31/12/2024

Việt Nam cần làm gì để xây dựng sàn giao dịch tín chỉ carbon hiệu quả?

Các quốc gia trên thế giới đang tìm kiếm các giải pháp để giảm lượng phát thải khí nhà kính. Trong bối cảnh đó, việc phát triển thị trường tín chỉ carbon được xem là một trong những giải pháp hiệu quả để thúc đẩy giảm phát thải.

Việt Nam là một trong những nước đang phát triển có tốc độ phát thải khí nhà kính tăng nhanh. Ngành công nghiệp, giao thông vận tải, và nông nghiệp là những ngành có mức phát thải cao. Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng phát thải của Việt Nam đã tăng đáng kể trong những năm qua, đặc biệt là CO2 từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch.

Việt Nam đã tham gia Hiệp định Paris và cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để thực hiện cam kết này, theo các chuyên gia, Việt Nam cần có các biện pháp giảm phát thải hiệu quả, trong đó thị trường tín chỉ carbon đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Việt Nam dự kiến vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2028.

Theo dự thảo Đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam” được xây dựng trên cơ sở Nghị định 06/2022/NĐ-CP, từ nay đến hết năm 2027, Việt Nam tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon; Dự kiến đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Các chuyên gia cho rằng, việc thành lập thị trường tín chỉ carbon là định hướng quan trọng để Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào 2050. Để triển khai lộ trình này cần có sự chuẩn bị kỹ càng về hạ tầng, kỹ thuật, năng lực kiểm kê và báo cáo của doanh nghiệp.

Theo đó, Việt Nam cần ban hành các quy định và luật pháp liên quan đến việc giao dịch tín chỉ carbon, bao gồm các tiêu chuẩn về đo lường, báo cáo và xác minh (MRV).

Có các chính sách khuyến khích như giảm thuế, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp tham gia thị trường tín chỉ carbon sẽ thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan.

Ngoài ra, Việt Nam cần xây dựng hệ thống giao dịch điện tử để quản lý việc mua bán và trao đổi tín chỉ carbon một cách minh bạch và hiệu quả.

Cùng với đó, đào tạo nhân lực có kiến thức về thị trường tín chỉ carbon, cũng như nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp liên quan.

Việt Nam cũng cần hợp tác với các tổ chức quốc tế và các quốc gia khác để học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính.

Cùng với đó, xây dựng các kênh kết nối với các sàn giao dịch tín chỉ carbon quốc tế để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia và học hỏi.

Tuy nhiên, để vận hành trơn tru sàn giao dịch tín chỉ carbon, các chuyên gia cho rằng còn nhiều thách thứ. Thứ nhất, đây là lĩnh vực mới đối với Việt Nam, do đó thiếu hụt về kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn là một thách thức lớn. Song song đó là ciệc xây dựng hạ tầng và hệ thống giao dịch đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, điều này có thể gây khó khăn cho Việt Nam.

Thế nhưng, bên cạnh những thách thức, thị trường tín chỉ carbon có thể thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp quốc tế, đem lại nguồn vốn và công nghệ tiên tiến cho Việt Nam. Ngoài ra, việc giảm phát thải khí nhà kính không chỉ giúp Việt Nam thực hiện cam kết quốc tế mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và bền vững.

Nhìn chung, Việt Nam cần có một chiến lược toàn diện và cụ thể để chuẩn bị cho việc thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon. Từ việc xây dựng khung pháp lý, phát triển hạ tầng kỹ thuật, đến đào tạo nhân lực và hợp tác quốc tế, tất cả đều cần được thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả. Dù còn nhiều thách thức, nhưng với quyết tâm và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng một thị trường tín chỉ carbon thành công, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải toàn cầu và thúc đẩy phát triển bền vững.

Theo Kinh tế Môi trường.

Bài viết liên quan