Là doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa thành công hàng đầu ở Việt Nam, từng chinh phục thị trường khó tính nhất nhì thế giới là EU, song tại Việt Nam, túi nhựa phân hủy sinh học vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn và thách thức trên “sân nhà”. Bài toán khó ở đây xuất phát từ chính sách, và mức độ tiếp nhận sản phẩm “xanh” của người dân.
Tuy vậy, với tâm thế không bỏ cuộc và bản lĩnh người tiên phong, Tập đoàn An Phát Holdings luôn không ngừng nỗ lực để mỗi người dân Việt thay đổi từng ngày, để Việt Nam không còn là “điểm trắng” trên bản đồ sản phẩm nhựa sinh học của thế giới.
Nhân dịp đầu Xuân Quý Mão 2023, VnBusiness đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Lê Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc An Phát Holdings, doanh nghiệp sản xuất túi nhựa sinh học phân huỷ hoàn toàn, đạt mọi chứng chỉ xuất khẩu vào châu Âu và lọt top 2 sản phẩm ưa chuộng, mua sắm nhiều nhất trong giỏ hàng túi nhựa sinh học phân huỷ hoàn toàn trên Amazon.
Thưa ông, sản phẩm nhựa ngày càng hiện diện trong đời sống sinh hoạt đặc biệt là mua sắm của người Việt, nhưng đối diện với nó là vấn nạn ô nhiễm môi trường, hủy hoại sức khoẻ đang ngày càng thách thức. An Phát Holdings đang giải quyết vấn đề này thế nào trong chiến lược của mình 5-15 năm tới?
Năm 2002, An Phát Holdings đi từ doanh nghiệp làm túi nhựa với sản lượng chỉ 10 tấn/tháng, sau 20 năm phát triển, An Phát Holdings hiện nay có 17 công ty thành viên hoạt động trên 6 lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực bao bì nhựa.
An Phát Holdings hiện sản xuất khoảng 9.000 tấn túi nhựa/tháng (500 container/tháng) và gần 99% xuất khẩu với 60% sản phẩm đích đến là châu Âu, 30% xuất sang Nhật và 10% xuất sang Bắc Mỹ.
Do thị trường châu Âu lớn nhất, họ lại có chuyển đổi từ sản phẩm nhựa thông thường sang sản phẩm nhựa sinh học phân huỷ hoàn toàn, đây là căn nguyên cũng là thời cơ để An Phát Holdings chuyển sang phát triển sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường, đủ điều kiện thị trường xuất khẩu ở châu Âu.
Từ 2012, thị trường châu Âu, trong đó có Pháp, Italia đi đầu trong việc sử dụng các sản phẩm nhựa sinh học và bây giờ là toàn bộ thị trường châu Âu đều cấm các sản phẩm nhựa thông thường là lúc chúng tôi đặt chân vào đây và khai thác thị trường này. Theo chúng tôi biết, năm 2030 toàn bộ thị trường châu Âu sẽ cấm các loại sản phẩm nhựa thông thường, chỉ cho phép sản xuất, lưu hành túi nhựa phân hủy sinh học.
Từ năm 2012 – 2018, chúng tôi thường xuyên phải nhập khẩu hạt nhựa sinh học, nhưng đến 2019, chúng tôi đã chủ động được nguồn nguyên liệu bằng việc đầu tư vào một nhà máy hạt nhựa sinh học từ Hàn Quốc, với công suất khoảng 3.000 tấn/năm. Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện xây dựng nguồn nguyên liệu phân hủy sinh học của riêng mình.
Như ông vừa chia sẻ thì có thể thấy, sản phẩm nhựa phân hủy sinh học của An Phát Holdings rất thành công tại thị trường châu Âu, vậy tại thị trường nội địa thì sao?
Tại Việt Nam, các sản phẩm của chúng tôi chủ yếu đi vào các phân khúc khách hàng muốn xây dựng và bảo vệ hình ảnh của mình trong mắt người tiêu dùng. Hiện các bao bì nhựa phân hủy sinh học của chúng tôi đã được các đơn vị lớn tin dùng như Vinamilk, Soc&Brothers, Pizza 4P’s…
Việc nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng bền vững được chúng tôi xem là một trong những ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi luôn tâm niệm phải đồng hành cùng Chính phủ trong việc tuyên truyền, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Chuyển đổi sản phẩm đi liền với chuyển đổi cả hệ sinh thái, tư duy, công nghệ và thị trường đích. Lý do nào An Phát Holdings tự tin vào thay đổi của mình?
Với câu chuyện sản phẩm túi nhựa sinh học phân huỷ hoàn toàn có chỗ đứng và bao phủ ở Việt Nam hay không. Câu trả lời là “Có” nếu được chính sách ủng hộ và người tiêu dùng nhận thức đúng, đầy đủ.
Hiện nay, các sản phẩm nhựa truyền thống vẫn còn phổ biến tại Việt Nam, tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm nhựa sinh học chiếm còn thấp. Tuy nhiên, trong tương lai, chúng ta sẽ phải dần loại bỏ các sản phẩm nhựa thông thường, hướng đến các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường.
Việc Việt Nam lên kế hoạch sau năm 2030 dừng sản xuất sản phẩm nhựa sử dụng một lần sẽ mở rộng cơ hội cho những doanh nghiệp sản xuất nhựa thân thiện môi trường. Do đó, bản thân doanh nghiệp cần xác định phải đầu tư vào nguồn nguyên liệu mới, công nghệ mới, sản phẩm mới để sẵn sàng cho sản phẩm mới với đòi hỏi mới ngay từ bây giờ.
Với An Phát Holdings, từ năm 2013 khi bắt đầu nghiên cứu và phát triển sản phẩm nhựa phân hủy sinh học, phải mất một khoảng thời gian khá dài để có thể tìm kiếm chỗ đứng trên thị trường. Nhưng giờ đây, sau gần 10 năm kiên trì nỗ lực, chúng tôi tự tin rằng Tập đoàn có đủ tiềm lực để đẩy mạnh phát triển sản phẩm nhựa “xanh”, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường toàn cầu.
Ông vừa đề cập đến vấn đề chính sách đối với các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường. Vậy ông có thể chia sẻ cụ thể được không?
Theo Luật Thuế môi trường hiện hành, túi nilon (loại nhựa thông thường, gây ô nhiễm môi trường, không phân hủy) đang áp dụng kịch khung là 50.000 đồng/kg. Với chi phí sản xuất sản phẩm này chỉ 30.000 đồng/kg, mức giá bán ra thị trường thông thường sẽ vào khoảng 80.000 đồng/kg, nhưng thực tế giá bán của loại túi này vẫn “rẻ như cho”, do hình thức sản xuất hộ gia đình chưa thể áp thuế triệt để.
Do đó, cán cân thị trường hiện vẫn đang nghiêng về loại sản phẩm này. Chính vì thế, nếu không có các biện pháp hạn chế các sản phẩm không thân thiện với môi trường thì người dân sẽ vẫn tiếp tục sử dụng.
Bên cạnh đó, cần có các quy định về gắn nhãn để phân biệt túi thân thiện với môi trường, bởi thực tế hiện nay, có rất nhiều loại túi nhựa gắn mác “tự huỷ sinh học” nhằm tránh thuế đang xuất hiện tràn lan trên thị trường. Về bản chất, loại túi này không khác gì nhiều so với túi nhựa PE thông thường, nó chỉ được thêm một phần rất nhỏ chất phụ gia OXO để dễ phân rã thành vi nhựa. Các hạt nhựa này rất nguy hiểm, nó có thể bị hấp thụ và tích lũy trong cơ thể các loài sinh vật và cứ thế tiếp tục đi vào chuỗi thức ăn của con người
Hiện sản phẩm túi nhựa OXO này có chi phí sản xuất khoảng 30.000 đồng/kg và cộng thêm 10.000 đồng tiền phụ gia, nhưng lại được miễn Thuế bảo vệ môi trường. Trong khi đó, các sản phẩm túi nhựa phân hủy sinh học hoàn toàn, không gây hại cho môi trường, hiện có chi phí lên tới 70.000-80.000 đồng/kg. Do đó, sẽ rất khó cạnh tranh với túi nhựa OXO.
Để sản phẩm xanh rộng đường phát triển tại Việt Nam, theo tôi, các nhà hoạch định chính sách cần đưa ra những biện pháp rõ ràng, cụ thể hơn, đồng thời hoàn thiện hành lang pháp lý về thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon, túi nhựa khó phân hủy.
Là doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất các sản phẩm nhựa “xanh”, vậy ông có lời khuyên gì dành cho các doanh nghiệp đã và sẽ theo đuổi con đường phát triển xanh, bền vững? Kiến nghị của An Phát Holdings về chính sách cho phát triển xanh khi đây sẽ từ khóa mà nhiều doanh nghiệp quan tâm trong năm 2023?
Về phía các doanh nghiệp, theo tôi, việc xây dựng và theo đuổi mô hình kinh tế xanh phát triển bền vững đòi hỏi doanh nghiệp phải có nguồn tài chính dồi dào, nguồn nhân lực có trình độ, hiện đại. Chuyển hướng sang tăng trưởng xanh đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp cần tập trung ưu tiên nghiên cứu xây dựng những mô hình phát triển kinh tế xã hội đặt trọng tâm vào phúc lợi cộng đồng, hạnh phúc con người, sức khỏe môi sinh bên cạnh các lợi ích về kinh tế, tài chính.
Bên cạnh sự đồng hành của doanh nghiệp, theo tôi, việc đồng bộ mô hình kinh doanh sản xuất theo xu hướng phát triển xanh bền vững, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ cần trợ lực rất nhiều về chính sách từ Chính phủ.
Trong đó, các vấn đề lý luận và nhận thức về kinh tế xanh hiện nay ở Việt Nam vẫn khá mới mẻ với phần lớn các doanh nghiệp cũng như người dân. Vậy nên, theo ý kiến cá nhân tôi, các nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu kỹ lưỡng và phổ biến rộng rãi kiến thức về mô hình kinh tế này cho các doanh nghiệp và người dân để từng bước thay đổi tập quán sản xuất, tiêu dùng và sinh hoạt.
Đồng thời, Chính phủ nên tích cực đề ra các biện pháp tuyên truyền, thúc đẩy mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững hướng mạnh theo chiều sâu dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, hạn chế sử dụng tài nguyên hóa thạch, tăng cường sử dụng tài nguyên có khả năng tái tạo trong sản xuất.
Đặc biệt, để tạo cơ chế khuyến khích cho các doanh nghiệp đang hướng đến mô hình kinh tế xanh tuần hoàn, Chính phủ cũng nên có những chính sách hỗ trợ giảm thiểu rủi ro cho các dự án bền vững, nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển bền vững trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước như Nhật Bản, Canada, Luxembourg đang thực hiện. Đồng thời, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến tín dụng xanh theo hướng tăng cường tính bắt buộc để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh.
Xin cám ơn ông!
Theo VnBusiness