Tuần cuối tháng 7 này, TP.HCM sẽ khởi công xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa – là nhà máy điện đốt rác đầu tiên của thành phố có công suất giai đoạn 1 là 2,000 tấn/ngày đêm và có thể tiếp tục nâng công suất giai đoạn 2 lên 6,000 tấn/ngày đêm. Đây được xem là giải pháp căn cơ để trước hết giảm thiểu áp lực xử lý lượng rác thải sinh hoạt ở mức 9,800 tấn/ngày của một thành phố có 13 triệu dân sinh sống.
Mặt khác, nó là giải pháp thay thế cấp bách hình thức xử lý chất thải rắn của thành phố hiện nay là chôn lấp theo công nghệ cũ, gây tác động xấu đến môi trường. Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng vẫn chưa thực hiện phân loại rác tại nguồn, chiếm phần lớn nguồn rác sinh hoạt là rác thực phẩm với đặc tính độ ẩm cao, nhiệt trị thấp nên nhà đầu tư buộc phải lựa chọn công nghệ đốt kiểu ghi nhiều tầng, có khả năng đốt cháy hiệu quả rác thải chưa phân loại, chưa qua công đoạn tiền xử lý.
Thêm nữa, đốt rác – là giảm thiểu lượng rác thải chôn lấp, bảo vệ nguồn nước, đất đai, môi trường sống khỏi bị ô nhiễm; phát điện – là tái tạo năng lượng, góp phần cung cấp điện năng cho thành phố để phục vụ sinh hoạt, sản xuất, nhất là trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện đang tăng cao hiện nay. Tính năng kép này nói lên sự hữu ích, hữu hiệu của nhà máy đốt rác phát điện. Đây có thể xem là nỗ lực lớn của chính quyền thành phố và doanh nghiệp trong tiến trình xanh hóa môi trường sống, là cụ thể hóa cam kết tăng trưởng xanh.
Bởi ngay cả khi Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8) đã được phê duyệt thì loại hình điện rác vẫn chưa được đề cập cho từng địa phương. Với riêng TP.HCM, sau khi có tờ trình đề xuất nâng công suất thì tổng quy mô công suất điện rác của TP.HCM đến năm 2030 vẫn chỉ là 123MW (thay vì được nâng lên 340MW). Cả phương án đấu nối điện cũng chưa được đưa vào trong khi việc đấu nối vào lưới điện quốc gia là tiền đề tiến hành các thỏa thuận khác có liên quan theo Luật Điện lực, trong đó có việc ký Hợp đồng mua bán điện, tiến tới vận hành thương mại (COD).
Việc tháo gỡ mọi khó khăn để chính thức cấp phép xây dựng vào ngày 05/07 vừa qua là một điểm cộng và cũng là để hiện thực hóa mục tiêu của Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020 – 2025 đến năm 2025, tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80%, hướng tới 2030 đạt 100%.
Ở một diễn biến khác, trong cuộc điều tra xã hội học về mức độ hài lòng đối với chất lượng hoạt động và cung cấp một số dịch vụ công ích của người dân trên địa bàn TP.HCM năm 2023 vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM công bố thì trong dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt, có 3.91% chưa sử dụng dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt, trong đó khu vực nội thành phát triển chiếm trên 46%, ngoại thành trên 38%. Rác thải sinh hoạt các hộ gia đình này được xử lý bằng hình thức chôn lấp hoặc đốt (74.47%), 17.02% hộ chở rác đến nơi tập kết rác lớn trong khu vực sinh sống, 6.38% hộ bỏ chung với hộ gia đình khác gần nhà.
Trong khi ở loại hình cung cấp dịch vụ điện, về cơ bản nguồn điện từ công ty điện lực đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng cơ bản của hầu hết người dân trên địa bàn thành phố. Song, cũng ghi nhận 1.83% hộ tham gia khảo sát đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Trong 4.33% hộ tham gia khảo sát sử dụng thêm nguồn điện khác thì điện mặt trời mái nhà và các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời là sự lựa chọn chủ yếu của các hộ có nhu cầu sử dụng thêm nguồn điện thứ hai (hơn 94%), 5.88% hộ sử dụng thêm máy phát điện và một số ít hộ sử dụng bình ắc quy.
Rõ ràng, con đường xanh hóa dịch vụ, sinh hoạt, môi trường sống không hề dễ dàng. Ngay cả khi có nhà máy đốt rác phát điện hay dùng điện lưới mặt trời mái nhà thay thế thì thực tế, ngay trong cuộc khảo sát trên, có 185 hộ/500 hộ cho biết sử dụng nguồn nước khác ngoài nguồn nước được cung cấp từ công ty cấp nước là nước giếng khoan – vừa không đảm bảo an toàn sức khỏe khi chưa qua xử lý vừa là tác nhân gây ra hiện tượng lún, sụt, gia tăng nguy cơ ngập nước cục bộ – toàn diện trong thành phố.
Hay trong bảng khảo sát của Bộ chỉ số PAPI 2023, khi được hỏi về lựa chọn mua xe mới (xe hơi, xe gắn máy), chỉ có 29.12% người dân TP.HCM lựa chọn mua xe chạy bằng điện, hơn 46% vẫn lựa chọn sẽ mua phương tiện chạy bằng xăng. Để thay đổi một thói quen, tập tính theo chiều hướng tốt hơn, có ích hơn thì chưa hẳn đã là ưu tiên lựa chọn của nhiều người, nhiều nhà. Do đó, tăng trưởng xanh không phải muốn… nhanh là được!
Theo Tạp Chí Điện Tử Tài Chính Và Cuộc Sống