Tập đoàn năng lượng đến từ Đức muốn thực hiện dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Định cho dự án 4,6 tỷ USD, công suất 2.000MW.
Ngày 22/10, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã làm việc với Tập đoàn PNE của Đức để thúc đẩy dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh này. PNE được giới thiệu có kinh nghiệm 25 năm về phát triển dự án điện gió. Dự án có công suất 2.000MW với tổng mức đầu tư khoảng 4,6 tỷ USD.
Ông Per Hornung Pedersen – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn PNE – cho biết tập đoàn đã phát triển điện gió ngoài khơi tại 14 quốc gia ở 4 châu lục. Tại châu Á, Việt Nam là điểm đến đầu tiên và tỉnh Bình Định là tỉnh đầu tiên tập đoàn xúc tiến phát triển dự án điện gió ngoài khơi được đặt tên là Hòn Trâu.
“Dự án điện gió ngoài khơi được triển khai tại Bình Định là một dự án tâm huyết, ưu tiên, trọng điểm của tập đoàn này. Tỉnh đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, đặc biệt tốc độ gió khá tốt để triển khai dự án điện gió ngoài khơi”, ông Per Hornung Pedersen nói.
Ông cũng chia sẻ những khó khăn mà Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung phải đối mặt như về sự phát triển điện gió ngoài khơi còn mới, cơ chế chính sách chưa sẵn sàng…
“Mong dự án sớm được chấp thuận chủ trương đầu tư, để được lựa chọn là một dự án thí điểm về điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, cũng như là dự án thí điểm về sự hợp tác của Chính phủ Đức và Chính phủ Việt Nam”, ông nói.
Trước đó, năm 2019, Tập đoàn PNE đăng ký nghiên cứu, khảo sát để đầu tư dự án nhà máy điện gió ngoài khơi Hòn Trâu. Nếu đưa vào vận hành phát điện, mỗi năm dự án sẽ cung cấp khoảng 7,1 tỷ kWh điện cho hệ thống lưới điện quốc gia góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định – cho rằng việc triển khai dự án trước mắt còn một số khó khăn và hai bên cần tiếp tục cam kết quyết tâm triển khai dự án.
Với chiều dài bờ biển hơn 3.400km, Việt Nam được các chuyên gia quốc tế đánh giá có nguồn tài nguyên gió tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 5 ở châu Á và thứ 13 trên thế giới. Theo đánh giá, tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi của Việt Nam rất lớn, lên tới 600.000MW.
Tuy nhiên, việc triển khai lại gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, sau hơn một năm ban hành Quy hoạch điện 8, chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào được quyết định chủ trương và giao chủ đầu tư. Quy hoạch cũng chưa nêu rõ số lượng, công suất và vị trí dự án điện gió ngoài khơi, phương án đấu nối nguồn điện này.
Nhiều doanh nghiệp lớn ở nước ngoài tham gia khảo sát đầu tư dự án điện gió ngoài khơi đã rút khỏi Việt Nam như Orsted (Đan Mạch), Equinor (Na Uy) chủ yếu do các chính sách liên quan triển khai và mua điện, cơ chế lựa chọn nhà đầu tư và cơ chế bán điện thiếu rõ ràng.