theo VnEconomy.

Bài viết liên quan