26/11/2024

Thị trường tài chính xanh đang trên đà tăng trưởng

Việt Nam hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn cho nguồn vốn xanh trong nước và quốc tế với môi trường pháp lý đang được hoàn thiện, các tổ chức tài chính và doanh nghiệp nỗ lực để kinh doanh tuần hoàn, phát triển bền vững….

Tiếp nối thành công tại Quảng Ninh và Đà Nẵng, chuỗi hội thảo “Thúc đẩy đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh – Hướng tới mục tiêu Net Zero tại Việt Nam” tại 3 miền Bắc – Trung – Nam tiếp tục được tổ chức tại TP.HCM vào sáng 26/11/2024. Hội thảo do Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp cùng Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy– Vietnam Economic Times và các cơ quan tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, nhấn mạnh: “Việt Nam hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn cho nguồn vốn xanh quốc tế với môi trường pháp lý đang được hoàn thiện, các tổ chức tài chính và doanh nghiệp cũng đang nỗ lực để kinh doanh tuần hoàn, phát triển tài chính xanh nhiều hơn, hiệu quả hơn nhằm huy động nguồn lực đầu tư phát triển và hội nhập quốc tế về phát triển bền vững”.

TÀI CHÍNH XANH ĐANG DẦN TĂNG TRƯỞNG VÀ DỊCH CHUYỂN

TS. Lê Duy Bình thông tin rằng đến nay, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với 3 cấu phần, gồm: thị trường tín dụng xanh; thị trường trái phiếu xanh và thị trường cổ phiếu xanh.

Toàn cảnh hội thảo diễn ra tại TP.HCM sáng 26/11.

Về thị trường tín dụng xanh, trong giai đoạn 2017 – 2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23% mỗi năm.

Trong đó, vào năm 2017, từ chỉ có 5 tổ chức tín dụng tham gia tín dụng xanh, đến nay Việt Nam đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh và dư nợ vào khoảng 650.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, dư nợ tín dụng mà các tổ chức tín dụng khi cấp tín dụng đánh giá về các rủi ro môi trường đã tăng lên khoảng 3,2 triệu tỷ đồng trong tổng số dư nợ của cả hệ thống là 15 triệu tỷ đồng. “Đây là những tín hiệu đang mừng trong việc tăng trưởng tài chính xanh tại Việt Nam. Các ngân hàng, định chế tài chính đang dần quan tâm đến thị trường tín dụng xanh”, ông Bình nhận định.

“Địa phương đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi xanh, đặt biệt trong các lĩnh vực hạ tầng về giao thông vận tải, năng lượng tái tạo,…Đơn cử, TP.HCM có lợi thế rất lớn từ Nghị quyết 98, có thể thực hiện phát hành trái phiếu xanh trong việc xây dựng giao thông đô thị, xây dựng hạ tầng công trình đạt quy chuẩn “xanh”. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp tham gia”.

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam.

Song, theo ông Bình, tỷ trọng tín dụng xanh vẫn còn rất khiêm tốn, dư nợ tín dụng xanh chỉ chiếm 4,32% tổng dư nợ toàn nền kinh tế do đây là lĩnh vực mới. Đáng chú ý, các khoản vay tín dụng xanh chủ yếu được tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm khoảng 46%), lĩnh vực quản lý nước bền vững (chiếm khoảng 13%).

“Gần đây thị trường tín dụng xanh đang có xu hướng dịch chuyển sang một số lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đòi hỏi nguồn vốn với giá trị rất lớn và kỳ hạn dài. Dù vậy, một số ngành có tác động lớn trong chuyển đổi xanh chưa được quan tâm mạnh mẽ như giao thông vận tải, quản lý chất thải…”, ông Bình nhận định.

Về thị trường trái phiếu xanh, Giám đốc Economica Việt Nam cho biết trái phiếu xanh đang dần có những cơ sở pháp lý cụ thể hơn.

Chẳng hạn, từ cuối năm 2015, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã xây dựng Đề án phát triển thị trường trái phiếu xanh trong chương trình hợp tác giữa Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ). Hay vào năm 2016, Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án phát hành thí điểm trái phiếu xanh của chính quyền địa phương.

Theo thống kê, từ năm 2019 – 2023, Việt Nam đã phát hành trái phiếu xanh được 1,157 tỷ USD. Ước tính, từ năm 2018 đến năm 2022, tại Việt Nam đã có tổng cộng 18 đợt phát hành trái phiếu xanh ra công chúng. Trong đó, phần lớn nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu (57%) được sử dụng cho năng lượng tái tạo – ngành chính được các bên liên quan của Việt Nam quan tâm, cùng với ngành chất thải và nông nghiệp.

Các địa phương như TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu,..đang dần có những bước đầu trong việc phát hành trái phiếu chính quyền xanh. Song hành cùng có là các trái phiếu do doanh nghiệp phát hành liên quan đến các dự án năng lượng tái tạo.

Trong khi đó, theo ông Bình, cổ phiếu xanh đang là một khái niệm mới đối với Việt Nam. Hiện, đã có những doanh nghiệp tiên phong và thành công trong việc phát hành cổ phiếu xanh liên quan đến ESG (Environment – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp) như Vinamilk, Vinfast, FPT…

“Cổ phiếu xanh hiện nay không chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi môi trường, mà có thể được thực hiện bởi nhiều ngành nghề khác nhau, từ năng lượng tái tạo đến bất động sản xanh hay nông nghiệp bền vững. Với xu hướng này, các cơ hội tài chính và đầu tư đang dần mở ra cho nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam”, TS. Lê Duy Bình nhấn mạnh.

CẦN NHIỀU HƠN NHỮNG ĐỘNG LỰC TỪ THỊ TRƯỜNG

Dù vậy, TS. Lê Duy Bình cho rằng những khó khăn, thách thưc trong phát triển tài chính xanh ở Việt Nam vẫn còn. Trong đó, tính thanh khoản trên thị trường tài chính xanh Việt Nam còn khá thấp.

Nguyên nhân là do nhận thức về tài chính xanh còn hạn chế, nhiều nhà đầu tư chưa quan tâm tới sản phẩm này. Đồng thời, còn thiếu vắng nhà đầu tư có tổ chức tham gia trên tất cả các mảng thị trường tín dụng, cổ phiếu và trái phiếu xanh dẫn đến thị trường thiếu sự chuyên nghiệp và không hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế.

Thị trường tín dụng xanh tại Việt Nam đang có xu hướng dịch chuyển – Ảnh minh họa.

“Trong khi đó, nguồn cung của thị trường còn hạn chế do thiếu các dự án xanh và chưa có nhiều tổ chức phát hành. Động lực tăng trưởng của thị trường tài chính xanh tại Việt Nam giai đoạn 2015 đến nay chủ yếu đến từ định hướng chính chưa xuất phát từ thị trường”, Giám đốc Economica Việt Nam nhấn mạnh.

Về phía cầu, nguyên nhân là do nhận thức về tài chính xanh còn hạn chế, nhiều nhà đầu tư chưa quan tâm tới sản phẩm này. Đồng thời, nguồn cung của thị trường còn hạn chế do thiếu các dự án xanh và chưa có nhiều tổ chức phát hành.

Mặt khác, các quy định, định nghĩa cụ thể về các danh mục, ngành lĩnh vực xanh vẫn chưa được thống nhất để có thể áp dụng chung trên cả nước đã gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại trong việc lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Tuy nhiên, dù vẫn còn nhiều thách thức, những “cánh cửa” cơ hội vẫn đang mở ra đối với tài chính xanh tại Việt Nam, TS. Lê Duy Bình nhấn mạnh: “Chúng ta có chỉ số đầu tư vào tăng trưởng xanh rất lớn trên bản đồ thế giới. Điều cần thiết là phải luôn trong tư thế sẵn sàng chuẩn bị tất cả nguồn lực, xác định nội dung chính sách, thể chế, quy định,.. cần phải thay đổi, cần thực hiện trong tương lai”.

Theo Báo cáo Cơ hội đầu tư khí hậu của IFC, giai đoạn 2016-2030, Việt Nam có thể thu hút được khoảng 753 tỷ USD đầu tư cho trái phiếu khí hậu. Đầu tư cho năng lượng tái tạo có thể thu hút được 59 tỷ USD. Trong đó, hơn một nửa (31 tỷ USD) là vào các dự án năng lượng mặt trời và 19 tỷ USD cho các dự án thủy điện nhỏ. Khoảng 80 tỷ USD sẽ đầu tư vào lĩnh vực công trình xanh.

Theo VnEconomy.

Bài viết liên quan