Xuất nhập khẩu vẫn chưa thoát khỏi đà giảm đã kéo dài suốt từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, những tín hiệu vui cũng bắt đầu manh nha trong giai đoạn cuối năm.
Nhiều tín hiệu vui cho xuất nhập khẩu
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 9 vừa qua, xuất khẩu cá tra đã ghi nhận tăng trưởng dương lần đầu kể từ đầu năm nay. Dù mức tăng chỉ là 1% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đây vẫn là tín hiệu rất đáng mừng cho xuất khẩu cá tra nói riêng và thủy sản nói chung. Hiện Trung Quốc vẫn dẫn đầu top các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam từ năm 2019 đến nay. Đứng thứ 2 về nhập khẩu cá tra Việt Nam là Mỹ.
Với mặt hàng tôm, mặc dù chưa thoát khỏi tăng trưởng âm, nhưng mức giảm đã thu hẹp dần qua từng tháng. Lũy kế 9 tháng, xuất khẩu tôm đạt 2,5 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ. Trong các thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam, thị trường nhập khẩu lớn nhất là Mỹ vẫn giảm 23%. Trung Quốc đứng thứ 2 nhưng giảm có 6%. Nhiều thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Canada… vẫn giảm ở mức hai con số.
Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu đang có những tín hiệu vui. Với các biện pháp tích cực, đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu tiếp tục được triển khai mạnh mẽ nên hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục có những tín hiệu tích cực, đã lấy lại đà tăng trưởng trong tháng 10/2023 sau khi chững lại trong tháng trước. Số liệu cập nhật mới nhất của Bộ Công thương cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 10 ước đạt 61,62 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 10 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 557,95 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
Về xuất khẩu hàng hóa, sau mức sụt giảm của kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 9 (giảm 6,3%), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 10 lấy lại đà tăng trưởng, ước đạt 32,3 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước.
Đáng chú ý, các sản phẩm của ngành nông nghiệp tiếp tục có những đóng góp ấn tượng, là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu cả nước, đặc biệt là các nhóm hàng nông sản như: gạo, rau quả, cà-phê, hạt điều… Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản trong tháng 10 ước đạt 3 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là nhóm hàng duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng trong 10 tháng năm 2023, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26,7 tỷ USD, tăng 3,8%.
Gạo là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao trong 10 tháng qua. Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, giá lúa trong dân đang cao kỷ lục đẩy giá gạo nội địa cao hơn giá xuất khẩu. Đây cũng là lý do khiến giá gạo xuất khẩu Việt Nam liên tục lội ngược dòng thế giới.
Cơ hội nào cho xuất nhập khẩu năm 2023?
2 tháng liên tiếp gần đây (tháng 8 và 9) kim ngạch xuất khẩu đều đạt hơn 30 tỷ USD/tháng, cao hơn bình quân chung trong 9 tháng đầu năm. Nếu quý 4/2023 duy trì được mức 30 tỷ USD/tháng, xuất khẩu cả nước trong năm nay có thể đạt khoảng 350 tỷ USD.
Dù có những điểm sáng, nhưng 9 tháng qua, hoạt động xuất khẩu của nước ta chứng kiến nhiều khó khăn của các ngành hàng chủ lực. Dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan ghi nhận hết tháng 9 có tới 6 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch giảm từ 1 tỷ USD trở lên. Đáng chú ý, đây đều là những nhóm hàng quy mô lớn “chục tỷ đô” nên có tác động mạnh đến xuất khẩu chung của cả nước.
Giảm mạnh nhất là điện thoại và linh kiện. Hết tháng 9, nhóm hàng này mới đạt 38,92 tỷ USD, giảm 13,7%, tương ứng giảm 6,17 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Do sự sụt giảm này nên điện thoại và linh kiện đã mất ngôi vị số 1 về xuất khẩu vào nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Dệt may có kim ngạch giảm nhiều thứ 2 với 3,94 tỷ USD, hết tháng 9 nhóm hàng này mới đạt 25,1 tỷ USD. Giày dép các loại giảm 3,47 tỷ USD, là nhóm hàng giảm nhiều thứ 3, qua đó kim ngạch cả 9 tháng mới đạt 14,7 tỷ USD.
Trong bối cảnh đó, để thúc đẩy đà tăng trưởng xuất nhập khẩu, Bộ Công thương sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi Hiệp định FTA với Israel, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR…) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định.
Bộ Công thương cũng phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới… Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam-Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.
Mặc dù có kim ngạch xuất khẩu tương đối ổn định song các mặt hàng nông sản đang đứng trước khó khăn khi đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng. Đơn cử, hiện nay, các thị trường nhập khẩu cà-phê trên thế giới đã đặt ra nhiều tiêu chuẩn chất lượng về kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật nông sản. Để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe này, các doanh nghiệp cà-phê tại Tây Nguyên – vùng nguyên liệu lớn nhất cả nước, phải xây dựng quy trình sản xuất, chế biến đạt các chứng nhận quốc tế để có thể gia tăng xuất khẩu.
Để đáp ứng các đơn hàng cà-phê đặc sản, cà-phê chất lượng cao đã ký kết với các đối tác nước ngoài, doanh nghiệp xuất khẩu cà-phê đã đầu tư hệ thống máy móc rang xay theo công nghệ hiện đại. Cùng với đó, các khâu sản xuất, rang xay cũng được kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm cà-phê có chất lượng đồng nhất.
Các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh liên kết với các hộ trồng cà-phê để có được chuỗi sản xuất, xuất khẩu bền vững. Đơn cử, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã và đang liên kết với hơn 11.000 hộ nông dân tại vùng nguyên liệu Tây Nguyên canh tác cà-phê có chứng nhận quốc tế, gắn với truy xuất nguồn gốc và nhà máy chế biến cũng áp dụng công nghệ hiện đại, đây chính là điều kiện cần và đủ để doanh nghiệp Vĩnh Hiệp Gia Lai có thể xuất khẩu cà-phê sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đây cũng là giải pháp mà các doanh nghiệp nông sản đang tích cực triển khai nhằm đẩy mạnh xuất nhập khẩu bền vững nhóm hàng này trong tương la
Theo Báo Nhân Dân