Tín dụng xanh là giải pháp hiệu quả để giảm nhẹ thiệt hại do biến đổi khí hậu, đồng thời cũng góp phần hướng đến phát triển kinh tế bền vững…
Tại nước ta, tính từ năm 2017 đến nay, thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh có tốc độ phát triển hơn 20%/năm, cao hơn hẳn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Vào tháng 10/2021, Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050” với mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh; hướng đến nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Chiến lược đặt ra mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; phấn đấu đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014; đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến chuyển đổi xanh như: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; Quy hoạch điện VIII…
Nước ta cũng đã tham gia tích cực, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế trong chống biến đổi khí hậu như: Cam kết tại COP26 về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050; Tuyên bố Chính trị thiết lập Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP)…
Nhìn vào Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2022 cho thấy, để theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng 0, nước ta cần khoản đầu tư tương đương 6,8% GDP mỗi năm (khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040). Trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động lớn đến môi trường tự nhiên, gây tổn thất nặng nề về kinh tế.
Có nhiều giải pháp được triển khai để giảm nhẹ thiệt hại do biến đổi khí hậu. Trong đó, những giải pháp về tài chính gồm có tín dụng xanh được xem là hiệu quả và góp phần hướng tới phát triển kinh tế bền vững…
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Tính tới hết tháng 3/2024, có 47 nhà băng cho vay, dư nợ khoảng 637.000 tỷ đồng, tăng trưởng 2,6% so với 2023, chiếm tỷ trọng 4,5% tổng dư nợ nền kinh tế.
Các dự án được các NHTM chú trọng đầu tư là: năng lượng điện tái tạo, kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực dệt may, yếu tố bảo vệ môi trường của các sản phẩm chế biến gỗ, dự án chống biến đổi khí hậu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long… Với sự nỗ lực của các nhà băng, tín dụng xanh trở thành trụ cột tài chính quan trọng giúp doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, giảm chi phí giá thành, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho biết, tỷ lệ dư nợ tín dụng xanh chỉ đạt tỷ trọng trên 4,5% tổng dư nợ nền kinh tế một con số còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp để phát triển các dự án dự án xanh. Khó khăn trong cho vay các dự án xanh hiện nay là việc phân loại, tiêu chí các dự án xanh, thực tế nhiều doanh nghiệp cũng chưa thực sự mặn mà để tiếp cận nguồn vốn xanh.
Về tiêu chí phân loại các dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP đã quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan xây dựng trình Thủ tướng ban hành tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.
Tuy vậy để tiếp cận được nguồn vốn này, các doanh nghiệp cần phải chủ động tìm hiểu thông tin, xác định dự án đầu tư. Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam cho rằng cần xác định mục tiêu định lượng cụ thể phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam, tạo động lực phát triển tài chính xanh.
Cùng với đó chủ động tiếp cận các nguồn vốn quốc tế thông qua hợp tác song phương và các tổ chức tài chính quốc tế để thu hút nguồn vốn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện xác nhận chứng chỉ carbon, hình thành thị trường carbon trong nước và kết nối với thị trường carbon quốc tế.
Bộ Tài chính cho biết, trong giai đoạn 2019 – 2023, Việt Nam phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh. Tuy nhiên, con số này còn rất khiêm tốn so với nhu cầu vốn trung bình khoảng 20 tỷ USD/năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh, dự án xanh. Theo đề suất của TS. Lê Duy Bình, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến tín dụng xanh theo hướng tăng cường tính bắt buộc để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các nguồn vốn cho tín dụng xanh tại Việt Nam, xem xét ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn quốc tế thông qua hợp tác song phương và các tổ chức tài chính quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi phát triển trái phiếu xanh, nâng cao nhận thức doanh nghiệp về phát triển bền vững. |