19/11/2024

Tác động của xu hướng tiêu dùng bền vững: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp

Xu hướng “tiêu dùng xanh” đang ngày càng phát triển và dần trở thành một phần không thể thiếu trong tư duy của người tiêu dùng hiện đại. Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng xanh tại Việt Nam đã tăng trưởng bình quân 15% một năm trong giai đoạn 2021-2023.

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến yếu tố bền vững. Đã có khoảng 24% người tiêu dùng Việt đang chú trọng đến lối sống bền vững trong các kế hoạch ngắn hạn. 16% người tiêu dùng Việt coi tương lai bền vững là một yếu tố quyết định tiêu dùng của họ trong các ưu tiên dài hạn.

Hơn 72% số người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh. Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới vấn đề bảo vệ sức khỏe, môi trường sống và phát triển bền vững của con người.

Từ nghiên cứu của NielsenIQ Việt Nam, bà Lê Minh Trang – Phó Giám đốc bộ phận nghiên cứu bán lẻ của NielsenIQ Việt Nam cho biết: “Theo báo cáo của chúng tôi có đến 82% người tiêu dùng rất quan tâm vấn đề về sức khỏe và hạnh phúc. Do vậy nên họ cũng đang có xu hướng lựa chọn những sản phẩm rất thiết thực trong cuộc sống hàng ngày của họ, có thể kể đến đây là thực phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân và chăm sóc gia đình. Họ cũng ưu tiên lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc xanh và thân thiện với môi trường trong tất cả giỏ hàng hóa của mình”.

Cụ thể, theo NielsenIQ Việt Nam, trong 5 năm tới các nhà sản xuất, doanh nghiệp sẽ chịu tác động rất lớn liên quan đến những tiêu chuẩn về phát triển bền vững, bao gồm cả những tiêu chuẩn của các quốc gia đặt ra cũng như từ sự lựa chọn của người tiêu dùng. Các ngành chịu tác động lớn nhất từ xu hướng tiêu dùng xanh tại Việt Nam có thể kể đến như thực phẩm và đồ uống, chăm sóc cá nhân, sản phẩm tiêu dùng nhanh, điện tử tiêu dùng.

Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên sản phẩm hữu cơ, bao bì thân thiện với môi trường và thiết bị tiết kiệm năng lượng. Đây thực sự là cơ hội cho các doanh nghiệp tiên phong. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi mô hình kinh doanh của mình theo hướng bền vững, từ việc sử dụng bao bì tái chế, đến cam kết giảm thiểu khí thải carbon, bảo vệ nguồn nước thông qua việc hạn chế sử dụng túi nilon, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng và tái chế rác thải… REPEET – một thương hiệu thời trang dệt may tái chế từ chai nhựa đã qua sử dụng – là một doanh nghiệp như thế.

Ông Văng Viên Thông – Giám đốc Điều hành và là người sáng lập ra thương hiệu thời trang từ vật liệu tái chế REPEET cho biết: “Xu hướng chuyển đổi về việc tiêu dùng xanh đang ngày càng rất rõ ràng. Là một trong những doanh nghiệp tiên phong đi đầu trong lĩnh vực thời trang bền vững và tập trung khai thác nguyên liệu nội địa, từ việc đó mình có lợi thế cạnh tranh nhất định so với các thương hiệu hiện tại cũng làm cùng ngành nhưng nguyên liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam. Mình là đơn vị nghiên cứu và chuyển đổi chính về nguyên liệu tại Việt Nam để chuyển đổi những chai nhựa đã qua sử dụng tại Việt Nam thành các sản phẩm thời trang”.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7/2024 đã ban hành khái niệm tiêu dùng bền vững cũng như xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của người tiêu dùng, doanh nghiệp, cơ quan quản lý trong việc tham gia thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững nói riêng và phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam nói chung. Thế nhưng trên thực tế không ít doanh nghiệp còn khá “thờ ơ” với trách nhiệm này.

PGS. TS Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) nêu thực tế: “Cấu trúc của Việt Nam chúng ta là hầu hết các doanh nghiệp là vừa và nhỏ. Trong thời gian vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã điều chỉnh lại danh mục các doanh nghiệp phải báo cáo phát thải vào tháng 3/2025, nâng số doanh nghiệp từ 1.912 doanh nghiệp lên 2.166 doanh nghiệp. Trong số các doanh nghiệp này chỉ có khoảng 10% các doanh nghiệp là sẵn sàng để thực hiện báo cáo phát thải khí nhà kính, còn hầu hết các doanh nghiệp và rất nhiều doanh nghiệp thậm chí chưa biết là doanh nghiệp mình phải thực hiện công tác kiểm kê phát thải khí nhà kính trong thời gian tới”.

Đầu tư chuyển đổi công nghệ cần vốn, nhưng theo kinh nghiệm của các doanh nghiệp đi trước thì tư duy chuyển đổi xanh, thích ứng với điều kiện mới, coi trọng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp cũng chính là con đường để doanh nghiệp tồn tại và phát triển, đòi hỏi kỹ năng quản trị doanh nghiệp.

Ông Trường Bùi – TGĐ Roland Berger Viet Nam cho rằng: “Thật ra những chuyện chuyển đổi như vậy không phải là cần một chiến lược dài hạn mà bản thân doanh nghiệp của họ phải xác định đâu là những cái mà họ có thể chuyển đổi được trong ứng dụng kỹ thuật số; đâu là những sáng kiến rất là nhỏ trong vấn đề năng lượng, chuyển đổi năng lượng tái tạo, tuần hoàn… thì họ phải bắt đầu từ những việc rất nhỏ, từ đó có một lộ trình rõ nét hơn để thực hiện, và họ có thể tiếp cận nguồn vốn từ những quỹ phát triển của thế giới tài trợ rất nhiều đặc biệt cho Việt Nam trong việc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh như hiện giờ”.

Tại các quốc gia phát triển, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao về các tiêu chuẩn xanh trong cả vòng đời của sản phẩm, từ quá trình sản xuất đến lưu thông phân phối đều phải xanh, sạch. Ví như một sản phẩm nông nghiệp khi lưu thông trên thị trường phải đảm bảo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về nguồn gốc, từ quá trình nuôi sạch, không gây ra mất rừng hoặc suy thoái rừng trong suốt chuỗi cung ứng, được bao gói bằng sản phẩm thân thiện với môi trường và có khả năng tái chế…

Xu hướng tiêu dùng trong nước cũng đã bắt đầu như vậy, đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi quá trình sản xuất để đáp ứng. Cũng cần những cơ chế, chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để chuyển đổi sang nền sản xuất xanh và tiêu dùng bền vững.

Theo VOV.

Bài viết liên quan