24/10/2024

Phát triển xanh, doanh nghiệp không có đường lùi

Nhằm đáp ứng các quy định liên quan đến môi trường ngày càng khắt khe của các nước nhập khẩu, không ít doanh nghiệp Việt Nam đang phải nhập cuộc mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi xanh, phát triển bền vững hướng đến mục tiêu trung hòa carbon.

Phát triển xanh, doanh nghiệp không có đường lùi

Con đường phải đi

Ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jean, nhà sáng lập thương hiệu V-Sixtyfour cho biết, nếu như cách đây 5 năm xanh hóa được nhắc đến như một xu hướng, thì hiện nay xanh hóa đã trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với các DN dệt may. Nếu không xanh hóa sẽ không cạnh tranh được và khó chốt đơn hàng.

Theo ông Việt, giai đoạn trước dịch Covid-19, DN không nhiều áp lực trong việc chuyển đổi xanh, chi phí cũng không phải tính toán quá nhiều. Nhưng hiện tại, khi dệt may đang phát triển theo hướng âm, thiếu hụt đơn hàng, cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà bán hàng, xanh hóa không còn là điều kiện cần nữa mà là điều kiện đủ, là yêu cầu bắt buộc để có đơn hàng từ các thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản, đồng thời khai thác được các ưu đãi của các FTA đã được ký và cạnh tranh với các quốc gia đang xanh hóa mạnh mẽ như Bangladesh hay Ấn Độ.

Tất nhiên trên hành trình DN buộc phải đi ấy không phải không có những thách thức. Ông Việt cho rằng, bài toán lợi nhuận trong giai đoạn chuyển đổi xanh là một thách thức lớn đối với các DN, khi hàng loạt chi phí tăng lên và Việt Thắng cũng không ngoại lệ.

Tuy nhiên, xét về lâu dài, sự tăng trưởng có nghĩa là tính tới sự cân bằng các yếu tố môi trường, kinh tế – xã hội, và chuyển đổi xanh sẽ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm nhẹ sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, cũng như giảm thiểu các ảnh hưởng bất lợi của quá trình sản xuất đến môi trường.

Nói như vậy để thấy rằng, DN nào chủ động triển khai chuyển đổi xanh từ sớm sẽ tiết giảm được nhiều chi phí, bảo vệ sức cạnh tranh và đặt nền móng bền vững cho tương lai.

d7bf62e1a6ca1f9446db.jpg
Dự án DHN Đắk Lắk của Tập đoàn Hùng Nhơn.

Dưới góc nhìn hiệp hội, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá, các nhà nhập khẩu tại nhiều thị trường lớn trên thế giới đang thay đổi trong chính sách mua hàng, khi yêu cầu các sản phẩm của nhà sản xuất phải là sản phẩm xanh.

Tuy nhiên, đầu tư cho phát triển xanh, phát triển bền vững là thách thức không nhỏ đối với DN, đặc biệt là DNNVV khi thời gian vay vốn dài có thể lên tới 20 năm. Song dù thách thức, nhưng để thích ứng các DN cũng đang bắt đầu thực thi từng phần. Nhiều DN đang chuyển đổi năng lượng từ nguyên liệu hóa thạch như than đá sang năng lượng gió, năng lượng mặt trời, hay sử dụng nguyên liệu sinh khối cho lò hơi.

Việt Nam cũng có tiềm năng phát triển điện sinh khối với nguồn gỗ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp, rác thải đô thị, phế thải chăn nuôi và các chất hữu cơ khác. Ngoài ra, đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất cũng là lựa chọn của ngày càng nhiều DN.

Không chỉ trong ngành may, các DN trong nhiều lĩnh vực khác như thực phẩm cũng xác định rõ phát triển xanh, bền vững hướng tới Net Zero là con đường DN phải đi. Là một trong những DN hàng đầu trong ngành sản xuất thực phẩm, CTCP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) đã đặt ra cho mình một mục tiêu đầy tham vọng là hướng tới Net Zero, tức phát thải ròng bằng 0.

VISSAN đánh giá, trong bối cảnh toàn cầu, các tiêu chuẩn về môi trường và phát thải khí nhà kính đang được áp dụng ngày càng nghiêm ngặt.

Nói về việc đáp ứng yêu cầu của khách hàng, hay các nhà nhập khẩu lớn trên thế giới, thực chất không phải vài năm gần đây mới có, mà với một số DN những yêu cầu khắt khe đã xuất hiện từ cách đây hơn chục năm. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh cho biết, từ 14 năm trước, Phúc Sinh đã chạm ngõ khái niệm phát triển bền vững, vốn được rất ít người hoạt động trong lĩnh vực nông sản biết đến lúc bấy giờ.

Theo báo Sài Gòn giải phóng

Bài viết liên quan