Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Lilama 2, cho biết việc đào tạo nhân lực tại chỗ để phục vụ sân bay là cần thiết và là cơ hội để giải quyết việc làm cho người dân vùng dự án. Theo ông Cường, khi đi vào hoạt động, Cảng Hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành dự kiến cần 13.769 nhân sự, trong đó trình độ trung cấp và cao đẳng là 2.249 lao động, sơ cấp 3.816 người, còn lại là trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và lao động phổ thông.

“Để bảo đảm người học đủ điều kiện tham gia làm việc tại sân bay Long Thành, thời gian qua Lilama 2 đã ký kết hợp tác với các đơn vị trong ngành hàng không, được Tổng cục Hàng không Việt nam (ACV) cho phép đào tạo với Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO), hợp tác với Học viện Hàng không Vietjet và Tổ chức Giáo dục IIG đào tạo tiếng Anh TOEIC đạt trình độ chuẩn đầu ra theo quy định” – ông Cường nói.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh (thứ hai từ phải sang) kiểm tra việc đào tạo nghề phục vụ sân bay Long Thành

Bên cạnh đó, Lilama 2 kiến nghị với lãnh đạo tỉnh triển khai việc ký hợp đồng đặt hàng đào tạo giữa nhà trường với các chương trình chất lượng cao cho người lao động (NLĐ) của tỉnh, nhằm góp phần cung cấp nguồn nhân lực trong các lĩnh vực: điện, cơ điện tử, cơ khí chính xác, tự động hóa, viễn thông…; có cơ chế tài chính hỗ trợ đào tạo cho NLĐ được đào tạo các ngành nghề trong lĩnh vực hàng không; ACV tiếp nhận sinh viên của Đồng Nai được đào tạo đủ điều kiện vào làm việc ở sân bay; hỗ trợ cho Lilama 2 có điều kiện tham gia đào tạo nghề theo tiêu chuẩn Đức cho các trường trên địa bàn.

Qua làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đánh giá cao quá trình phát triển, đào tạo, tự chủ hơn 10 năm của trường. Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy mong muốn các hoạt động đào tạo nhân lực của Lilama 2 cần phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh; mở rộng quy mô đào tạo để đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng của Đồng Nai…