Việt Nam đặt ra nhiều ưu tiên cho việc xây dựng nền kinh tế xanh và rất cần thu hút các nguồn vốn đầu tư vào các dự án phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực tài chính trong và ngoài nước, từ các khu vực khác nhau trong nền kinh tế là bài toán khó cần có sự chung tay từ cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp.
Nguồn: Quyết định số 1658/QĐ-TTg. Đồ họa tư liệu |
Còn nhiều khó khăn để doanh nghiệp chuyển đổi xanh
Tháng 10/2021, Thủ tướng ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn năm 2050, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, với Việt Nam, tăng trưởng xanh hướng tới sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội là lựa chọn tất yếu. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.
Thực tế, Việt Nam đang đặt ra những mục tiêu Net – Zero rất cao, đó là đến năm 2050 giảm phát thải ròng carbon bằng 0; quy mô nền kinh tế xanh từ 6,7 tỷ USD năm 2020 lên đến 300 tỷ USD trong tổng GDP quốc gia vào năm 2050.
Các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế cũng khẳng định, tại Việt Nam, sản xuất xanh đang trở thành một trong những mô hình được nhiều doanh nghiệp hướng tới với các dự án ứng dụng những giải pháp xanh từ khâu nguyên liệu đến sản xuất và phân phối, như sử dụng nhiên liệu khí tự nhiên, điện mặt trời, xe nâng điện, đóng gói tự động…
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh. Ông Lê Hoàng Lân – đại diện Vụ Tài chính, tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, các dự án xanh hiện tại còn dàn trải, phân mảnh, chủ yếu được tổ chức theo từng bộ ngành, lĩnh vực, thiếu cơ chế hỗ trợ xuyên suốt cho các công nghệ xanh mới và đột phá. Bên cạnh đó, doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn để có nguồn lực mở rộng sản xuất, từng bước trở thành doanh nghiệp xanh; nguồn vốn vay từ ngân hàng với lãi suất ưu đãi, hay từ quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo vẫn rất khiêm tốn với nhu cầu của nhiều doanh nghiệp.
Đại diện doanh nghiệp, bà Diệp Thị Kim Hoàn – Giám đốc Phát triển bền vững, Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C chia sẻ, doanh nghiệp rất thiếu thông tin về các đơn vị cấp tín dụng xanh. Mặt khác, khi tiếp cận được các đơn vị cấp tín dụng xanh thì có một số chi phí thực tế phát sinh (ngoài chi phí lãi suất, có thể có thêm các chi phí như phí bảo lãnh, phí xử lý hồ sơ…). Doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi các quỹ tín dụng xanh thường không chấp nhận tài sản bảo đảm mà yêu cầu doanh nghiệp cần có bảo lãnh ngân hàng. Tiêu chí về các dự án xanh được cấp tín dụng cũng chưa cụ thể, rõ ràng, có sự khác nhau giữa các đơn vị cấp tín dụng…
Nâng cao khả năng huy động và sử dụng các công cụ tài chính xanh
Theo các chuyên gia, Việt Nam đã có những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng xanh. Trong bối cảnh hiện tại, cần xây dựng và triển khai toàn diện các định hướng và giải pháp tài chính xanh để đổi mới mô hình tăng trưởng xanh. Đặc biệt, cần tập trung vào việc nâng cao khả năng huy động và sử dụng các công cụ tài chính xanh, đồng thời đảm bảo đầu tư hiệu quả.
Cần lộ trình cụ thể để huy động đủ các nguồn lực cho tăng trưởng xanh Để đạt được mục tiêu đặt ra, Việt Nam cần nhiều bước đi đột phá, lộ trình cụ thể để huy động đủ các nguồn lực. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần khoảng 370 tỷ USD vốn đầu tư để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhu cầu tài chính cho các biện pháp giảm phát thải trong từng lĩnh vực theo cam kết môi trường của Việt Nam đến năm 2030 là khoảng 68,75 tỷ USD. |
TS. Cấn Văn Lực – Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho biết, sản xuất xanh đang là mô hình được nhiều doanh nghiệp Việt Nam hướng tới để bắt kịp xu hướng tiêu dùng xanh, nhưng việc chuyển đổi xanh lại gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong tiếp cận nguồn vốn. Điều này đòi hỏi nhiều giải pháp hữu hiệu để khơi thông, thúc đẩy nguồn vốn xanh, giúp sớm hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Về trái phiếu xanh, TS Cấn Văn Lực cho hay, đến giai đoạn 2019 – 6/2024, toàn thị trường đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh.
Tuy nhiên, doanh nghiệp chuyển đổi xanh trong sản xuất là đòi hỏi, sức ép của thị trường, cũng là lợi ích của doanh nghiệp trong hiện tại và lâu dài. Nếu doanh nghiệp không sản xuất ra các sản phẩm xanh thì khó có thể xuất khẩu được vào nhiều thị trường khó tính (đơn cử thị trường châu Âu).
Theo đánh giá của Ủy ban châu Âu, quy mô thị trường toàn cầu hiện nay cho các sản phẩm và dịch vụ xanh ước tính đạt hơn 5.000 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các thị trường truyền thống. Dự báo đến năm 2030, nền kinh tế xanh sẽ tạo ra khoảng 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu. Kinh tế xanh còn tạo cơ hội thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư vào nhiều lĩnh vực mới như: Năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị – công trình xanh, tài chính xanh…
Về giải pháp, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị, thời gian tới cần gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh và tài chính xanh với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Theo đó, Chính phủ sớm ban hành Danh mục phân loại xanh, trong đó nên có xác định lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên và tổ chức thẩm định/xác nhận đủ tiêu chuẩn xanh. Ban hành chính sách định hướng thay đổi hành vi; khuyến khích, hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho xe điện, xe tiết kiệm năng lượng.
Bên cạnh các hỗ trợ tài chính về thuế, phí, lãi suất, gồm cả chi phí xác nhận xanh, nếu có… cho các sản phẩm, dịch vụ xanh, cần sớm nghiên cứu thành lập Quỹ chuyển đổi xanh, Quỹ đầu tư mạo hiểm xanh, Quỹ tăng trưởng xanh; xây dựng hệ sinh thái tài chính xanh; thành lập thị trường tín chỉ carbon. Đồng thời, thu hút nhân lực gắn với đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tham gia quá trình xanh hóa bao gồm cả cơ quan quản lý, nhà đầu tư/nhà băng, nhà trường…
ÔNG TÔ TRẦN HÒA – VỤ TRƯỞNG VỤ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG, ỦY BAN CHỨNG KHOÁN NHÀ NƯỚC: Mục tiêu phát triển công cụ tài chính xanh
Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1934/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, đặt ra mục tiêu “Phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững”. Các công cụ này sẽ là các trụ cột quan trọng trong việc xây dựng thị trường vốn xanh, bền vững, góp phần phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn, nguồn tài chính cần thiết cho các dự án liên quan đến năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, xanh và các dự án bảo vệ môi trường khác, từ đó, giúp làm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng không tái tạo và khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường. ÔNG LÊ HOÀNG LÂN -VỤ TÀI CHÍNH, TIỀN TỆ, NGÂN HÀNG NHẰ NƯỚC: Sớm xây dựng hệ thống danh mục xanh Hiện nay, doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình cập nhật thông tin phân tích thị trường, khó đưa ra lựa chọn dự án và địa điểm phù hợp. Để thúc đẩy nền tài chính xanh ở Việt Nam, hướng tới mục tiêu Net-Zero, Nhà nước cần có các chiến lược, chính sách và giải pháp cần thiết bảo đảm để thu hút các nguồn vốn từ nền kinh tế, từ hệ thống ngân hàng thương mại, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sớm xây dựng hệ thống danh mục xanh, trong đó, cần được xác lập chi tiết, có các chỉ tiêu đánh giá cụ thể và rõ ràng, là cơ sở cho các doanh nghiệp, khối ngân hàng và các quỹ tài chính trong và ngoài nước tham gia vào quá trình tăng trưởng tài chính xanh. ÔNG QUAN ĐỨC HOÀNG – HĐQT CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ AMBER, CHỦ TỊCH QUỸ ĐẦU TƯ A+: Đủ dòng tiền cho doanh nghiệp tiếp cận Các quỹ đầu tư luôn đi theo xu hướng của thị trường, do đó ưu tiên hàng đầu là hợp tác với các doanh nghiệp tốt, xanh là một tiêu chí. Tuy nhiên, không phải cứ “làm xanh” là được đầu tư, vì trong kinh doanh cốt lõi vẫn là lợi nhuận. Doanh nghiệp cần đảm bảo rằng, họ có thể mang lại lợi nhuận và đóng góp vào sự phát triển bền vững. “Tiền đang rất sẵn, quan trọng là làm thế nào để tiếp cận”. Để có khả năng tiếp cận nguồn vốn xanh, các chủ doanh nghiệp và giám đốc tài chính cần nắm rõ tiêu chí xanh của ngành mình. Cần hiểu tại sao quỹ cần mình và tại sao mình cần quỹ, cũng như lợi thế cạnh tranh của mình là gì. |