Sáng ngày 21/03/2023, Tạp chí điện tử Môi trường Xây dựng. Công Ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn phối hợp cùng Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, Công ty TNHH Yến Thạch Hộc thực hiện Chương trình “Đưa hoa lan rừng về với thiên nhiên” tại Thảo Cầm Viên (TP Hồ Chí Minh) nhân Ngày Quốc tế về Rừng và nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập TCVSG (23/03/1864-23/03/2023).
Đây là chương trình nhằm lưu giữ những giống hoa Lan rừng trên những cây cổ thụ của Thảo Cầm Viên Sài Gòn, từ đó mọi người dân vừa có thể chiêm ngưỡng, vừa có thể lưu giữ những cá thể lan rừng quí hiếm trong khuôn viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn và cũng là một trong những hình ảnh trực quan sinh động thực tại giúp những du khách có ý thức trong việc gìn giữ loài hoa Lan rừng quí mà thiên nhiên ban tặng
Hoa lan được mệnh danh là nữ hoàng của các loài hoa với nét đẹp kiêu sa, kiều diễm và đa dạng về thể loại. Thú chơi lan từ lâu đã phát triển mạnh tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Thế nhưng, chính từ nhu cầu chơi lan ngày càng đông và lan rộng đã xuất hiện một số người chuyên “săn” lan để tìm kiếm những gốc lan có giá trị cao, khiến một số loại lan rừng quý hiếm đã không còn xuất hiện ở Việt Nam.
Đợt này, Thảo cầm viên TPHCM tiếp nhận 2,5 tấn lan bao gồm những cá thể lan như Lan kiếm, Phi điệp, Ngọc điểm…của những cánh rừng Hòn Hèo, Nam Cát Tiên, Bù Gia Mập, Măng Đen, Buôn Đôn… đã được nhân giống từ nguồn gene lan lấy từ các khu bảo tồn tự nhiên.
Theo ông Đặng Bảo Quốc, Trưởng Đại diện phía Nam Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam chia sẻ để bảo vệ lan rừng chúng ta cần hành động triệt để và mạnh mẽ hơn; để có thể bảo tồn và nuôi dưỡng các giống lan rừng còn lại hiện nay, các cơ quan chức năng cần quyết liệt đưa ra các biện pháp bảo tồn các loài thực vật quý hiếm, trong đó có lan rừng. Bằng các biện pháp thiết thực như hỗ trợ các địa phương thành lập các khu bảo tồn; khuyến khích người dẫn thực hiện các kế hoạch về bao tồn lan rừng; tuyên truyền nhân dân bảo vệ vẻ đẹp nguyên sơ của đại ngành…
Bên cạnh đó, mỗi người dân cần có ý thức bảo vệ và chăm sóc để các loại lan rừng, làm đẹp thêm hệ sinh thái của nước ta. Không nên vì mục đích cá nhân mà “sưu tầm” quá mức. Ngoài ra để bảo tồn hiệu quả, người dân nên học hỏi và nghiên cứu thêm về kiến thức nuôi trồng lan rừng để có thể nhân giống và phát triển các loài lan thêm bền vững.
Chương trình hợp tác Dự án “Đưa hoa lan rừng về với thiên nhiên” sẽ được thực hiện trong 02 năm, trong đó Hội Môi trường Xây dựng VN, Tạp chí Điện tử Môi trường Xây dựng sẽ hỗ trợ nguồn lan cùng kỹ thuật cho Thảo Cầm Viên Sài Gòn thực hiện Dự án.
Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa cho hoạt động bảo vệ lan rừng, bảo vệ môi trường thiên nhiên.