19/09/2024

Vững bền sinh kế

Kinh qua dông bão cây cỏ kiên cường ngổm dậy mơn mởn dưới chân, từng mạch nước nhỏ bắt đầu trong lại rỉ ra từ núi mang theo mầm sống mãnh liệt.

458966977_1248900336289589_8791360698605607375_n.jpg
Con đường vào xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình – Yên Bái bị chặn lại (Ảnh: Khắc Trà)

Thiên tai là định mệnh của thiên nhiên, là quy luật vận hành của vũ trụ, vạn vật sinh tồn ắt phải đối diện với tai ương. Cho dù tiềm lực quốc gia, vùng miền tốt đến đâu cũng khó tránh khỏi thiệt hại về người và của trước cơn cuồng nộ của thiên nhiên.

Cùng thời điểm với cơn bão Yagi đổ bộ miền Bắc nước ta, trung tâm châu Âu ngập lụt như “ngày tận thế”, hàng trăm người mất mạng, hạ tầng bị tàn phá,… cho dù không có cơn bão nào quét qua. Đó là minh chứng.

Cao tốc Hà Nội – Lào Cai rầm rập xe cộ, thỉnh thoảng bắt gặp tấm băng rôn đỏ chót “hướng về đồng bào”, “đoàn cứu trợ miền Trung”, cờ Tổ quốc phấp phới thật xốn xang trong lòng. Suốt quãng đường ngược lên Tây Bắc xuyên qua bạt ngạt đồi núi, đồng bằng, gợi lên trong tâm trí người viết rất nhiều suy ngẫm.

Gần 40km từ trung tâm thành phố Yên Bái vào đến xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình là con đường như “sợi chỉ” quanh co treo ở lưng chừng đồi, lối ra vào duy nhất của 4.000 người dân và hàng nghìn xe máy, ô tô, máy móc.

Sau mấy ngày mưa khủng khiếp đất đồi nhũn ra rồi trườn xuống bất cứ đâu có thể, cuốn theo mọi thứ trên đường đi. Có hàng chục điểm sạt lở như vậy – theo những người dân nơi đây cho biết, họ chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng như vậy.

1(2).jpg
Hàng chục điểm sạt lở nguy hiểm tại xã Tân Nguyên (Ảnh: Khắc Trà)

Sáng sớm ngày 14/9, một quả đồi lở ngăn chân chúng tôi lại, đất bùn cuộn chặt những cặp lốp siêu to của chiếc xe siêu trọng, đoàn người và xe ùn ứ mỗi lúc một dài thêm. Thật may, điểm sạt xảy ra vào lúc 4h sáng, nếu muộn hơn chẳng biết ai là nạn nhân dưới vực sâu hun hút đối diện vách đồi chừng 10m!

Trong lúc bối rối, một sáng kiến nảy ra, chúng tôi đành để lại xe và vật phẩm bên kia điểm sạt, chỉ mang theo tiền mặt, thuê xe dịch vụ tiếp tục di chuyển về trung tâm xã Tân Nguyên. Người dân đang chờ chúng tôi ở đó.

Rừng tự nhiên đúng nghĩa là thứ khó nhìn thấy nhất cho dù đang ở trên thâm sơn cùng cốc, thay vào đó là quế, bạch đàn, cây dược liệu phủ kín hàng chục cây số đường đi. Đó là sinh kế của nhiều dân tộc anh em như Tày, Nùng, Kinh… cùng san sẻ tài nguyên đất đai thổ nhưỡng để hình thành nên các cụm dân cư dọc vách đồi.

Hơn 150 suất quà bằng tiền mặt được chúng tôi trao đến tận tay bà con thông qua một danh sách của xã, rất nhanh gọn, nhịp nhàng, đảm bảo không ai bị bỏ sót – dù giá trị vật chất ít ỏi nhưng “của ít lòng nhiều”.

Anh cán bộ Văn phòng Ủy ban xã cứ nhắc đi nhắc lại “đây là tấm lòng của những người dân đến từ vùng rốn bão, lũ Quảng Trị lặn lội từ xa xôi mang đến, quý lắm”. Tôi cảm nhận rõ rệt sự xúc động của đồng bào khi cầm trên tay chiếc phong bì trắng không ghi danh tính, địa chỉ.

img_2761(1).jpg
Nét mặt ngây thơ của trẻ em vùng cao (Ảnh: Khắc Trà)

Giữa trưa chúng tôi ghé tạm quán cơm bên đường kiếm gì lót dạ lấy sức tiếp tế gạo, bánh, nước, sữa đến tận thôn bản ngay trong buổi chiều hôm đó. Chị chủ quán lanh lợi “phát hiện” ra chúng tôi là những người vừa đến Ủy ban lúc sáng. Chị nhất quyết phải mời cơm cho bằng được!

Nhiều người bản địa xúm lại tương tác chuyện trò với chúng tôi, một cụ ông cất giọng chắc nịch: Ngày xưa rừng nhiều lắm, giờ hết sạch lấy gì ngăn nước, ngăn lũ, bao đời nay chưa thấy cảnh tượng sạt lở kinh hoàng như thế! Là do đâu? Chúng tôi im lặng rồi chuyển hướng câu chuyện.

Một anh trạc tuổi 40 pha trà, cà phê mời chúng tôi như để thay lời cảm kích. Anh nói đất thổ cư ở đây không rẻ, nhưng chỉ đắt ở những nơi nhìn bằng trực quan cảm thấy là an toàn, nghĩa cách xa lưng đồi và vực suối, “đắc địa” như thế không nhiều, và không phải ai cũng có cơ hội.

Vậy là những người yếu thế, người nghèo, hoặc đến sau phải buộc lòng chấp nhận an cư…nơi nguy hiểm! Nắm thêm thông tin về những hoàn cảnh éo le, chúng tôi nhờ anh dẫn đến một vài trường hợp.

Một bà mẹ 3 đứa con nhỏ, 2 đứa bị bệnh, chồng mất. Cách đây mấy ngày chính quyền đã vận động chị rời khỏi ngôi nhà – sau đó xuất hiện vết đùn làm gãy con đường nhựa do biến động địa chất, ngôi nhà toang hoác của chị bị chia thành hai nửa nghiêng về hai phía.

img_2758(1).jpg
Những món quà của mạnh thường quân đến với người dân (Ảnh: Khắc Trà)

Giữa buổi chiều chiếc xe bán tải hai cầu sau khi cố trườn qua bùn đặc, lách qua nhiều điểm sạt cũng “bò” đến trung tâm thôn. Cán bộ xã Tân Nguyên cùng xắn tay chia quà, phát tiền. Sau đó “liều mình” đi xe máy vào tiếp vùng sâu hơn của thôn – ở đó có những người không ra ngoài được.

Bên trên những con suối hung dữ trùng trục mang đất, đá đổ về hồ Thác Bà, ở đây khung cảnh hữu tình, non xanh nước biếc, đất đai trù phú rộng rãi, từng vạt ruộng lúa da báo sinh trưởng dưới thung lũng bắt đầu ngả màu vàng óng trĩu hạt chờ thu hoạch.

Kinh qua dông bão cây cỏ kiên cường ngổm dậy mơn mởn dưới chân, từng mạch nước nhỏ bắt đầu trong lại rỉ ra từ núi mang theo mầm sống mãnh liệt, từng cơn gió nhẹ rười rượi làm rung rinh mái lá cọ tạm bợ vừa cất lại sau cơn bão. Mẹ thiên nhiên hiền hòa trở lại, rồi sẽ yêu thương đùm bọc như bao đời nay.

Chúng tôi từ biệt nhau khi mặt trời ngả qua đỉnh quả đồi cao nhất, từng vạt nắng ấm chiều yếu ớt xuyên qua đám cây rừng xơ xác thoắt ẩn thoắt hiện vệt ngắn vệt dài trên lưng đoàn người trở ra.

img_2782.jpg
Một gia đình khó khăn nằm sâu trong bản (Ảnh: Khắc Trà)

Mỗi mùa bão lũ, thiên tai, dịch họa tình đồng bào có dịp sinh sôi nảy nở, rường cột mối đại đoàn kết dân tộc càng vững vàng thêm. Và nếu, một khi việc tương trợ đã trở thành tất yếu, nhà nước cần có chiến lược dài hơi để nguồn lực được sử dụng tối ưu hơn.

Điều tôi muốn nói là tích lũy và phân phối nguồn lực để kiến tạo sinh kế vững vàng, nâng cao sức chống chịu của người dân, để tình cảm đồng bào cả nước biến thành sức mạnh vật chất; để mỗi chúng ta không cần lặn lội tự mình trở thành “nhà cứu hộ bất đắc dĩ”.

Theo Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam

Bài viết liên quan