22/07/2024

Tài chính xanh – Giải pháp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng theo hướng bền vững

Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước. Trong khi đó, tài chính xanh được xem là một phương thức quan trọng để hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững. Để phát triển thị trường tài chính xanh, cần phát triển song hành cả thị trường vốn xanh và thị trường tín dụng xanh.

Chiều 22/7, tại TP. Hồ Chí Minh, Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức Diễn đàn Tài chính xanh năm 2024, với chủ đề ‘‘Khởi tạo mạnh mẽ, gia tăng dòng vốn xanh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững”. Sự kiện có sự tham dự của đại diện lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh, đại diện lãnh đạo các sở, ngành trên địa bàn; các chuyên gia tài chính, kinh tế; cùng gần 100 đại diện doanh nghiệp.

Tài chính xanh – giải pháp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng theo hướng bền vữngTS. Phạm Thu Phong – Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam, phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Gia Cư

Thị trường quy mô 20 tỷ USD mỗi năm

Chia sẻ tại Diễn đàn Tài chính xanh 2024, TS. Phạm Thu Phong – Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam cho biết, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã trở thành định hướng trong chiến lược phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới.

Ở Việt Nam, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước. Theo đó, tăng trưởng xanh đã được Chính phủ quan tâm từ sớm, khi ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.

Tiếp đến ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050; sau Quyết định 882/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

Lãnh đạo Chính phủ mới đây cũng đã khẳng định: “Tăng trưởng xanh là một trong hai yếu tố cốt lõi của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững”. Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế khi Thủ tướng Chính phủ cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 và mục tiêu này tiếp tục được nhấn mạnh tại COP28.

‘‘Trong khi đó, tài chính xanh được xem là một phương thức quan trọng mà các nước trên thế giới và Việt Nam đều chú trọng để hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững. Theo ước tính, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn, khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm. Điều này đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách và giải pháp huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh’’ – TS. Phạm Thu Phong nói.

Chủ động hợp tác thúc đẩy thị trường tài chính xanh

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã ban hành và triển khai Kế hoạch hành động của ngành Tài chính về tăng trưởng xanh như xây dựng, hoàn thiện các chính sách tài chính liên quan, trong đó trọng tâm là phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh.

Tài chính xanh – giải pháp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng theo hướng bền vữngQuang cảnh diễn đàn. Ảnh: Đỗ Doãn

Theo TS. Phạm Thu Phong, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, thúc đẩy tài chính xanh và tài chính bền vững là ưu tiên dài hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trong thời gian qua, cơ quan này cùng các sở giao dịch chứng khoán và các bên liên quan đã triển khai hàng loạt hoạt động nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng bền vững, nâng cao nhận thức của thành viên thị trường, doanh nghiệp niêm yết về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, các sản phẩm tài chính xanh.

Cũng liên quan tới tài chính xanh, hiện nay Bộ Tài chính đang xây dựng Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam trên cơ sở phối hợp với Bộ Tài nguyên – Môi trường và các cơ quan có liên quan. Đề án hiện đang ở các bước cuối cùng để trình các cấp có thẩm quyền ban hành. Theo đó, đến năm 2025, Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả quan trọng bước đầu, tuy nhiên hoạt động tài chính xanh cần được đẩy mạnh hơn nữa, nhất là sự đột phá trong việc triển khai. Những con số như tín dụng xanh chưa đến 5% tổng vốn tín dụng cho nền kinh tế, hay mới hơn 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh được phát hành… là những con số còn khá khiêm tốn so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD trung bình mỗi năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh.

Đây chính là lý do tổ chức diễn đàn nhằm tạo điều kiện để đại diện các cơ quan quản lý, các ngân hàng, chuyên gia và các doanh nghiệp cùng thảo luận, đánh giá thực trạng, đề xuất, kiến nghị các giải pháp quan trọng để thúc đẩy thị trường tài chính xanh phát triển mạnh mẽ, tạo động lực then chốt thực hiện thành công Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam trong thời gian tới.

Tài chính xanh – giải pháp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng theo hướng bền vữngDiễn đàn Tài chính xanh 2024 thu hút gần 100 đại diện doanh nghiệp tham dự. Ảnh: Đỗ Doãn

‘‘Ban tổ chức mong muốn, những thông tin tại diễn đàn sẽ hữu ích đối với các đại diện doanh nghiệp tham dự; đồng thời cũng mong rằng thông qua các cơ quan thông tấn, báo chí những đề xuất, kiến nghị mang tính xây dựng hôm nay sẽ tiếp tục được lan tỏa, góp phần thúc đẩy sự phát triển của tài chính xanh đóng góp vào tăng trưởng xanh và bền vững của nền kinh tế’’ – TS. Phạm Thu Phong nhấn mạnh.

Đối với thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành chỉ thị về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, cũng như chương trình hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia. Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

Các ngân hàng thương của Việt Nam cũng đang chuyển động mạnh mẽ sang hoạt động cấp tín dụng xanh cho doanh nghiệp. Do đó, tín dụng xanh của các ngân hàng Việt Nam không ngừng được mở rộng. Theo Ngân hàng Nhà nước, trong giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Quy mô và tỷ trọng vốn tín dụng của các tổ chức tín dụng đối với lĩnh vực kinh tế xanh tăng trưởng khá qua các năm, đến nay đã gần 5% tổng tín dụng của nền kinh tế.

Theo Thời báo Tài chính 

Bài viết liên quan