Việt Nam đang định hình trở thành điểm đến đầu tư đầy triển vọng cho các doanh nghiệp xanh và công nghệ cao.
Đây là một trong những nội dung được đề cập trong báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý III/2024 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu nhiều biến động nhưng tăng trưởng của Việt Nam vẫn đạt 7,4% trong quý III được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là thành tựu nổi bật. Bên cạnh nỗ lực của Chính phủ trong ổn định lạm phát, hỗ trợ xuất khẩu và cải thiện hạ tầng, việc Việt Nam thúc đẩy các sáng kiến xanh, điển hình là Thoả thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA) đang định hình Việt Nam thành điểm đến đầu tư đầy triển vọng cho các doanh nghiệp công nghệ cao và xanh.
Theo kết quả BCI quý III/2024, hơn 69% doanh nghiệp châu Âu lạc quan về triển vọng đầu tư dài hạn tại Việt Nam. Dù phải đối mặt với một số trở ngại, các kế hoạch mở rộng kinh doanh vẫn nhiều tiềm năng, gần 80% doanh nghiệp cho biết đã có từ 1 – 3 văn phòng hoặc cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
Theo bà Hoàng Tri Mai – thành viên Ban lãnh đạo EuroCham, trong số các doanh nghiệp chia sẻ kế hoạch mở rộng, hơn một nửa dự định mở rộng hoạt động với nhiều kế hoạch phát triển các cơ sở sản xuất mới ở miền Bắc hoặc mở thêm văn phòng tại các thành phố trọng điểm như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Một trong những động lực của Việt Nam trong thu hút FDI, trong đó có dòng vốn FDI từ châu Âu, theo đại diện EuroCham đến từ những giải pháp được Chính phủ thực hiện như cắt giảm chi phí logistics, cải thiện hạ tầng, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao nhằm tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các lĩnh vực công nghệ cao và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.