Tin tức Hội viên – NPAP là chương trình đối tác đa phương được chính phủ thiết lập, cho phép thực hiện hợp tác giữa chính phủ và các đối tác quốc gia quan trọng khác để chuyển những cam kết về rác thải nhựa và ô nhiễm nhiệm thành hành động thông qua các hoạt động kết nối, tạo mạng lưới và nghiên cứu đa phương.
Ngày 18/5, tại Hà Nội, Chương trình đối tác hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP) phối hợp với Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội và thương vụ Đại sứ quán Na Uy – cơ quan Innovation Norway đã tổ chức buổi lễ ra mắt Nhóm kỹ thuật mới nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xúc tác đầu tư đối với những giải pháp hiệu quả trong giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa tại Việt Nam. Đồng thời, tổ chức Phiên họp đầu tiên của Nhóm kỹ thuật để thảo luận về các công nghệ mới cho Hệ thống đặt cọc – hoàn trả (DRS).
DRS là hệ thống trong đó người tiêu dùng trả một khoản tiền đặt cọc nhỏ khi mua sản phẩm chai nhựa hoặc lon đồ uống. Phần tiền đặt cọc sẽ được hoàn trả khi họ mang gửi lại vỏ hộp tại điểm thu gom được chỉ định. Cơ chế DRS giúp đảm bảo người dân hoàn trả các vỏ chai nhựa sau khi sử dụng, giảm gánh nặng cho các bãi chôn lấp rác thải, tránh việc những vật dụng này bị thải ra môi trường.
Theo đó, nhóm kỹ thuật đổi mới sáng tạo và tài chính được ra mắt ngày 18/5/2023 có mục đích tập hợp các cơ quan chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng chung tay thúc đẩy giải pháp sáng tạo giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế nhựa, cũng như khơi dòng tài chính bền vững mới, giúp thúc đẩy các hoạt động chuyển giao và hợp tác công nghệ liên quan đến tái chế rác thải nhựa giữa Việt Nam và các quốc gia như Na Uy. Các thành viên của nhóm bao gồm Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC), Dow Việt Nam, Unilever, Công ty CP Tập đoàn An Phát Holdings, Duy Tân Recycling, GreenHub, Startup Vietnam Foundation (SVF), Tổ chức Innovation Norway, UNDP và Ngân hàng Thế giới. Tại sự kiện, Phó Đại sứ Mette Møglestue, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam phát biểu: “Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội và Team Na Uy tự hào về quan hệ hợp tác với Bộ TNMT Việt Nam và các bên liên quan trong đó có NPAP (UNDP Vietnam). Chúng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ câu chuyện thành công của Na Uy và các thông lệ quốc tế khác để hỗ trợ việc củng cố khung pháp lý của Việt Nam về EPR và DRS“.
Việc áp dụng DRS với hiệu quả cao sẽ thúc đẩy quá trình quay vòng của các sản phẩm nhựa và nhôm như chai, vỏ hộp đựng đồ uống, thực phẩm với tiêu chuẩn cao, hoạt động này cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).
Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng trưởng nhóm kỹ thuật đổi mới sáng tạo và khơi nguồn tài chính của NPAP, khẳng định giải quyết ô nhiễm nhựa là một quá trình lâu dài, cần sự tham gia hiệu quả của cả xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế nhằm biến thách thức về nhựa trở thành cơ hội trên cơ sở kinh tế tuần hoàn, áp dụng công nghệ cao.
“Đây là nhóm kỹ thuật đầu tiên hoạt động trong khuôn khổ NPAP nhằm thúc đẩy, đổi mới, cách thức hoạt động cho phù hợp với điều kiện thực tiễn sau 2 năm triển khai chương trình. Sự ra mắt nhóm kỹ thuật sẽ hỗ trợ các giải pháp sáng tạo, xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam thông qua vận động các nguồn hỗ trợ, tăng cường khả năng tiếp cận chia sẻ các nguồn công nghệ giảm thiểu ô nhiễm nhựa”, Vụ trưởng Lê Ngọc Tuấn phát biểu tại sự kiện ra mắt.
Nguồn tin: Tổng hợp từ UNDP, Zing news, Baoquocte.vn, Báo Tài nguyên Môi trường.