21/10/2023

Tạo động lực cho “Hộ kinh doanh”

Nước ta hiện có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Đây là khu vực kinh doanh rất quan trọng đối với nền kinh tế nước ta. Hiện khu vực này chiếm hơn 30% GDP của nền kinh tế. Đặc biệt, hộ kinh doanh cá thể giải quyết lượng lao động rất lớn, điều này rất có ý nghĩa không chỉ về kinh tế mà cả về vấn đề an sinh xã hội.

Ảnh minh họa

Bởi là hộ kinh doanh nên việc kinh doanh này tận dụng được thời gian nhàn rỗi xen kẽ của các thành viên trong gia đình, giải quyết được việc làm cho lao động lớn tuổi, người ít sức khỏe, người thiếu trình độ chuyên môn… Hộ kinh doanh không cần vốn nhiều, dễ gia nhập thị trường cũng như dễ ứng phó trước các rủi ro trong kinh doanh.

Dù có vai trò và hiệu quả quan trọng như vậy nhưng khung khổ chính sách áp dụng cho chủ thể kinh doanh này còn rất thiếu khiến hộ kinh doanh chưa có sự bình đẳng với các chủ thể kinh doanh khác như doanh nghiệp, như hợp tác xã… Do đó, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho hộ kinh doanh nếu có cũng gặp hạn chế khi triển khai trong thực tế, đồng thời việc quản lý hộ kinh doanh cũng chưa được chặt chẽ.

Dự thảo Nghị định về hộ kinh doanh vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến là một bước “chính thức hóa” vai trò của hộ kinh doanh.

Nhìn thẳng thực tế, hoàn thiện các quy định về hộ kinh doanh là việc cần thiết. Các quy định được ban hành cần lấy mục tiêu số một là tạo điều kiện, động lực thúc đẩy sự phát triển của khu vực hộ kinh doanh cá thể thay vì các quy định làm khó khăn cho các chủ thể kinh doanh này. Theo đó, hiện nay trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, nhiều thủ tục hành chính đã được thực hiện trên môi trường số, trực tuyến nên việc quy định các thủ tục, điều kiện về hộ kinh doanh cần được thực hiện dễ dàng, đơn giản trên môi trường số. Hơn nữa, vì hộ kinh doanh cá thể đều là các đơn vị kinh doanh siêu nhỏ, trình độ hạn chế, nguồn lực ít nên việc tạo lập các quy định hỗ trợ về tài chính, đào tạo, về định hướng, chiến lược kinh doanh cũng rất cần thiết. Một số ý kiến lo ngại, việc xây dựng các quy định quản lý đầy đủ hơn về hộ kinh doanh khiến các chủ thể này gặp khó khăn như hợp đồng lao động, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về lao động cũng như các chứng chỉ kinh doanh theo ngành nghề… cũng cần được cơ quan soạn thảo nghiên cứu, quy định một cách phù hợp tránh trở thành những rào cản với mỗi hộ kinh doanh.

Xây dựng cơ chế, chính sách thuận lợi cho hộ kinh doanh phát triển sẽ có tác động tích cực đến khu vực có quy mô kinh tế rộng lớn và có giá trị an sinh xã hội quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Theo Haiquanonline.com.vn

Bài viết liên quan