29/09/2024

Trung tâm tài chính xanh: Lợi thế và điểm nghẽn của TP. HCM

Việc xây dựng TP. HCM thành trung tâm tài chính xanh được các chuyên gia đánh giá là định hướng khả thi và phù hợp. Tuy nhiên, các lợi thế của thành phố chỉ có tác dụng nếu xây dựng được kế hoạch và đề án cụ thể.

Trung tâm tài chính xanh: Định hướng khả thi

Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi cho biết, địa phương này là một trong mười thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Trung bình mỗi năm, tổng phát thải khí nhà kính trên địa bàn TP. HCM là hơn 60 triệu tấn CO2. Theo ông, TP. HCM đang đối mặt những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nguồn lực và khủng hoảng kinh tế.

Cùng với xu hướng chung của thế giới, TP. HCM đã chọn tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển tương lai, là ưu tiên hàng đầu nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Tuy nhiên, việc phát triển các dự án xanh nhằm góp phần xây dựng nền kinh tế xanh đòi hỏi nguồn lực lớn về tài chính, thậm chí lớn hơn nhiều so với những dự án không gắn mác “xanh”. Nhiều chuyên gia cho rằng, để chuyển đổi sang kinh tế xanh, TP. HCM cần xây dựng lộ trình để trở thành trung tâm tài chính xanh của cả nước nhằm đáp ứng được các nhu cầu lớn về vốn trong quá trình chuyển đổi. Theo PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP. HCM (UEH), định hướng này là hoàn toàn phù hợp với TP. HCM.

“Định hướng này khả thi với TP. HCM và phù hợp với chiến lược quốc gia giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025. TP. HCM sẽ đóng vai trò đầu tàu đi trước những địa phương khác của cả nước về tài chính xanh, từ đó không chỉ cung ứng nguồn vốn phát triển cho kinh tế xanh của thành phố nói riêng mà cả nước nói chung”, ông Nguyễn Hữu Huân cho biết.

Theo ông, TP. HCM có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm tài chính xanh. Trước hết, bản thân địa phương này đã là trung tâm tài chính của Việt Nam, là nơi hiện diện của nhiều định chế tài chính lớn trong và ngoài nước như hệ thống ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, Fintech,… với quy mô về cả số lượng và giá trị giao dịch đều đứng đầu cả nước. Cùng với đó, việc kết nối vùng trong thời gian tới cũng được nhận định là lợi thế của TP. HCM. Các lợi thế này sẽ tạo điều kiện để thành phố chuyển đổi sang mô hình trung tâm tài chính xanh một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.

Tại Diễn đàn Kinh tế TP. HCM năm 2023, Phó thủ tướng Lê Minh Khai đã nhận định TP. HCM là nơi thử nghiệm tốt nhất các chính sách thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhờ đặc thù về đô thị, quy mô dân số và tính năng động của nền kinh tế. Với quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, TP. HCM đang đóng góp 20% GDP quốc gia, hơn ¼ thu ngân sách, dẫn đầu về thu hút FDI và xuất nhập khẩu, chiếm gần 30% doanh nghiệp cả nước. Tuy nhiên, địa phương này cũng là thành phố phát thải nhà kính lớn nhất, khoảng 57,6 triệu tấn, tương đương 23,3% cả nước.

Mở khoá các điểm nghẽn

Dù có nhiều động lực cũng như lợi thế để hình thành một trung tâm tài chính xanh, các chuyên gia đánh giá TP. HCM vẫn chưa vượt qua được điểm nghẽn lớn nhất trong lộ trình chuyển đổi xanh là chính sách. Theo PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, dù đã có Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. HCM, nhưng các cơ chế đặc thù như mức độ tự chủ vẫn chưa được quy định rõ ràng. Bên cạnh đó, các định hướng xây dựng trung tâm tài chính xanh mới chỉ dừng ở mức đề xuất, chưa có tầm nhìn rõ ràng về việc xây dựng TP. HCM trở thành trung tâm tài chính xanh, hay trung tâm tài chính công nghệ xanh.

Một điểm nghẽn khác được PGS. TS Nguyễn Hữu Huân đánh giá là khó khăn chung của thị trường là nhận thức về tài chính xanh, ở cả người dân và doanh nghiệp. “Dù Việt Nam đã cam kết đến năm 2050 sẽ đưa phát thải ròng bằng 0, cũng như có các kế hoạch chuyển đổi xanh, nhưng ý thức và nhận thức của mọi người về yếu tố xanh vẫn còn hạn chế, doanh nghiệp cũng chưa thực sự giàu, đa số là doanh nghiệp SME (nhỏ và vừa), do đó chưa có nhu cầu về chuyển đổi xanh cũng như nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng xanh”, vị chuyên gia này cho biết.

Theo ông, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xanh như năng lượng tái tạo, năng lượng gió, điện mặt trời,… trong thời gian qua liên tục thua lỗ, thậm chí phá sản. “Chính sách của mình ban đầu khuyến khích những ngành liên quan đến chuyển đổi xanh, nhưng sau đó lại chưa bộc lộ được sự ưu tiên. Bằng chứng là những công ty năng lượng tái tạo như Trung Nam rơi vào tình trạng thua lỗ”, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân cho biết. Ông cho rằng đang có sự thoái trào về kinh tế xanh và những ngành công nghiệp xanh, cũng như việc chuyển đổi xanh ở Việt Nam. Việc chính sách chưa quy định rõ ràng những ưu đãi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xanh sẽ không khuyến khích được doanh nghiệp tham gia chuyển đổi xanh, từ đó không có nhu cầu về tín dụng xanh.

Điểm nghẽn cuối cùng mà vị chuyên gia này đề cập là việc tìm kiếm các nguồn vốn và các quỹ đầu tư trên thế giới. Theo đó, khối ngân hàng sẽ khó tài trợ được 100% cho các dự án xanh, mà phải huy động từ các nguồn vốn quốc tế, với các chương trình tái thiết, chuyển đổi xanh để có được mức lãi suất thấp, từ đó mới có thể cho vay các dự án xanh trong nước với lãi suất thấp tương ứng. Tuy nhiên, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân đánh giá đây lại là hạn chế của Việt Nam. Trái phiếu xanh mới đang ở giai đoạn manh nha hình thị trường, những khoản vay ESG vẫn chưa có. Những yếu tố về tài chính xanh tại Việt Nam còn quá sơ khai, sẽ là rào cản nhất định khi muốn nghiên cứu phát triển TP. HCM thành trung tâm tài chính xanh.

Đồng quan điểm, TS Lê Bá Chí Nhân cũng đưa ra 2 điểm nghẽn lớn ngăn cản TP. HCM hình thành trung tâm tài chính xanh, đó là chính sách và cơ chế. Theo đó, TS Nhân cho rằng TP. HCM cần xây dựng đề án với tầm nhìn dài hạn ít nhất 10 năm, trong quá trình đó sẽ rút kinh nghiệm, cập nhật những bước tiến mới của nền kinh tế. Dù Nghị quyết 98 đã có những cơ chế đặc thù cho TP. HCM, nhưng TS Nhân đánh giá những cơ chế này vẫn chung chung và phải cụ thể hơn.

Bên cạnh đó còn có điểm nghẽn về nguồn nhân lực. Theo vị chuyên gia này, nhiều quốc gia trên thế giới có bộ phận riêng, không cần quá nhiều người nhưng phải có chuyên môn về tài chính xanh, ngân hàng xanh. Những nhân lực này sẽ đưa ra quy định, quy chế về các dự án xanh, tiêu chí giải ngân cũng như theo dõi dòng chảy của vốn tín dụng xanh. Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực này.

Theo Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance

Bài viết liên quan