25/08/2023

Sản phẩm nhựa phân hủy sinh học – hiểu sao cho đúng?

Trung bình mỗi năm ở Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nilon. Các túi nilon này phải mất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm mới có thể phân hủy trong tự nhiên, khiến Việt Nam đối diện “ô nhiễm trắng”. Một trong những giải pháp cho vấn đề này là sự ra đời của các sản phẩm nhựa phân hủy sinh học, được coi như “cứu cánh” cho mối quan hệ giữa nhu cầu sử dụng với bảo vệ môi trường.

Cuộc cách mạng xanh trong ngành nhựa

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong khoảng hơn 30 tỷ túi nilon bị thải bỏ, chỉ có 17% trong số đó được tái sử dụng. Túi nilon chiếm 1/3 số lượng rác thải nhựa tại Việt Nam và Việt Nam đang thuộc nhóm các quốc gia thải ra rác thải nhựa đại dương nhiều nhất châu Á.

Rác thải nhựa như túi nilong, vỏ hộp xốp, ống hút nhựa khó phân hủy dẫn đến thảm họa “trắng” là ô nhiễm nhựa. Nhiều người gọi rác thải nhựa là tội phạm môi trường.

Trước thực trạng đó, loại bao bì làm từ nhựa phân hủy sinh học xuất hiện gần đây được cho là giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa. Nhựa phân hủy sinh học là loại nhựa có khả năng phân hủy sinh học, tức là dưới sự tác động của vi sinh vật, chúng sẽ phân hủy thành CO2, H2O, sinh khối…Nhựa phân hủy sinh học có thể làm từ nguyên liệu có nguồn gốc tái tạo (như tinh bột ngô, khoai, sắn….); hoặc làm từ nguyên liệu có nguồn gốc hóa thạch (dầu mỏ).

Việc nghiên cứu và sản xuất ra nhựa phân hủy sinh học được coi cách mạng “xanh” trong công nghiệp nhựa. Lý do là vì chúng mang đến rất nhiều ưu điểm.

Đối với quá trình sản xuất và đáp ứng nhu cầu sử dụng thuận tiện, các sản phẩm từ nhựa phân hủy sinh học có thể hoàn toàn thay thế cho những sản phẩm nhựa dùng một lần không được phân hủy. Việc sản xuất các túi, ống hút, cốc…từ nhựa phân hủy sinh học thậm chí còn tạo ra được các sản phẩm nhẹ hơn, sản lượng lớn hơn rất nhiều và giá thành thấp hơn so với các sản phẩm thay thế nhựa khác (ví dụ như sản phẩm làm từ tre, gỗ…). Vì lẽ đó, Châu Âu đã coi nhựa phân hủy sinh học là một trong những giải pháp phù hợp để giảm “ô nhiễm trắng”.

Cơ sở cho giải pháp này, xét về mặt môi trường, nhựa phân hủy sinh học phân hủy hoàn toàn thành CO2, H2O, mùn… nên thân thiện, an toàn cho môi trường. Đặc tính này “ưu việt” hơn nhựa truyền thống – vốn không thể phân hủy mà chỉ bị phân rã thành những hạt vi nhựa nhỏ và tồn tại hàng trăm năm trong môi trường tự nhiên.

Thêm vào đó, ưu điểm của nhựa phân hủy sinh học còn là khả năng có thể tái sinh. Những loại nhựa này không chỉ mất ít thời gian để phân hủy mà còn có thể chuyển hóa thành phần sinh học hoặc làm khí sinh học thông qua quá trình hữu cơ, góp phần vào tăng độ phì nhiêu cho đất và giảm bớt được gánh nặng ô nhiễm môi trường do rác thải truyền thống gây ra. Đây được gọi là chu trình tái sinh của vật liệu.

Không chỉ có ích cho môi trường, nhựa phân hủy sinh học còn an toàn với sức khỏe người dùng. Khi xử lý các sản phẩm nhựa phân hủy sinh học thì chỉ cần chôn lấp, không cần đốt như rác thải nhựa thông thường nên sẽ hạn chế tối đa các loại khí độc hại như furan hay dioxin – các chất gây ra bệnh lý nghiêm trọng ở người như ung thư.

Việt Nam sản xuất như thế nào?

Nói không với bao bì nhựa dùng một lần khó phân hủy, một số doanh nghiệp Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư sản xuất các sản phẩm từ nhựa phân hủy sinh học như Công ty TNHH Vianeco, Green World Việt Nam, Tập đoàn An Phát Holdings…

Nhận định về hướng đi này, TS. Nguyễn Lê Thăng Long – Chủ tịch Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam (EPMA) cho biết, việc đầu tư sản xuất bao bì nhựa phân hủy sinh học là sự lựa chọn “không mạo hiểm”. Bởi lẽ, trên thế giới, thị trường bao bì phân hủy sinh học đã đạt giá trị 81.7 tỉ USD năm 2020 và kì vọng đạt 118.85 tỉ USD vào năm 2026. Trong khi Châu Âu và Mỹ đã có lệnh cấm túi nilon 1 lần thì Châu Á và Châu Đại Dương là thị trường tiềm năng cho bao bì phân hủy sinh học trong tương lai. Công suất nhựa phân hủy sinh học dự báo tăng mạnh trong những năm tới.

Tại Việt Nam, dù chưa có nhiều ưu đãi đối với bao bì phân hủy sinh học song lộ trình cấm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy đến năm 2030 cũng sẽ tạo động lực cho phát triển thị trường bao bì phân hủy sinh học ở Việt Nam trong tương lai.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường

Minh chứng cho sự nỗ lực của doanh nghiệp Việt định hình trên thị trường bao bì phân hủy sinh học quốc tế, theo lãnh đạo của Tập đoàn An Phát Holdings, các sản phẩm thân thiện môi trường của đơn vị đã được xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia như: Mỹ, Canada, Nhật Bản và nhiều nước Châu Âu khác.

Đối với thị trường trong nước, các sản phẩm nhựa phân hủy sinh học mang nhãn hiệu AnEco cũng đã được các đơn vị lớn như Vinamilk, Pizza 4P’s, Soc&Brothers… tin dùng, bởi các túi nhựa phân hủy sinh học của AnEco phù hợp với quan điểm phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân.

Đặc biệt, An Phát Holdings là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam đạt được chứng nhận quốc tế về khả năng phân hủy sinh học, khi thương hiệu túi AnEco đã đạt chứng nhận quốc tế như TUV OK Compost Home, TUV OK Compost INDUSTRIAL và BPI Compostable… về khả năng phân huỷ sinh học. “Đây là những chứng nhận rất khắt khe của thế giới” – lãnh đạo An Phát Holdings nhấn mạnh.

Bên cạnh các sản phẩm túi phân hủy sinh học, Công ty còn sản xuất thêm được nhiều sản phẩm dùng một lần như dao, thìa, nĩa, găng tay… đều có nguồn gốc từ nhựa sinh học, hoàn toàn phân hủy.

Các sản phẩm AnEco được làm từ nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn, có khả năng phân hủy hoàn toàn thành mùn, CO2 và nước trong 6 -12 tháng ở điều kiện chôn ủ công nghiệp hoặc chôn lấp tại vườn nhà. Vì thế, AnEco hiện đang là giải pháp tối ưu để người tiêu dùng tin tưởng và yên tâm lựa chọn khi vừa thân thiện với môi trường, vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe./.

Theo Báo Tài nguyên môi trường

Bài viết liên quan